Nhạc sĩ An Thuyên- Những câu chuyện còn kể mãi

Hà Thu(TH)| 04/07/2015 20:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sự ra đi đột ngột của nhạc sĩ An Thuyên khiến nhiều người bàng hoàng, tiếc thương. Đây là một tổn thất không gì bù đắp được của nền âm nhạc nước nhà.

Sinh ra tại làng quê nghèo khó, “khoai vốn nhiều hơn cơm”

Nhạc sĩ An Thuyên sinh năm 1949, tại làng Kẻ Đáy, thôn Quỳnh Kim, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nói về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nhạc sĩ từng kể: "Đó là một miền quê nghèo khó, cuộc sống mẹ cha lam lũ, tuổi thơ ngày ngày ăn cơm độn khoai, mà khoai vốn thường nhiều hơn cơm”.

Nhạc sĩ An Thuyên- Những câu chuyện còn kể mãi

Cố nhạc sĩ An Thuyên

Và cũng chính mảnh đất nghèo khó “khoai vốn thường nhiều hơn cơm” ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn và giúp cậu bé An Thuyên ngày nào giờ đã trở thành một nhạc sĩ, Thiếu tướng được nhiều người mến mộ. Những điệu hò, điệu ví đặc trưng của người dân xứ Nghệ đã ăn sâu vào tiềm thức cũng như những sáng tác của cố nhạc sĩ An Thuyên.

Bắt đầu từ năm 1967, nhạc sĩ An Thuyên ông tác ở Ty Văn hóa Nghệ An và tại đây, ông đã cùng các đồng nghiệp trực tiếp tham gia vào công việc ghi chép, sưu tầm các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh. Từ năm 1990, ông là Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Uỷ viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá 5. Đặc biệt, An Thuyên cũng là nhạc sĩ đầu tiên được phong hàm tướng.

Cố nhạc sĩ An Thuyên nói rằng, thời gian ba bốn năm được phân công đi sưu tầm dân ca ở vùng đất miền Trung đã nuôi dưỡng tâm hồn ông, nuôi dưỡng những làn điệu dân ca trong ông. Thế nên khi ông sáng tác, những làn điệu dân ca xứ Nghệ đã thấm vào máu thịt, thấm vào từng câu, từng chữ, từng nốt nhạc mà tự nhiên cất lên thành lời, thành điệu, thành âm thanh…Cũng dễ hiểu vì sao gia đình ông hiện nay, cả vợ và các con ông đều yêu nghệ thuật, làm nghệ thuật, và say mê sáng tạo nghệ thuật như ông.

Nhạc sĩ An Thuyên đã từng chia sẻ rằng: “Tôi thường nói với các con rằng, bố mẹ ra đi với hai bàn tay trắng , những gì mà gia đình mình có được như hôm nay đều bắt nguồn từ củ khoai, củ sắn, từ điệu dân ca, từ hồn vía quê hương xứ Nghệ …và điều quan trọng nhất của người làm nghệ thuật là cái tâm. Tôi thường dặn con trai An Hiếu, khi con ra đường gặp hoàn cảnh thương tâm phải biết rơi nước mắt thì nốt nhạc của con mới có ý nghĩa. Tôi cũng dạy con rằng mọi sáng tạo đều phải bắt nguồn từ cuộc sống, nếu không, những bản nhạc sáng tác ra cũng như là một thứ thời trang…”.

Cả gia đình làm nghệ thuật

Cha ông, Nguyễn Như Tùng là một nhà nho xứ Nghệ, thông thạo tiếng Hán và từng làm thư ký cho một hãng buôn gỗ ở Quảng Ninh thời Pháp thuộc. Sau cải cách năm 1945, ông cùng cả gia đình lập ra một gánh hát biểu diễn phục vụ cho cả làng, cả xã và được hợp tác xã trả công điểm. Hồi đó, gánh hát của gia đình ông giống như một “đoàn văn công” chuyên nghiệp lúc bấy giờ.

Trong khi ông được giao làm nhiệm vụ “nhạc trưởng”, anh trai Nguyễn Anh Cấp thường được giao đóng các vai nữ, má phấn, môi son y như con gái thật. Theo lời kể của cố nhạc sĩ An Thuyên lúc sinh thời, cha ông là người hát hay, đàn giỏi; anh trai ông cũng thừa hưởng từ cha của mình. 

Nhạc sĩ An Thuyên- Những câu chuyện còn kể mãi

Nhạc sĩ An Thuyên là con thứ sáu trong gia đình có 7 người con. “Đoàn văn công” gia đình An Thuyên thường biểu diễn các vở như “Thạch Sanh”, “Tống Trân-Cúc Hoa”, “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài”…

Sinh ra và lớn lên trong gia đình cả nhà đều làm nghệ thuật như thế, lại ở một vùng quê nghèo xứ Nghệ vốn nổi tiếng với những điệu hò, điệu ví dặm xứ Nghệ, khi lớn lên, lại được tiếp xúc với những văn nghệ sĩ quê nhà, nhạc sĩ An Thuyên đã mang cả quê hương vào trong những sáng tác của mình sau này. Năm 15 tuổi, chính nhà thơ Trần Hữu Thung là người đã phát hiện ra những năng khiếu nghệ thuật của ông.

Hiện, cả gia đình nhạc sĩ An Thuyên đều làm nghệ thuật, cả nhà đều là tướng tá theo đúng nghĩa của từ này: Bố, nhạc sĩ, thiếu tướng An Thuyên; mẹ, đạo diễn, trung tá Huyền Lâm; con trai, nhạc sĩ, thiếu tá An Hiếu; con gái, đạo diễn các chương trình sân khấu nhạc kịch, đại úy Bông Mai (bây giờ Bông Mai chuyển sang làm ở Đài truyền hình Việt Nam).

Nhạc sĩ của những ca khúc về quê hương, đất nước

Năm 1972, An Thuyên cho ra đời nhạc phẩm đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của mình với tên gọi “Em chọn lối này”. Ngay cả với các ca khúc sau này, người ta nhận thấy rằng các sáng tác của ông đa phần đều mang đậm âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Nổi bật trong số đó có thể kể tới như: Huế thương, Chiều sông Thương, Hà Nội tình yêu tôi, Khi xe tăng qua miền Quan họ, Thơ tình của núi, hay Ca dao em và tôi, Neo đậu bến quê,...

Nhạc sĩ An Thuyên- Những câu chuyện còn kể mãi

Bên cạnh đó, cố nhạc sĩ An Thuyên còn là người có ca khúc viết về chủ tịch Hồ Chí Minh được nhiều người yêu mến như “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, ca khúc được nhạc sĩ sáng tác khi ông mới 24 tuổi. 

Năm 2007, nhạc sĩ An Thuyên được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho những cống hiến lớn lao của ông trong suốt gần 40 năm qua.

Ông cũng đã đoạt nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam như Giải Nhì với bài Chín bậc tình yêu (1992), giải Nhất với bài Bài ca người tình báo(2000), Giải Nhất với bài Đi tìm bóng núi (2004), giải Nhì hợp xướng Chào Việt Nam thênh thang mùa xuân (2004).

“Người thầy lớn” của nhiều thế hệ nghệ sĩ thành danh

Cố nhạc sĩ An Thuyên còn là một người thầy mẫu mực của nhiều thế hệ học trò nay đã trở thành những nghệ sĩ, ca sĩ thành danh như: ca sĩ Trọng Tấn, ca sĩ Tố Nga, Anh Thơ, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương…

Hơn 20 năm gắn bó và làm Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, ông đã nhóm lửa và cùng tập thể thổi bùng ngọn lửa cho biết bao thế hệ học trò tài năng âm nhạc xuất chúng của đất nước. An Thuyên cũng được xem là người góp phần không nhỏ trong việc khẳng định thương hiệu giáo dục của Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, từ một trường không phiên hiệu đến cao đẳng và sau cùng là đại học uy tín bậc nhất về đào tạo âm nhạc.

Còn ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, cô đã kể về cố nhạc sĩ như kể về người cha thứ hai của mình: “Tất cả học viên của trường đều thương mến thầy, xem thầy không chỉ như người thầy mà còn như người cha của mình”.

“Cả đời tôi mê đắm phụ nữ”

Về đời tư, có thể nói nhạc sĩ An Thuyền có cuộc sống khá viên mãn so với những nhạc sĩ cùng thời. Ông có một gia đình hạnh phúc cùng 2 con và vợ là đạo diễn, nghệ sĩ Ngô Huyền Lâm. Người nhạc sĩ tài hoa từng bộc bạch với công chúng rằng: “Cả đời tôi mê đắm phụ nữ, vì không yêu, không bay bổng sao viết hay được?”.

Hai người con của An Thuyên là nhạc sĩ An Hiếu và ca sĩ/BTV Bông Mai cũng đã bước đầu gặt hái được nhiều thành công trên con đường nghệ thuật của mình.

Nhạc sĩ An Thuyên chưa có một ngày nghỉ ngơi thực sự vì ông vẫn đang bước trên hành trình cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam với nhiều dự định còn dang dở. Sự ra đi đột ngột của ông khiến cho cả làng nhạc bàng hoàng và đau đớn nhưng chắc chắn tên tuổi của ông, những sáng tác âm nhạc và câu chuyện cuộc đời của cố nhạc sĩ tài ba này vẫn sẽ còn sống mãi trong lòng công chúng yêu nhạc Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ An Thuyên- Những câu chuyện còn kể mãi