Bộ trưởng Bộ VHTT&DL: “Tiến tới chấm dứt cơ chế xin – cho cấp phép ca khúc”

Hà Thu| 14/06/2017 19:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trả lời về vấn đề cấp phép ca khúc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định tinh thần của Bộ là giảm cấp phép, giảm xin-cho, sau đó là chấm dứt hoàn toàn để tạo điều kiện cho văn nghệ sỹ.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL: “Tiến tới chấm dứt cơ chế xin – cho cấp phép ca khúc”

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn trong sáng nay (14/6). Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tại buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện sáng nay (14/6), đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đại biểu đoàn TP.HCM) đã đưa ra thông tin, hơn 40 năm qua việc cấp phép các bài hát trước năm 1975 theo cơ chế xin cho là cách làm cửa quyền. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, nên đưa ra danh sách các bài hát cần cấm, còn lại thì cho lưu hành bình thường. Đại biểu Nghĩa đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đâu là trở lực cho việc thực hiện cách làm này.

Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau những sự việc xảy ra trong thời gian qua, Bộ VHTT&DL đã yêu cầu các cục, vụ liên quan rà soát lại những thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép này. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ VHTT&DL đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các thủ tục liên quan đến cấp phép những vụ việc vừa qua.

Tinh thần của Bộ VHTT&DL giảm, hạn chế và đến chấm dứt cơ chế xin cho, để tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo của các văn nghệ sỹ. Bộ VHTT&DL sẽ tìm phương cách quản lý mới phù hợp với tình hình hiện nay cũng như với quá trình hội nhập quốc tế.

Trước đó, vào chiều qua (13/6), Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã trả lời vấn đề liên quan đến việc bổ sung danh sách bài hát được cấp phép khiến nhiều người hiểu lầm. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, nếu năng lực cán bộ tốt, những chuyện như vậy đã không xảy ra. Bộ trưởng cho rằng, trong vấn đề liên quan đến cập nhật 324 bài hát đã phổ biến rộng rãi trên website, có những cái sai không đáng có, đặc biệt là việc cập nhật sai mục.

"Đây là sai về nghiệp vụ rất sơ đẳng của quản lý Nhà nước", Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết Bộ VHTT&DL đã nhận trách nhiệm và đề ra các giải pháp như tiến hành kiểm điểm trách nhiệm, xác định làm rõ trách nhiệm, chỉ rõ nguyên nhân, trên cơ sở đó sẽ có giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, nâng cao đạo đức nghiệp vụ, thuyên chuyển cán bộ. Những giải pháp này đang được Bộ VHTT&DL tiến hành.

Trả lời về tình trạng lễ hội còn nội dung phản cảm, xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan, bạo lực, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ, Bộ VHTT&DL được giao quản lý nhà nước giúp cho Chính phủ ban hành những văn bản QPPL liên quan đến tổ chức lễ hội. Chính quyền địa phương đóng vai trò quản lý, đảm bảo trật tự đối với hoạt động lễ hội.

Sau khi lễ hội năm 2015 kết thúc, Bộ đã quán triệt các địa phương với tinh thần tổ chức lễ hội giữ được nét đẹp văn hóa. Ban Bí thư cũng ban hành chỉ thị về tổ chức lễ hội, Thủ tướng cũng ban hành công điện và chỉ thị về vấn đề này; Bộ cũng có văn bản có liên quan.

Có thể nói rằng, trong năm 2017, mùa lễ hội vừa rồi, các lễ hội phản cảm đã giảm bớt, lễ hội Đền Hùng, Lễ Hội Đền Trần đã được tổ chức tốt hơn.

Kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ trưởng đã trả lời rõ chức năng quản lý nhà nước về lễ hội nhưng cho đến nay mới dừng ở công điện, chỉ thị, thiếu nghị định quản lý nhà nước về lễ hội. Do vậy Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, Bộ VHTT&DL cần lưu ý và sớm trình Chính phủ Nghị định về quản lý nhà nước về lễ hội.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cam kết sẽ tiếp thu vấn đề này.

Phần trả lời câu hỏi về giải pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ, sau khi được QH phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ VHTTDL, “tôi luôn lo lắng và suy nghĩ” về việc này.

Năm 2016, khách du lịch đến Việt Nam khoảng 10 triệu, Thái Lan khoảng 32 triệu, Sigapore khoảng 16 triệu, Philippines khoảng 6 triệu…Như vậy, khoảng cách về lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta so với Thái Lan và Malaysia vẫn còn khá xa, Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, điều đáng mừng là tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch nước ta thời gian qua, năm 2016 là 27%, năm nay khoảng 30%. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 08 về phát triển kinh tế mũi nhọn.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Du lịch để tạo khả năng tăng trưởng trong thời gian tới.

Chúng ta phải phát triển du lịch rất nhanh, tốc độ cao. Thủ tướng yêu cầu tăng từ 30 - 50% trong năm nay. Sau 15 năm du lịch của Việt Nam và Thái Lan sẽ gặp nhau với tốc độ tặng trưởng của Việt Nam là 20%, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL: “Tiến tới chấm dứt cơ chế xin – cho cấp phép ca khúc”