NSND Trà Giang với ký ức “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”

PV| 28/04/2016 06:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Có những nỗi đau lặn khuất, có những niềm vui đăng quang, có những nụ cười vội tắt, chỉ còn lại miền ký ức vời vợi của đời người...", NSND Trà Giang đã thổ lộ như vậy khi nhớ lại bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.

PV: Lần đầu được gặp chị tại TP. Hồ Chí Minh, quả là niềm vui lớn của người viết. Chị có thể chia sẻ những kỷ niệm khi chị nhập vai để đóng phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”?

NSND Trà Giang: Trong những năm ác liệt của chiến tranh, nhiệm vụ của đoàn làm phim phải sát thực tế. Sau khi lăn lộn với thực tế cuộc sống đầy cam go, đau thương mất mát của người dân trong chiến tranh, nhất là nhân dân hai bên bờ sông Bến Hải, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, đạo diễn nghệ sĩ nhân dân Hải Ninh tiếp cận với thực tế đầy ác liệt của cuộc chiến tranh từ năm 1965 vào ra Quảng Trị cùng sống chết dưới làn bom đạn, với nhân dân Quảng Trị đến năm 1970 mới hoàn thành. Tôi được chọn đóng vai chính, vai Dịu trong phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Đoàn làm phim từ Hà Nội lên đường bao gồm các nhà đạo diễn, quay phim, họa sĩ, diễn viên… thâm nhập thực tế ở vùng bắc giới tuyến tạm thời - Vĩnh Linh .

Thực tế lúc bấy giờ đạn bom rất khốc liệt, đầy cam go thử thách. Chúng tôi ở bờ Bắc, được gặp đội quân du kích của bờ Nam sông Bến Hải. Đội quân này qua lại địa đạo Vĩnh Linh hoạt động bí mật ở các vùng hai tuyến sông. Họ lấy màn đêm làm lá chắn, tờ mờ sáng lội qua bờ Bắc học tập, sinh hoạt, ban đêm họ về hoạt động bí mật, nắm tình hình ở bờ Nam. Đoàn làm phim đi có một số anh ở Điện ảnh Công an. Lực lượng Công an vũ trang dọc tuyến sông bố trí cho đoàn gặp và thâm nhập thực tế.

Trong đoàn du kích có người con gái xứ cát bờ Nam, có đôi mắt buồn sâu thẳm, da trắng hồng đến lạ, khuôn mặt gợi lên một vẻ đẹp hiền hậu mà kiên trung. Đó là chị Hoàng Thị Thảo, lúc đó chị đã là Bí thư Chi bộ kiêm Xã đội trưởng xã Gio Hà - Gio Linh. Tôi được gần gũi chị, nghe chị kể chuyện bờ Nam, hoàn cảnh gia đình, lòng tôi quặn thắt. Cha mất, mẹ bị giặc bắn, anh trai bị tù đày, hành hạ, bản thân chị vào du kích cầm súng để hoạt động. Chị Thảo là hình ảnh sống động, là một chiến sỹ thực thụ đã lập được nhiều thành tích.

Một sự trùng hợp kỳ lạ với vai Dịu trong phim, từ đó tôi được hóa thân, nhập vai mà chị Thảo là một thực tế tạo cảm hứng. Chị đã chứng kiến biết bao nỗi đau thương chia cắt xảy ra ở hai bờ vĩ tuyến 17. Cảnh chồng Bắc, vợ Nam, cảnh đạn bom ác liệt, nhất là những người hoạt động cách mạng. Họ phải nén nỗi đau đến tận cùng để bảo toàn bí mật cho Cách mạng. Cắn chặt răng nuốt nước mắt khi chứng kiến người thân bị tra trấn dã man. Hoàn cảnh của chị Thảo là sự thật cuộc sống để tôi nhập vai.

NSND Trà Giang với ký ức “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”

NSND Trà Giang 

Vai Dịu trong phim chính là những gì tột cùng nỗi đau của chị Thảo, cũng là nỗi đau chung của phụ nữ hai miền Nam - Bắc sông Bến Hải, phụ nữ Quảng Trị, phụ nữ Việt Nam anh hùng. Tôi được nghe chị kể, lay động đến tâm hồn sâu thẳm, tôi ôm chị khóc nức nở và nhờ đó mà vai diễn của tôi thành công. Tôi như người trong cuộc, người con Quảng Trị anh hùng. Phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” được nhận giải Vàng và tôi được nhận niềm vinh quang là vai diễn xuất sắc trong Liên hoan phim Quốc tế tổ chức tại Matxcơva năm 1973.

Người xưa đã lặng lẽ ra đi, nỗi đau đã lặn khuất, niềm vui, sự đăng quang cũng đã lùi xa, chỉ còn lại lòng tôi vời vợi miền ký ức nơi miền quê ấy. Hình ảnh chị Thảo luôn sống mãi trong tôi. Khi đoạn phim đẩy gay cấn, éo le đến tột cùng như tù đày, tra tấn, cảnh bồng con chạy trong đêm mưa, cảnh nhìn đứa con bị bắn mà không nhận con được bởi phải giữ bí mật. Tất cả đó đều từ thực tế của cuộc chiến tranh đau thương mà anh dũng.

Từ nhỏ, tôi cũng đã chịu cảnh gia đình ly tán: Cha đi hoạt động cách mạng, mẹ vì thế bị giặc bắt. Mười hai tuổi tôi xa gia đình tập kết ra Bắc. Thời ấy tôi đã chứng kiến, cảm nhận những đau thương mất mát do chiến tranh đem lại. Niềm xúc cảm thực sự là từ chị Thảo và cuộc sống đau thương của nhân dân thời chiến cứ ám ảnh trong lòng tôi. Mặc dù khi phim chưa đóng xong, chị đã anh dũng hy sinh tại làng Cát, chúng tôi cũng không hay biết, sau này tôi có được tin, nhưng lòng tôi vẫn không tin, lẽ nào tôi không được gặp lại chị trong niềm vui chiến thắng.

Năm 1999, tôi trở lại Quảng Trị tìm về làng Cát, chị đã đi xa nhưng nụ cười lặn khuất như bên cạnh khi tôi được đăng quang, còn mãi với  những tháng ngày tôi được sống và được chị tâm sự. Niềm vui chưa được chia, nỗi buồn thực mà như mơ. Tôi lần tìm về quê chị, thắp lên mộ chị một nén hương, lòng tôi quặn thắt. Quảng Trị như là quê hương của tôi, tôi như người con Quảng Trị mới về hôm qua.

  PV: Chị đã sống và trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, từ những đau thương đã qua, chị có gửi gắm gì với các bạn trẻ?

NSND Trà Giang: Quê nội tôi ở Quảng Ngãi, quê ngoại ở Phan Thiết, sống nhiều năm ở miền bắc rồi vào TP. Hồ Chí Minh, tuổi thơ gắn nhiều kỷ niệm với người sống và cả người đã khuất. Bao giờ tôi cũng ước ao về thăm lại tất cả. Nhưng với Quảng Trị tôi nuôi mơ ước trở lại quá lâu. Năm 1999, Liên hoan phim toàn quốc tại Huế tôi mới có dịp. Cùng đoàn với tôi có cả đạo diễn - NSND Hải Ninh, lúc đầu chúng tôi sợ tìm không ra quê chị Thảo nhưng khi có hy vọng, tất cả chúng tôi vừa mừng, vừa tủi như người có lỗi.

NSND Trà Giang với ký ức “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”

 Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (Vĩ tuyến 17) một thời là ranh giới chia cắt Bắc - Nam

Đời người có lúc thăng, lúc trầm, có giai đoạn tưởng chừng không thể vượt qua. Có những éo le nếu không phát huy nghị lực sống thì dễ rơi xuống vực sâu thăm thẳm. Thực tế cuộc sống có nhiều tấm gương của lớp trẻ đáng khâm phục. Cần phát huy nghị lực sẵn có ở mỗi người, đừng vội nản trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Càng gian khổ càng cần nghị lực để khi ngoảnh lại chính ta cũng phải thốt lên: Không ngờ tôi đã làm được vậy. Nhưng cũng không quên bên cạnh ta có bao sự cộng lực, ơn sâu nghĩa nặng của gia đình, quê hương, nhà trường, bạn bè, xã hội… và cả những huy hoàng hay đau thương của lịch sử.

Tuổi trẻ bây giờ có nhiều thuận lợi, càng thuận lợi càng phải biết tận dụng chứ đừng ỷ lại và lãng phí. Sự tự vươn lên của con người là yếu tố rất cần thiết trong mọi sự thành đạt và là thước đo của lý trí, của đạo hiếu. Tôi luôn cầu mong mọi người được hạnh phúc và may mắn để bớt đi những khổ đau của cuộc sống muôn màu.    

 PV: Tại TP. Hồ Chí Minh chị được nhiều người biết đến là một họa sĩ. Vậy, duyên cơ nào đưa chị đến với hội họa, hiện tại hội họa đã giúp chị có nhiều niềm vui?

NSND Trà Giang: Tháng 11/1999, anh Bích Ngọc - chồng tôi đột ngột ra đi, một khoảng trống cùng với sự đau buồn tột cùng. Người còn, người mất là sự mất thăng bằng. Tôi đến nhà một số người thân, thấy tranh say sưa ngắm và từ đó, sắc màu đã cuốn hút tôi theo hội họa. Trước chỉ nghĩ để vơi bớt nỗi buồn, sau theo học lớp vẽ căn bản của nhóm Hương cỏ, vẽ nhiều rồi thành đam mê. Đúng là có chút duyên cộng thêm sự may mắn đã giúp tôi trên con đường sự nghiệp chính cũng như bước rẽ say mê về hội họa. Tôi đã tìm được nhiều niềm vui từ tranh và tranh là cứu cánh tâm hồn tôi để trọn vẹn một đời tôi với nghệ thuật.  

 PV: Xin cảm ơn chị. Chúc chị có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục vươn tới những ước mơ của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NSND Trà Giang với ký ức “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”