“Gã người rừng” và mối tình đắm đuối với hát ả đào

Hà Thu| 16/02/2018 10:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếc của, xót ruột với di cảo của cha ông thì cố sống cố chết mà làm. Dự án coi như bước tiếp theo của công cuộc khảo cổ, chắt chiu “chút hương hỏa của tổ tiên” từ quá khứ thẳm sâu”… là lời thốt ra từ đáy lòng của “gã điên”.

“Cơn điên” của gã người rừng

Trong những ngày “ăn ngủ” với nghệ thuật ả đào (ca trù) để phục dựng lại trình thức hát cửa đình của nhạc ả đào theo chuẩn mực cổ điển, Bùi Trọng Hiền - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (Viện Văn học dân gian Quốc gia) được bà xã gọi luôn bằng cái tên “gã người rừng” với “cơn điên” không thể ngừng lại được. Đó là những ngày “gã” cùng vợ quyết định hoãn tất cả công việc mưu sinh để về nhà cụ Nguyễn Phú Đẹ, kép đàn lão thành cuối cùng của thế kỷ XX ở Hải Phòng nhằm giải tỏa những thắc mắc của mình về nghệ thuật hát ả đào.

Là người nghiên cứu cổ nhạc hơn 20 năm qua, bản thân nắm khá vững về quy luật âm điệu của các thể loại tài tử: Cải lương, chèo, tuồng, xẩm, quan họ, hát văn..., nhưng riêng mảng nghệ thuật hát ả đào thì anh lại bắt đầu muộn hơn. Anh bảo “không hiểu sao phải đến cuối năm 2014 mới bắt tay vào nghiên cứu thực sự”, trước đó mới chỉ dừng ở các nghiên cứu lịch sử văn hóa.

“Gã người rừng” và mối tình đắm đuối với hát ả đào

Cụ Nguyễn Phú Đẹ đang truyền dạy cho các quan viên, đào kép

“Sau Liên hoan ca trù toàn quốc cuối năm 2014, ngồi chấm thi cùng cụ Nguyễn Phú Đẹ, tôi lắng nghe cụ, quan sát cụ và bỗng thấy... giật mình. Đào kép trong liên hoan đàn hát sai nhiều quá và nói thật, có nhiều cái mà trước đây mình chấp nhận được, nghĩ là đúng nhưng giờ nghe cụ Đẹ phân tích mới biết là sai. Sau đó, tôi về mất ngủ tới một tuần, rồi bàn với vợ, và quyết định tạm dừng mọi việc mưu sinh, lên đường về nhà cụ, bắt đầu một chuyến phiêu lưu điền dã để tìm hiểu lại mọi thứ cho ngọn ngành, chính xác. Cụ Đẹ là nhân chứng nhà nghề cuối cùng đã ở cái tuổi ngoài 90, tôi không thể để thời gian phí hoài thêm nữa” - anh kể.

Cũng vì biết mình đến với ả đào muộn nên Bùi Trọng Hiền lao vào làm ngày làm đêm, đi đi về về giữa Hà Nội và Hải Phòng, thậm chí còn cùng vợ hoãn toàn bộ công việc mưu sinh để toàn tâm toàn lực cho ả đào. Theo bà xã Bùi Trọng Hiền thì đây là hành trình của “gã người rừng” với “ả nhân tình” ả đào.

“Tiếc của, xót ruột với di cảo của cha ông thì cố sống cố chết mà làm. Dự án coi như bước tiếp theo của công cuộc khảo cổ, chắt chiu “chút hương hỏa của tổ tiên” từ quá khứ thẳm sâu” - Bùi Trọng Hiền cho biết.

Và “cơn điên” của Bùi Trọng Hiền bắt đầu từ quyết định tạm dừng mọi công việc mưu sinh, cùng vợ lên đường về tận nhà cụ Nguyễn Phú Đẹ để học. Nhưng theo lời kể thì từ năm 2005, anh đã có đề tài nghiên cứu nghệ thuật hát ả đào, đã bắt tay làm ngay nhưng khi tiếp xúc với một cao thủ về hát ả đào thì cụ lưỡng lự không muốn dạy. Cụ bảo anh phải đi xin phép…con nuôi của cụ. Khi đó, Bùi Trọng Hiền lại cất công quỵ lụy đến nhà con nuôi của bà thuyết phục nhưng họ cũng khéo léo đá sang sân khác. “Tôi bỏ cuộc vì nản. Đó mới chỉ là một ví dụ để thấy tiếp cận ca trù thực sự khó khăn so với các thể loại âm nhạc khác tôi từng nghiên cứu” - anh kể lại.

“Cũng do lịch sử bi kịch của ca trù, đang làm ăn phát đạt (ngày xưa từ miền Bắc trở vào đến Hà Tĩnh, Nguyễn Đôn Phục viết, trung bình mỗi huyện có 2 làng ả đào, tức là 2 giáo phường) bỗng bị xã hội hắt hủi. Cỡ danh ca như Quách Thị Hồ được Nguyễn Tuân, Nguyễn Xuân Khoát nâng đỡ mới được thu ở đài phát thanh vài ba bài lưu lại tới ngày nay, còn bị mạt sát thậm tệ, nên các nghệ nhân bây giờ có khó tính, mình hoàn toàn thông cảm. Nói thế để thấy rất nhiều nguyên nhân khiến những người nghiên cứu ca trù không bao giờ chạm được đến tận cùng như tôi bây giờ...Cho đến năm 2014, tôi biết không thể đừng được, tôi gạt mọi cảm xúc ra ngoài. Vì lúc đấy chỉ còn cụ Đẹ có thể giải lời những thắc mắc của tôi. Một tuần sau Liên hoan ca trù năm 2014, tôi quyết định lên đường mở cuộc điền dã lớn với cụ Đẹ, tiến công vào quá khứ. Lập tức tôi về Hải Phòng thuyết phục chị Đỗ Quyên (Trưởng nhóm ca trù Hải Phòng) xuất quân học cụ 4 tháng để có cuộc phục dựng lần thứ nhất. Sau đó mỗi lần tìm được tư liệu nào ký âm phân tích xong tôi lại cầm tư liệu về cho cụ nghe để thẩm định” - Bùi Trọng Hiền kể.

“Gã người rừng” và mối tình đắm đuối với hát ả đào

Bùi Trọng Hiền bên tấm bảng treo tường còn đang phác các sơ đồ… khái quát hệ thống lý thuyết cơ bản đầu tiên của ả đào, thứ mà chưa có nhà nghiên cứu nào có được

Anh còn gọi đó là cuộc lội ngược dòng khủng khiếp, nhọc nhằn, vì biết bản thân mình vào cuộc đã muộn. “Tư liệu thì hiếm, cái đi xin, cái được cho, cái phải mua, cái phục chế từ những cuốn băng cũ mốc trắng. Hai tuần thức trắng cứu được đống băng thì mới ra một lối hát cửa đình nữa theo bài bản của gia đình ông Đinh Khắc Ban ở Vĩnh Phúc. Khi đem về cho cụ Đẹ nghe, có bài cụ còn không biết” - Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết.

Với Bùi Trọng Hiền và những người mê mẩn nghệ thuật hát ả đào thì ngày 14/01/2015 là dấu mốc quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên sau 60 năm vắng bóng trình thức hát cửa đình của nghệ thuật ả đào cổ điển bước đầu đã chính thức sống dậy trong một cuộc chuyển giao thế hệ đầy cảm xúc.

Theo Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, sau kết quả này, anh tiếp tục hành trình của mình với “ả nhân tình” ả đào để tìm ra lý thuyết cơ bản về âm luật.

Những gì mà anh được cụ Đẹ truyền dạy lại đã khiến Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền phải “bàng hoàng”, thậm chí anh còn gọi chính xác cảm giác lúc đó là “kinh hoàng” trước khối tư liệu quý chưa từng được công bố về lịch  sử của nghệ thuật hát ả đào, của những kép đàn, danh ca nổi tiếng một thời.

Đầu năm 2016, vừa khi Bùi Trọng Hiền hoàn thành các nghiên cứu cơ bản của công trình thì cụ Đẹ không may lâm trọng bệnh với cơn tai biến buổi xế chiều. “Cảm giác thật choáng váng! Thương thầy, bản thân cũng đã kiệt sức sau 2 năm ròng rã miệt mài với ả đào, mọi việc đành tạm ngưng. Tôi cũng phát hiện mình bị chảy máu dạ dày” - “gã người rừng” Bùi Trọng Hiền kể lại.

Cuối năm ấy, biết được tính chất hệ trọng của công trình Bùi Trọng Hiền tiến hành mấy năm qua, quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, khi đó là PGS.TS Từ Thị Loan đã khẩn thiết yêu cầu anh xây dựng một dự án bảo tồn ca trù ở địa bàn Hà Nội. Và, “gã” đã quyết định tiến hành một đề án với mục tiêu “tập huấn nhạc ả đào cổ điển theo phương pháp tiếp cận mới”.

“Gã người rừng” và mối tình đắm đuối với hát ả đào

Đầu tháng 8/2017, vào cuối giai đoạn tập huấn, nhóm đào kép học viên bắt đầu thực thi một nhiệm vụ trọng đại - họ tiếp tục phục dựng các thể cách hát cửa đình cổ điển lần thứ 2. Ở đây, bên cạnh vốn bài bản học từ thầy Nguyễn Phú Đẹ, nhóm của Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã căn cứ vào tư liệu phục chế của các đào nương Nguyễn Thị Cúc, Đinh Thị Bản, Đinh Thị Nghĩa và kép đàn Đinh Khắc Ban.

Họ là những bậc tài danh của một gia đình, dòng họ ả đào nổi tiếng ở giáo phường thuộc Vĩnh Phúc xưa kia. Trong đó đã xác định được những thể cách rất độc đáo, thậm chí khác hẳn với một số bài bản giáo phường Hải Dương mà cụ Đẹ đã truyền dạy. Kết hợp 2 nguồn tư liệu, cuối cùng các đào kép của dự án đã hoàn thành việc “chuyển giao thế hệ” với Album “Hát cửa đình”, bao gồm một số bài bản đại diện có tính hệ thống cổ điển. Trong đó có những thể cách lần đầu tiên sống dậy sau hàng chục năm “ngủ yên” trong mấy cuốn băng cũ nát.

Từ cuối tháng 2/2017, lấy nhóm ả đào Phú Thị làm đối tượng, Bùi Trọng Hiền dùng chính hệ thống lý thuyết mới nghiên cứu tiến hành thử nghiệm việc học nhạc đi kèm với việc học âm luật. Xưa kia, đào kép các giáo phường thường chỉ học bài bản qua việc truyền ngón nghề, truyền khẩu theo phương pháp tại chỗ. Còn bây giờ, tất cả mọi chi tiết, thành tố nghệ thuật âm nhạc từ toàn bộ đến từng phần đều được đúc kết, lý thuyết hóa để giúp đào kép hình thành sự cảm nhận với ý thức chủ động. Mặt khác, căn cứ trên hệ thống lý thuyết đã đúc kết, chuẩn mực nghệ thuật cổ điển của ả đào hy vọng sẽ được lưu truyền vững chắc với việc xác định rõ các khái niệm cơ bản như: Khổ đàn, khổ phách, âm điệu, cấu trúc bài bản các loại...

Bên cạnh lớp đào kép, từ cuối tháng 8/2017, nhóm của Bùi Trọng Hiền cũng chính thức đào tạo một lớp quan viên ả đào theo đúng chuẩn mực cổ điển của thời hoàng kim lịch sử. Nhưng khác với lối học cổ truyền, tương tự như đào kép, các quan viên khóa tập huấn cũng học đánh trống chầu theo phương pháp tiếp cận mới. Có nghĩa họ được học lý thuyết cơ bản về các loại khổ đàn, khổ phách, cấu trúc bài bản... Từ đó nhanh chóng “đốt cháy giai đoạn”, nắm bắt các sơ đồ khuôn thước cổ điển để có thể điểm chầu một cách mẫu mực.

“Quả ngọt chín tới”

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền kể cho tôi nghe về quá trình phục dựng lại ả đào theo đúng chuẩn mực của nghệ thuật hát ả đào cổ điển trong căn phòng đã cũ ở khu tập thể giáo viên. Trong căn nhà này có phần “lạc điệu” so với những ngôi nhà cao tầng xung quanh, Bùi Trọng Hiền vừa uống hết bát thuốc bắc đắng ngắt vì chứng chảy máu dạ dày, vừa giải thích cho tôi về lịch sử xa xưa của ả đào, về những bậc danh ca kỹ ả đào thượng thặng, và sau đó là những phân tích kết quả thu được sau mấy năm ròng nghiên cứu giọng hát, kỹ thuật gõ phách, chơi đàn của các danh ca, danh cầm, những người nổi lên từ hơn nửa thế kỷ trước như Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Chu Thị Năm, kép đàn Nguyễn Phú Đẹ…, những bậc tài nhân trong giới sành chơi của các nhà phú gia hay văn thi sĩ hào hoa. Mà những con người hát ca, thơ phú ấy cũng trong cái lớp lận đận một thời.

Trong căn phòng không lấy gì làm mới và cũng chẳng nhiều nhặn đồ đạc gì, ngoại trừ chiếc võng mắc một bên, một cái bàn tre đan thấp đặt giữa phòng, bên trên là chiếc máy tính cũ, và xung quanh nhà là cả một kho tàng về ả đào. Xung quanh nhà, nhìn đâu cũng là đàn, phách, trống chầu, trống cái, băng cát-sét đã cũ, chồng băng đĩa, bảng treo tường còn đang phác các sơ đồ…khát quát hệ thống lý thuyết cơ bản đầu tiên của ả đào, thứ mà chưa có nhà nghiên cứu nào có được. Có lẽ, đó là tất cả tài sản quý giá nhất của “gã” bởi thứ nào cũng được đặt ngay ngắn, có vị trí đặc biệt trong căn phòng và dường như lúc nào cũng sẵn sàng mỗi khi có bạn bè hay vị khách lạ như tôi đến và xin nghe tiếng phách, tiếng trống chầu.

Sau 8 tháng mở lớp chỉnh huấn các quan viên, đào kép, tính đến tháng 11/2017, chưa kể khoảng thời gian hơn 2 năm (bắt đầu từ tháng 9/2014), Bùi Trọng Hiền gần như ăn ngủ với “nhân tình” mang tên hát ả đào (ca trù).

“Đó là một chặng đường dài với nhiều cảm xúc. Vui có, buồn có, hy vọng pha lẫn thất vọng và lại hy vọng. Cùng với đó là nỗi lo thường trực về sức khỏe của chồng, nhiều lúc tôi cũng đành phải buông xuôi với "cơn điên" của anh ấy với ả người tình ca trù. Đành vậy, chuyện riêng xin gác lại, chỉ để niềm vui ở lại mà thôi” - bà xã của Bùi Trọng Hiền chia sẻ.

Trong căn phòng nhỏ, Bùi Trọng Hiền vẫn hăm hở nói, giảng giải về cái chỗ giữ nhịp của cụ này, chỗ láy phách của cụ kia, về những điểm xuyết, thêm thắt tinh tế. Nó góp thêm cho phong thái bài hát vốn đã được biết đến qua câu chữ, nay thêm lung linh bởi tài hoa trình diễn. Vừa nói tay vừa gõ theo tiếng đàn, tiếng ca của các nghệ nhân, giọng nói của anh ngày càng sôi nổi, mắt sáng lên, nụ cười rạng rỡ. Bùi Trọng Hiền khi ấy chẳng phải là “gã người rừng” với cơn đau chảy máu dạ dày, da mặt xám xịt, tóc tai rối bời nữa, anh cứ say mê giảng giải, say sưa nói về những tinh túy của các bậc tài danh như Nguyễn Thị Phúc, Đinh Khắc Ban, Phó Đình Kỳ… Anh vừa nói vừa trầm trồ, ngưỡng vọng, lại mở những phần tư liệu ghi âm nhiều chục năm trước của Viện chuyên môn để chứng minh, có cả những băng cát-sét đã cũ mà anh may mắn có được trong kho tư liệu của mình. Với anh, đó là thứ tài sản quý giá không thể mua được.

Căn phòng nhỏ không có gì ngoài đồ nhà nghề, tiếng hát tiếng đàn người xưa vang vọng, thung dung, đắm đuối, thổn thức như đang có gió về, như ngàn vạn sắc hình sông suối, như không khí phố xá những giáo phường, ca quán xưa u hoài, thầm kín, buông buông, trôi trôi phảng phất... Anh nói đến vài người trẻ bây giờ, những người như là có gì xui khiến từ xa xôi, để cũng hòa tan mình vào đàn hát mà giữ lấy. Bây giờ họ đã vững hơn nhiều rồi!

Được biết, trước ngày mang công trình phục dựng hát ả đào theo phương pháp mới, “gã” còn ngậm ngùi: “Cuối cùng cũng đang nhích dần về đích, cảm giác như chạm được vào “ADN” lá phách của Đầm Mộng Hoàn, Chu Thị Năm, Nguyễn Thị Phúc, Quách Thị Hồ - những danh ca kỹ ả đào thượng thặng thời đầu thế kỷ 20, những bậc kỳ nhân mà nhà văn Nguyễn Tuân từng mô tả rằng “tiếng sóc phách của họ đủ khiến cho người nằm thiên cổ phải tung nắp ván thiên ngồi nhổm dậy”. Biết nhận xét này đã lâu, nhưng đến bây giờ mới thực sự thấu cảm tới tận cùng…” - Bùi Trọng Hiền cảm nhận. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Gã người rừng” và mối tình đắm đuối với hát ả đào