Xuân về Hồng Lĩnh, ghé Tiên Sơn

congly.com.vn| 13/04/2012 11:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khu di tích văn hóa Tiên Sơn (núi Tiên) nằm ngay dưới chân núi Hồng Lĩnh - kinh đô Ngàn Hống của người Việt Thường cổ xưa. Khu di tích có tổ hợp kiến trúc gồm: đền Tiên, điện Thánh, miếu Chúa, chùa Tiên. Các công trình kiến trúc trên diện tích 2 hecta được bao bọc bởi con đê La Giang, nằm bên dòng Minh Giang huyền thoại.


Cụm quần thể di tích văn hóa Tiên Sơn có vào khoảng đầu thế kỷ XI cùng với chùa Thiên Tượng, Hương Tích, Long Đàm trên đỉnh Ngàn Hống. Trong những năm qua, các công trình thuộc cụm di tích này đã được nhà nước phục hồi và tôn tạo lại trên cơ sở giữ nguyên các yếu tố gốc gồm có: Hạ điện, Trung điện, Thượng điện, đền Tiên và miếu Bà Chúa. Trong đó, Thượng điện thờ lục vị thánh tổ là tổ sư của các nghề: rèn, đúc, may... Trung điện thờ tứ phủ gồm: Địa phủ, Sơn phủ, Thủy phủ, Thiên phủ, Tam tòa thánh mẫu và hạ điện là nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các anh hùng dân tộc.

Khuôn viên Điện thánh đền Tiên


Quần thể văn hóa Tiên Sơn gắn với một thiên truyền thuyết rằng, sau khi đắp lên Ngàn Hống, ông Đùng đào gốc cây, đốt than, dùng mũi thay bể thổi lò nung sắt, một tay làm kìm, một tay nắm làm búa, lấy đầu gối làm đe để rèn nông cụ và là người bày dạy cho dân làng luyện quặng, rèn đúc. Khi vua Tàu lâm bệnh, ông Đùng được mời sang thăm bệnh, bốc thuốc. Để trả ơn cứu mạng, vua Tàu cho mở kho báu hậu đãi. Ông Đùng nhận đồng làm quà mang về quê nhà và chỉ lấy số đồng đựng đầy cái đẫy mà ông mang theo. Tuy nhiên, chín kho đồng đen bỏ vào mà chưa đầy nửa đẫy và tàu, thuyền của vua Tàu cũng không có chiếc nào chở nổi nên ông bèn cởi nón làm thuyền vượt biển về nước. Số đồng đen mang về, ông đúc thành một quả chuông lớn, khi đánh lên có thể gọi tất cả vàng bạc Trung Hoa chảy về Đại Việt. Tiếc rằng quả chuông quá nặng nên đã rơi xuống ao. Trước khi về Trời, ông dặn sau này nếu gia đình nào sinh được 10 người con trai khoẻ mạnh thì hãy tới kéo chuông lên. Một lần có một gia đình nọ có 10 người con, nhưng trong đó có một người con nuôi đến kéo. Khi chuông gần lên đến bờ, người mẹ mừng quá kêu lên: “Nuôi ơi, gắng lên!” thế là cơ gia bị lộ! Quả chuông lại chìm xuống.

Lễ hội đua thuyền rồng truyền thống hàng năm


Ngày nay, tại Tam quan của đền Thánh vẫn còn bức hoành: “Cửu khố hắc đồng, bán nang vị mãn” (nghĩa là chín kho đồng đen chưa đầy nửa đẫy) và đôi câu đối: “ Y bát hà niên lưu thạch tích - Oanh thư chung sử thuyết đồng nang” (nghĩa là: Áo, bát nhà sư còn in trên đá - Lời truyền xưa còn ghi chuyện chiếc đẫy đựng đồng) - theo Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Thái Kim Đỉnh thì điều này đã làm cho truyền thuyết quả chuông đồng thực hư trở nên sống động. Mặt khác, giếng Tiên trên sườn núi cạnh Tam quan vẫn tồn tại qua bao mưa nắng, chiến tranh, vốn được ví là mắt rồng nên nước rất trong và quanh năm không bao giờ cạn.


Cũng theo thiên truyền thuyết, ông Đùng là người đã đắp lên núi Hồng Lĩnh với 99 ngọn trong đó ngọn cuối cùng bị đứt gánh, một đầu rơi xuống thành núi Ngọc Sơn (phường Đức Thuận), một đầu thành Núi Tiên bây giờ. Để tri ân ông, nhân dân đã xây nên đền Tiên trên đỉnh núi Tiên, trước đền từ xưa đã có một bàn cờ Tiên bằng đá xanh nguyên khối. Huyền thoại còn kể rằng, có người con trai lên núi Tiên hái thuốc về chữa bệnh cho cha, nhân gặp và xem Tiên đánh cờ, mới chỉ xem một ván, khi trở về thì cha đã mất và đã mãn tang. Tiếc rằng qua thời gian và chiến tranh, đền Tiên cổ kính linh thiêng đã bị hư hỏng, xuống cấp mới được trùng tu, bàn cờ Tiên đã không còn, nhưng thiên huyền thoại về bàn cờ in dấu chân tiên huyền bí vẫn còn đọng mãi trong lòng người dân Trung Lương. Vì vậy, vào các ngày rằm, lễ, tết... người dân vẫn nghi ngút khói hương ở đền Tiên, Miếu Bà Chúa dâng lễ vật thể hiện tấm lòng thành kính với trời đất, thần tiên.

Một nét kiến trúc trong quần thể


Dưới chân Núi Tiên là quần thể Chùa Tiên, giếng Tiên, đền Thánh Thợ rèn và đình làng. Chùa Tiên nằm phía Nam. Chùa không lớn nhưng bề thế, thâm nghiêm. Hiện nay dấu tích chùa đang còn đó vượt biết bao khắc nghiệt của thời gian nhưng dấu ấn linh thiêng cổ kính trong thi ca và huyền thoại về Thánh thợ Rèn vẫn có nhiều tư liệu quý nói lên sự gắn kết giữa Chùa, Phật, Miếu chúa với đức Thánh thợ rèn. Đền Thánh Thợ rèn xưa có quy mô lộng lẫy, hoành tráng, gồm Trung điện, Thượng điện, toạ lạc trong khung cảnh núi non hùng vĩ, ngút ngàn đại thụ. Phong cảnh đó đã từng đem lại cảm hứng cho nhiều bậc tao nhân mặc khách sáng tác thơ ca.


Đầu xuân này, ghé Tiên Sơn vào dịp xuân về, du khách còn có thể tham dự các dạ hội văn hóa Tiên Sơn chứng kiến lễ tế lục vị thánh tổ truyền nghề trong dân gian và trẩy hội đua thuyền rồng truyền thống cùng những người dân Trung Lương. Hội đua thuyền này nhằm chọn ra những tay đua cừ khôi và rèn luyện sức khỏe cho dân vùng sông nước đồng thời cũng là truyền thống cầu yên xóm làng. Lễ hội năm nào cũng thu hút hàng chục ngàn người tập trung về hai bờ sông Minh Giang để gặp mặt giao lưu đầu xuân và xem hội.


Con thuyền gắn bó với sinh hoạt, đời sống, phong tục, lễ hội của người Việt. Văn hóa vùng sông, biển với những tục lệ lâu đời đã thành phong tục đặc sắc, là vốn quý trong kho tàng văn hóa dân gian bản địa cổ truyền.

Lê Duẩn - Đình Hiếu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân về Hồng Lĩnh, ghé Tiên Sơn