Giữa đông, những đám mây u ám vẫn còn vương vấn chưa chịu rời khỏi bầu trời, sương mù vẫn trắng những cánh rừng, đỉnh núi. Thế nhưng, mặc cho giá rét, những cành mận sớm đã bung hoa trắng muốt báo hiệu mùa xuân đang về.

Chợ phiên ngày cận Tết

 

Trên miền rẻo cao Tủa Chùa (Điện Biên), năm nay dường như xuân đến sớm hơn. Khá lâu rồi tôi mới có dịp trở lại nơi này, vẫn còn đó sự bình yên trong giá lạnh vùng cao, cái lạnh đủ sức len lỏi qua lớp áo khoác dày sụ. Tôi thấy mình thật may mắn khi về thăm Tủa Chùa đúng thời điểm bà con các dân tộc nơi đây đang nô nức chuẩn bị đón chào năm mới. Đây không phải lần đầu tôi được hòa mình trong không khí tươi vui, đầm ấm này song vẫn thấy háo hức lạ. Trong làn gió núi lạnh buốt hơi đá, lại nhớ bát rượu mông pê sóng sánh màu hổ phách, thưởng thức miếng bánh dày nướng ròn tan bên bếp lửa. Để rồi chênh chao theo những giai điệu khèn môi da diết yêu thương.

 

Những phiên chợ gần cuối năm, không khí như ngày hội. Tủa Chùa có hai chợ phiên họp lùi ngày, cách mỗi tuần một phiên là chợ Xá Nhè (phía Nam) và Tả Sìn Thàng (phía Bắc). Chợ phiên Tả Sìn Thàng được tụ họp dưới thung lũng, ngập trong mây trắng phủ mờ, là “trung tâm thương mại” của 5 xã (Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Lao Xa Phình, Trung Thu, Sính Phình) với 4 phía đều là các dãy núi. Ở đây không chỉ là nơi để mọi người gặp gỡ giao lưu, trao đổi hàng hoá, chợ phiên Tả Sìn Thàng cũng là điểm hẹn giao duyên lý tưởng của các chàng trai, cô gái người dân tộc. Càng về trưa, chợ càng thêm đông, trên các ngả đường vắt vẻo trườn từ các làng bản về vẫn thấp thoáng, những đôi trai gái hối hả xuống chợ. Chợ đông vui nhộn nhịp, tưng bừng nhất là những ngày sắp bước sang Xuân.

 

Xuân về trên Tả Sìn Thàng

Một góc chợ Tả Sìn Thàng

 

Trên con đường quanh co, vắt vẻo gần 40km từ thị trấn Tủa Chùa vào chợ nay đã được trải nhựa, hai bên đường có những cánh đồng đá bạt ngàn, trên từng hốc đá các loài hoa rừng đang đua nhau khoe sắc. Rộn ràng bàn chân từng đôi trai gái, sương mờ chen bước chân, gió cài vành khăn của cô gái má rực hồng hòa cùng cảnh sắc mùa xuân đang chớm. Từ sáng sớm, trên khắp các nẻo đường, từ trên dốc xuống, từ khe núi ra sặc sỡ sắc màu xanh, đỏ, tím, hồng của váy áo các bà, các mẹ và thiếu nữ các dân tộc. Nhìn xa náo nức như một vườn hoa di động. 

 

Phiên chợ những ngày giáp tết nên có đủ mọi sản vật địa phương cho đến hàng điện tử, điện lạnh, hàng hóa công nghiệp, bánh kẹo, hương hoa… Ba thứ đặc sản không thể thiếu là “lợn cắp nách”, “gà chạy bộ” và rượu mông pê của đồng bào Mông. Nếu như rượu cũng được bà con dân bản mua khá nhộn nhịp thì “lợn cắp nách”, “gà chạy bộ” gần như tuyệt đối là tư thương mua buôn về bán lại tại chợ huyện hay chuyển về các huyện, thị, đặc biệt là TP Điện Biên Phủ. Cũng có nhiều cán bộ lên công tác cũng đi chợ phiên để kiếm con lợn bản, đôi gà đen Tủa Chùa về đón tết. Cũng bởi đây là những thực phẩm thuộc đầu bảng trong “menu” ở vùng Tây Bắc. 

 

Đi chợ phiên, trong khi các bà, các mẹ tất bật sắm sửa nhu yếu phẩm cho ngày tết như mắm, muối, mì chính, bánh kẹo, đôi dép mới… thì các thiếu nữ lại say mê lựa chọn vải thổ cẩm, áo, chỉ màu, gương lược và đôi hộp phấn son nho nhỏ. Đám thanh niên mới lớn thì tập trung quanh hàng băng đĩa và điện thoại di động chọn mua những đĩa nhạc sôi động nhất, tải những bài hát “hot” nhất về điện thoại của mình để vui chơi trong những ngày tết.

 

Hoà cùng tiếng nói cười, mua bán trong dòng người tấp nập là tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi cất lên những bản nhạc trữ tình như mời gọi mùa xuân, gọi bạn tha thiết, dịu dàng, khi thánh thót vút cao, ngân vang. Tả Sìn Thàng ngày xuân, đa dạng phong phú các loại hàng hoá. Ngoài những mặt hàng thương nghiệp đưa từ dưới xuôi lên, từ huyện lỵ vào phần lớn là các mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng thổ cẩm truyền thống của địa phương. Hàng nông sản bày bán ở chợ đều là tươi non và hấp dẫn; hoa quả, rau xanh, hạt gạo, củ khoai, củ sắn, chè búp sao tay, nấm hương, hạt dẻ, măng rừng, cá suối, thịt lợn, con gà, mật ong... đều do người dân trong vùng tự làm ra để dùng, sử dụng không hết mới đem đi chợ bán. 

 

Chính vì những yếu tố đó, chợ Tả Sìn Thàng vẫn còn giữ được rất nhiều nét thậm hoang sơ của một phiên chợ vùng cao. Có người dắt theo con bò xuống chợ. Người thì hai tay ôm hai con gà. Có người lại gùi một chú lợn lên lưng hoặc kẹp vào một bên tay mà mọi người thường gọi là lợn cắp nách. Những người khác gùi gạo, ngô, sắn, rau cải... đến chợ và bày ra tấm ni lông nhỏ để chào bán. Có người đi vài chục cây số chỉ để đến chợ chơi và ngắm đồ. Nhà ai có thứ gì dư thì mang thứ đó ra chợ bán để mua lại thứ mình cần. Nhiều nhất vẫn là các vật dụng phục vụ sản xuất và quần áo đủ kiểu mang đặc trưng của từng dân tộc. Không khí mua sắm cũng trở nên tấp nập. Cuộc sống của người dân vùng cao tuy có phần khó khăn nhưng ở họ vẫn giữ được nét quê chân chất và sự hồn nhiên, vô tư nên phiên chợ cũng vì thế mà trở nên đặc biệt. Cũng chính vì lẽ đó, không gian phiên chợ không chỉ là một không gian mua sắm mà ở đó còn chứa đựng một không gian ngày hội.

 

Con đường mở ra no ấm

 

Xuân về trên Tả Sìn Thàng

Thiếu nữ đi chợ Tết

 

Chúng tôi được dự bữa cơm “Tết sớm” tại căn phòng nhà tập thể của Nguyễn Ngọc Sơn, cán bộ tư pháp xã Tả Sìn Thàng, ngay đầu chợ. Mâm cơm có đủ thịt lợn bản luộc nhừ, gà đen, măng khô xào lòng già, đĩa rau cải mèo xanh ngắt và một can rượu mông pê. Nhấp chén rượu sóng sánh, Bí thư Đảng ủy xã Tả Sìn Thàng, Sùng A Khày nói như nhắn nhủ: Năm nay, bà con sẽ ăn một cái tết to, tổ chức lễ hội thật vui nhà báo ạ. Để mừng đường mới mà! Con đường ước mơ của người dân các xã phía Bắc đấy!

 

Quả vậy, “con đường mơ ước” ấy chúng tôi vừa trải nghiệm khi lên chợ phiên cuối năm này. Bốn mươi ki lô mét đường từ trung tâm huyện lên Tả Sìn Thàng đã được hạ độ cao, rải nhựa phẳng phiu. Có con đường đó thì đáng để mổ gà, giết lợn ăn mừng lắm chứ. Một năm trước thôi, vẫn là con đường quanh co hiểm trở, nền đường lổng chổng đá với những cua gấp mà với tốc độ của các tay xế xe minsk, xe win bản địa thì nếu không “chém cua” chỉ có nước… xuống vực! Từ khi đường rải nhựa, hàng hóa dưới xuôi lên với bà con nhanh hơn, đầy đủ hơn; ngược lại vật phẩm, nông sản của bà con cũng không bị ép giá như trước nữa.

 

Tả Sìn Thàng - địa danh gắn liền với đá. Đá ở Tả Sìn Thàng không chỉ nhiều nhất Tủa Chùa mà còn vô địch trong cả tỉnh Điện Biên. Đá mọc thành nương, đá đầy đường, đá chạy vào cả sân nhà, gầm sàn. Mùa đông dường như giá buốt hơn trên cao nguyên đá tai mèo. Những thân ngô mọc lên từ những vốc đất người dân gom trong từng hốc đá, gặn chắt bao giọt mồ hôi đắng đót của bà con đã cho một mùa bội thu, giờ đây phất phơ những chiếc lá xác xơ trong hơi đá lạnh lẽo. Lốm đốm đây đó, một vài gốc đào rừng gân guốc đã bật nụ xanh nõn nà, nổi bật trên nền đá xám xịt.  

 

Từ điểm cao nhất của Tủa Chùa là đỉnh núi Nam Quan, cao 1.874m, thuộc xã Tả Phìn, địa hình hạ dần độ cao về phía Nam, bị chia cắt bởi những dãy núi đá vôi tạo thành các lòng máng, thung lũng song vẫn đạt độ cao trung bình 800m so với mực nước biển. Ba phần tư diện tích tự nhiên của huyện là núi đá vôi nên trên rẻo cao này đá hiện hữu khắp nơi, song hành cùng đời sống con người. Đá vừa là bạn, vừa là “đối thủ” của con người trong cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên, xây dựng cuộc sống ấm no.

 

Cây ngô Tả Sìn Thàng mập mạp, xanh tốt trong lòng đá, hấp thụ hơi đá, hồn đá để chưng cất ra thứ rượu “mông pê” đặc biệt. Chỉ ngửi hơi rưọu đã thấy ngấm rồi, rượu vừa qua cổ hộng đã thấy mềm môi. Rượu mông pê nồng nhưng êm, say nhưng quện, cũng như tấm lòng và tình người Mông Tủa Chùa. Không chỉ ngô mà riêng vùng cao nguyên đá vôi Tả Sìn Thàng, Sín Chải và Tả Phìn này mới nuôi dưỡng nên loại chè cổ thụ có vị chát ngọt, nước đậm và dậy hương đặc biệt được kết tinh từ sương sớm, sương chiều quanh năm bao phủ. Thu hoạch, dân bản phải trèo lên cây hoặc bắc thang mới hái được búp chè. 

 

Tạm biệt rẻo cao trong đằm thắm sắc màu thổ cẩm, quấn quýt men nồng mông pê, chợt lắng lòng khi những vườn mận, nhiều nụ hoa đã bung cánh tự bao giờ mà chẳng ai để ý. Bên hiên nhà đơn sơ, những cành mận đung đưa trong khói lam chiều. Mận đã nở và mùa xuân đã đến!

 

Dọc những “nương” đá tai mèo, thỉnh thoảng lại bất chợt hiện lên những thân đào mốc meo, xù xì, cành dày đặc nụ kiêu hãnh giữa hoang hoải màu vàng dã quỳ. Đá và dã quỳ - rực vàng và thâm trầm lạnh lẽo! Hàng năm mỗi độ xuân về, hoa lại tô điểm cho “cao nguyên đá” này những sắc màu rạng rỡ, để mời gọi người người nhộn nhịp kéo đến vui hội xuân. Và, bên bát rượu mông pê ấm nồng, những câu chuyện chảy mãi không dứt, thổi vào hồn người tình yêu thương, sự đoàn kết và thủy chung, có vui cùng chia, có buồn cùng san sẻ của cộng đồng các dân tộc nơi rẻo cao yên bình!

 

Bảo Kiên 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân về trên Tả Sìn Thàng