Lễ hội đầu xuân là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta, nhưng thật đáng buồn vài năm trở lại đây, nhiều lễ hội bị biến tướng, lạm dụng với nhiều hình ảnh, hành động phản cảm....

Lễ hội bị biến tướng

Đầu xuân năm nay những lễ hội được tổ chức tôn nghiêm, lành mạnh, thể hiện được truyền thống văn hóa của dân tộc phải kể đến lễ hội Cổ Loa tại huyện Đông Anh, lễ hội Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, Hà Nội... Bên cạnh những điểm tốt, lễ hội ở một số địa phương vẫn còn tồn tại hành động phản cảm của một số du khách và sự “chệch choạc” của công tác tổ chức.

Vui buồn lễ hội đầu xuân

Chen nhau ném tiền vào kiệu rước ở đền Trần, Nam Định 

Đơn cử như tại lễ hội ở đền Trần, Nam Định: trong buổi họp báo trước khi diễn ra Lễ khai ấn đền Trần 2013, Ban Tổ chức và đại diện UBND Tp. Nam Định cho biết, năm nay chỉ phát 1.000 thẻ tương ứng với 1.000 người được vào bên trong khuôn viên đền để đảm bảo lễ rước, đóng ấn trang nghiêm, trật tự. Nhưng vào thời điểm khai ấn, trong sân đền Thiên Trường, Cố Trạch có tới gần vạn người. Hầu như thẻ cũng chỉ được cấp cho thân nhân, người nhà cán bộ. Cụ thể, trước lễ khai ấn vài ngày, trong danh sách phát thẻ của UBND Tp. Nam Định có đủ các ngành, địa phương đến lấy thẻ, phân rõ đâu là của lãnh đạo, đâu là để ngoại giao. Mỗi ngành của Nam Định được cấp bình quân khoảng 10 thẻ.

Đáng buồn hơn là cảnh ném tiền, tranh cướp đồ lễ diễn ra trong sân đền Thiên Trường, người dự lễ giẫm đạp lên nhau, đạp cả vào lư hương... để ném được tiền vào kiệu ấn hoặc giật được một món đồ trên mâm lễ. Phương pháp làm “kinh tế” của Ban Tổ chức thể hiện bởi gần 50 hòm công đức được đặt khắp nơi trong di tích đền Trần vào trước ngày khai ấn. Chiều 14 tháng Giêng, nhà đền bày hai hàng bàn chạy dọc lối vào đền Thiên Trường với các chồng phiếu ghi công đức được in sẵn các mức đóng từ 50.000 đồng trở lên. Để có ấn, đối với khách thập phương bỏ ra 20.000 đồng được phát một ấn, đối với người bản xứ có thể mua buôn 15.000 đồng/ấn, sau đó bán cho khách thập phương lên tới hàng trăm ngàn đồng (tùy theo độ nhiệt tình và túi tiền của khách-PV)...              

 Vui buồn lễ hội đầu xuân

Dán tiền lên tượng phật ở chùa Bái Đính, Ninh Bình (ảnh TL)

Đã vài năm nay tại chùa Bái Đính, Ninh Bình (ngôi chùa mới xây dựng với nhiều cái nhất), du khách đổ về chùa đông đến nỗi chật kín đoạn đường dài hàng chục km. Người ta cầu buôn một lãi mười, cầu tài cầu lộc, có người còn cầu cho đối thủ của mình sớm bị hạ gục...Chưa hết, hàng trăm người còn trèo lên dán dán những tờ tiền mệnh giá nhỏ (500 hay 1.000 đồng) vào thân tượng Phật, tạo ra một hình ảnh phản cảm, ô uế chưa từng có...

Vui buồn lễ hội đầu xuân

Thịt động vật treo lủng lẳng tại lễ hội chùa Hương trông rất phản cảm

Tại lễ hội chùa Hương: du khách thập phương nô nức hành hương trẩy hội bái Phật, đây cũng là dịp để nhiều dịch vụ ăn theo làm ô uế nơi cửa Phật. Đơn cử, ở một số điểm thuộc bến đò Bến Đục hay ngay chỉ cách cửa chùa Thiên Trù khoảng hơn 100 mét là cảnh giết thịt động vật hoang dã diễn ra ngang nhiên, thịt hươu, nai, lợn rừng, cày, sóc... treo lủng lẳng, máu đỏ chảy ròng ròng khiến nhiều người phải nhắm mắt, giật mình.

Bên cạnh cảnh xả thịt động vật là cảnh “chặt chém” du khách diễn ra khá ngang nhiên. Những tên ‘cò vé’ lượn lờ, chặn xe, đón xe từ Hà Đông, Hà Nội hay Đồng Văn, Hà Nam. Họ đeo bám những xe “khả nghi” rồi lượn lờ trèo kéo dẫn xe vào tận Bến Đục, “qua mặt” hàng loạt trạm gác của Ban Tổ chức. Chủ xe, du khách dù muốn hay không vẫn bị “chặt đẹp” bởi hai lần phải trả tiền vé gửi xe. Đối với vé đò, du khách muốn xuống thuyền nhanh phải chi cho “cò” từ 200 đến 300.000 đồng...

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách đến đây phần lớn là những người có học, trong đó có rất đông bạn trẻ đến cầu may cho sự nghiệp học hành. Tuy nhiên, cảnh “cô tú, cậu tú” xoa đầu rùa, sờ bia tiến sĩ trước sự ngạc nhiên của du khách nước ngoài và bất bình của những người có ý thức bảo vệ di sản văn hóa thật là điều đáng buồn... Hay tại đền thờ bà Chúa Kho, người ta biến di tích lịch sử văn hóa thành nơi “vay” - “trả” tiền bạc một cách rất ấu trĩ mang tính “xôi thịt”...

Văn hóa lễ hội

Nhận xét về những biểu hiện không đẹp mắt của nhiều du khách tại các lễ hội, một lãnh đạo ngành văn hóa ở Ninh Bình cho biết, rất nhiều lễ hội đầu xuân đang bị thương mại hóa, địa phương tận dụng lễ hội để thu các loại phí, cho thuê địa điểm kinh doanh, cá nhân lợi dụng lễ hội để “móc túi” khách thập phương. Đáng buồn là phần lớn du khách hiện nay đi lễ hội nhưng không hiểu được ý nghĩa văn hóa đúng nghĩa của lễ hội. Phần lớn họ đi theo “phong trào”, tâm lý “bày đàn” để cầu may. Họ đến lễ hội với tâm lý phải hơn người khác, phải chen lấn để đi trước người khác, phải sờ vào tượng phật, thậm chí dán tiền vào tượng phật để thể hiện mình sẽ may mắn hơn người. Hành động đó thể hiện sự thiếu hiểu biết và ích kỷ cá nhân, đây có thể lý giải vì sao (ngay tại các thành phố lớn) đang tồn tại một cách sống ích kỷ chỉ biết đến cá nhân, ví dụ như người ta có thể vứt rác bẩn ngay trước cửa nhà để cho trong nhà họ sạch...   

Theo nhận xét của nhiều người, những hành động, sự lộn xộn, không đẹp mắt trong các lễ hội nơi đền chùa không chỉ do ý thức của người đi lễ mà còn thuộc về trách nhiệm của các nhà quản lý. Ngày 3-2-2013, trong chuyên mục “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, mặc dù đã có chuyển biến tích cực ở một số địa phương, song công tác tổ chức và quản lý lễ hội vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Một biện pháp được Bộ trưởng đưa ra là tổ chức các đoàn kiểm tra trước lễ hội để chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế.

Tuy nhiên, nước ta hàng năm có tới 6.000 lễ hội lớn nhỏ, biện pháp kiểm tra của các cơ quan chức năng gần như là “bất khả thi” đối với lễ hội. Một biện pháp được các nhà văn hóa và quản lý đưa ra là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của du khách về lễ hội. Nhưng vấn đề nhận thức văn hóa lễ hội là một quá trình lâu dài không thể ngày một ngày hai được. Một người dân đưa ví von: “để làm một con đường người ta chỉ mất vài năm, để thay đổi nhận thức của một thế hệ mất hàng trăm năm”.

Tùng Lâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui buồn lễ hội đầu xuân