Viếng đền Bà Hải, nghĩ về các bài học lịch sử

09/03/2013 13:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong chuyến đi thực tế của lớp Thẩm tra viên khóa 1 Trường Cán bộ Tòa án, chúng tôi đã viếng thăm đền Bà Hải, tên chữ là “Hải khẩu linh từ” ở xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh...

Đây là một ngôi đền nổi tiếng, thờ vị nữ thần có tên là Nguyễn Thị Bích Châu – cung phi của vua Trần Duệ Tông… Trong hương khói nghi ngút, thần tích hư thực về người phụ nữ tài sắc, hy sinh vì nước và trở thành phúc thần, khiến ngôi đền thiêng trở nên gần gũi.

Bà Hải, phúc thần - liệt nữ

 

Thư tịch được nhiều người biết đến về ngôi đền này là truyện “Hải khẩu linh từ” trong tập “Truyền kỳ tân phả” của Đoàn Thị Điểm (1705-1748). Theo thư tịch này thì bà Nguyễn Thị Bích Châu là phi của vua Trần Duệ Tông, tươi đẹp và thông tuệ. 

 

Khi ấy nàng thấy chính sự trong nước ngày càng suy kém liền thảo “Kê minh thập sách” – Mười sách lược như tiếng gà gáy sáng, dâng lên Vua rằng: Năng giữ cội gốc của nước, trừ bạo ngược thì lòng người yên vui/ Ngăn chặn kẻ quyền thần, để ngăn ngừa chính sự mục nát /Thải bớt kẻ nhũng lạm để trừ tệ khoét đục của dân/ Mở đường cho người nói thắng / Rèn luyện binh sĩ cần hạng có dũng lực hơn là hạng vóc vạc lớn/ Chọn tướng nên cần người  thao lược mà không căn cứ vào xuất thân…

 

Xem tờ sớ ấy, Vua thốt lên: “Không ngờ một nữ tử lại thông tuệ đến thế! Thật là một từ phi ở trong cung của trẫm vậy”. Quả thật, những sách lược ấy không chỉ có ý nghĩa với đương thời rối ren mà có ý nghĩa đối với cả hôm nay và muôn đời sau.…

 

Viếng đền Bà Hải, nghĩ về các bài học lịch sử

Tượng thờ Chế Thắng phu nhân

 

Năm Long Khánh thứ tư (1376), Chiêm Thành xâm lấn bờ cõi, Vua quyết ngự  giá thân chinh đánh dẹp. Nàng không can ngăn được bèn nài xin đi hộ giá. Đại binh đến cửa biển Kì Hoa hạ trại, thì đêm đó gió bão nổi lên, sóng bể gào thét. Thần Giao Long hung tợn hiện ra, đòi Vua hiến tế một người đẹp, nếu không thì hắn thể nào bỏ qua. Nàng Bích Châu biết chuyện đã gạt nước mắt, chịu hy sinh để đại binh của Vua được bình yên. Trận đó, do trúng phải quỉ kế của giặc, toàn quân bị hãm, nhà Vua tử trận.

 

Cũng có thuyết khác ở địa phương cho rằng, khi quan quân nhà Trần đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn) vua Chiêm cho sứ giả đem vàng ngọc tới để trá hàng, nhưng sau đó lại bất ngờ tiến đánh vào lúc nửa đêm. Quân nhà Trần bị tấn công bất ngờ, long thể nhà Vua lại bất an, Nguyễn Thị Bích Châu cưỡi ngựa tả xung hữu đột cầm quân xung trận và không may bị trúng tên độc sau đó từ trần. Ba ngày sau vì vết thương quá nặng nhà Vua cũng băng hà, quân nhà Trần rút về tới địa điểm Châu Hoan, vì sóng to gió lớn tàu thuyền phải ghé vào vũng Ô Tôn (Vũng Áng). 

 

Theo “Hải khẩu linh từ”, năm 1471, Lê Thánh Tông cũng đi đánh Chiêm Thành, bà hiện lên báo mộng và xin giải thoát. Nhà Vua liền cho viết một tờ hịch hạch tội Giao Long bắn  xuống biển, lập tức ác thần bị diệt. Vua bèn cho hủy ngôi đền thờ ác thần. Khi đó thi thể nàng Bích Châu mới nổi lên, dung mạo vẫn như lúc còn sống. Vua Lê Thánh Tông lấy lễ Hoàng hậu cho an táng. Sau khi thắng trận trở về, Vua hạ chiếu lập đền, cấp ruộng tế và sắc phong cho bà là Chế Thắng Phu Nhân. Hiện nay, ngôi đền kiến trúc kiểu tiền miếu hậu lăng, trong hậu cung tương truyền là lăng mộ của bà.

 

Trần Duệ Tông – vị vua can trường và bài học cho hậu thế

 

Giữa đôi bờ hư thực, hậu thế không tìm thấy câu chuyện Bích Châu trong chính sử nhưng biết rằng, năm 1372, Nghệ Tông nhường ngôi cho em là Trần Kính, tức Trần Duệ Tông. Chỉ trong bốn năm ở ngôi báu, ông đã tỏ rõ là vị vua có tài năng và phẩm chất anh hùng.

 

Trần Duệ Tông liên tục tuyển chọn nhân tài cho quốc gia. Ông đã tổ chức thi Đình năm 1374, những nho sĩ thời đó như Trạng nguyên Đào Sư Tích, Bảng nhãn Lê Hiến Phủ, Thám hoa Trần Đình Thám... đều xuất thân từ bình dân. Ông xuống chiếu cho quân dân không được mặc áo, chải đầu theo kiểu người phương Bắc; không được bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm – Lào; quy định về mẫu mã các loại thuyền, xe, kiệu, tán,  y phục. Có thể thấy ý thức tự tôn dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa của ông rất sáng rõ và cụ thể.

 

Viếng đền Bà Hải, nghĩ về các bài học lịch sử

 

Mỗi năm có hàng chục vạn người đến lễ đền

 

Ông đặt ngạch tụng quan để lo việc giải quyết án từ, rồi cho thi lại viên để nâng cao trình độ quan lại...

 

Ông củng cố lại quân đội, thải bớt người già yếu, chọn dân đinh khỏe mạnh bổ sung quân ngũ, sắm sửa khí giới, đóng sửa chiến thuyền để chuẩn bị đánh Chiêm Thành, rồi xuống chiếu cho những nhà giàu góp thóc bổ sung binh lương, tùy theo mức đóng góp để ban thưởng. Ông chọn những người giỏi thao lược, giỏi võ nghệ “không cứ là tôn thất lên làm tướng” và với quân lính thì “người thấp bé nhưng nhanh nhẹn, can đảm cũng được sung vào hạng trên” – Đại Việt sử ký toàn thư.  Như vậy, những quy định của Duệ Tông có tinh thần của “Kê minh thập sách”. Ông cũng chỉ đạo dân binh đắp đường, đào kênh từ Cửu Chân (Thanh Hóa) đến cửa biển Hà Hoa (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), nơi có ngôi đền tọa lạc hôm nay.

 

Bấy giờ Chiêm Thành liên tục cướp phá Đại Việt. Lần giở những trang “Đại Việt sử ký toàn thư” giai đoạn này ta thấy: Tháng 3 năm Tân Sửu (1361) “ Giặc cỏ Chiêm Thành vượt biển đến cướp dân ở cửa biển Dĩ Lý”; Tháng 2 năm sau, Nhâm Dần (1362), “Chiêm Thành cướp Hóa Châu”; Tháng 3 năm Bính Ngọ (1366) “Người Chiêm cướp phủ Lâm Bình”. Đến năm Mậu Thân (1368) Chiêm Thành cho Mục Bà Ma sang gây sự về biên giới Hóa Châu và “Người Chiêm phục quân ta đánh trộm, quân ta tan vỡ”... Do đó, việc củng cố quan đội, phục hưng kinh tế và thân chinh đi đánh Chiêm Thành của ông là đúng đắn.

 

Cuộc cầm quân chinh phạt của ông không thành còn có nhiều nguyên nhân, trong đó sử ghi lại một vụ án tham nhũng ghê tởm. Đỗ Tử Bình được cử đem quân trấn giữ Hóa Châu, Chế Bồng Nga sợ hãi bèn dâng lên Vua 10 mâm vàng. Tử Bình ỉm đi, giữ làm của riêng, nói dối là Bồng Nga ngạo mạn, vô lễ, khiến Vua tức giận đem quân đi chinh phạt. Thế là tham nhũng làm hỏng cả mối bang giao giữa hai quốc gia, khiến đất nước vừa trải qua loạn lạc Dương Nhật Lễ lại phải gây chuyện binh đao.

 

Khi Vua lâm trận nguy nan, Đỗ Tử Bình chỉ huy hậu quân không đến ứng cứu, vì thế khi Thượng hoàng mang xe tù đi bắt Đỗ Tử Bình về trị tội, xe hắn đi qua Thiên Trường, dân chúng chen nhau ném gạch đá và chửi rủa hắn... Vậy mà sau đó, Tử Bình cũng chỉ bị đồ làm lính một năm rồi được phục chức. Trong trận này, Ngự Câu Vương là Trần Húc còn đầu hàng giặc, được vua Chiêm gả con gái cho và năm sau dẫn quân Chiêm về đánh phá Đại Việt. Xem ra, dẫu Duệ Tông can trường khí phách, nhưng xung quanh văn võ hư hỏng, bạc nhược như thế thì cũng khó xoay chuyển được đại cục.

 

Đời sau, sách “Thuyết Trần” bình luận rằng, sau khi Minh Tông qua đời (1357), trong các vua nhà Trần thời hậu kỳ, ông là vua duy nhất có cá tính mạnh mẽ, mang hoài bão chấn hưng quốc gia. Trần Duệ Tông cũng là vị vua duy nhất trong lịch sử Việt Nam bị tử trận khi đương quyền. Do ông là tấm bình phong lớn nhất cho dòng tộc nhà Trần khi đó, việc ông bị tử trận khiến vua anh Nghệ Tông khiếp đảm, sau này hễ Chế Bồng Nga bắc tiến là cùng Lê Quý Ly bỏ kinh thành chạy dài. Cái chết của Duệ Tông được xem là tổn thật lớn lao cho Đại Việt và cho nhà Trần.

 

Theo chính sử, vua Trần Duệ Tông tử trận vào ngày 24 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1377). Như một duyên lạ, hôm đoàn chúng tôi đến viếng đền là ngày 23 tháng Giêng năm Quý Tỵ, ngày hôm sau là ngày giỗ Trần Duệ Tông Hoàng đế. Tiếc rằng, tôi không thấy đền có nơi thờ Trần Duệ Tông.

Đền thiêng trong tâm thức cộng đồng

 

Chúng tôi đến viếng “Hải Khẩu linh từ” vào một ngày mưa, nhưng đền vẫn rất đông đúc, có thể nói chen vai thích cánh nhau để khấn vái và xóc thẻ (xin xăm). Bà Lê Thị Vinh ở Diễn Châu, Nghệ An cho biết, bà bị chứng đau nửa đầu từ lâu không khỏi, năm ngoái bà đến đây xin xăm chữa bệnh, được một đơn thuốc, bà ra hiệu Đông y cắt thuốc, uống vào rất đỡ. 

 

Thẻ ở nơi khác thường có các mục như Bản mệnh, Gia trạch, Xuất hành... nhưng thẻ ở  đây nội dung chính rất cô đọng, ví dụ “Tụng nghi hòa/ Hành nhi an/ Thương đắc lợi...”  nghĩa là “Kiện tụng thì hòa, xuất hành thì bình an, buôn bán có lời...”. Các cụ giúp lễ nhà đền nói rằng nhiều người đến đền lễ tạ cho biết thẻ rất ứng nghiệm. Các cụ còn kể tên một số người mà nhiều người biết.

 

Người đến “Hải khẩu linh từ” kêu cầu về nhiều nguyện vọng, nhưng cầu tài, cầu công danh và cầu con là đông nhất. Chị Bùi Thị Dung Huyền trong đoàn chúng tôi thì tin tưởng rằng, đền là nơi cầu công  danh, cầu thăng tiến rất linh ứng. Chị Huyền xin cho con thi đỗ đại học năm nay và tin tưởng rằng nhất định con chị sẽ được toại nguyện. Chúng tôi còn chứng kiến ba cháu học sinh, mang theo sách đến đền cầu khấn Bà phù hộ cho học giỏi, mỗi cháu xin lộc là một ngọn nến có thắp lửa để mang về. Do tiếng đồn về đền thiêng ngày một vang xa nên mỗi năm có hàng chục vạn người đến viếng thăm ngôi đền này, đông nhất là mùa xuân.

 

**

Từ sân đền nhìn ra Vũng Áng, biển Đông bao la, chúng tôi hiểu với khát vọng chinh phục biển khơi, cầu mong cho biển lặng trời quang, nên người Việt thờ nhiều vị thần biển, trong đó có những nữ thần như Bà Đế (Hải Phòng) Bà Hải (Hà Tĩnh)… Đôi câu đối cổng Tam quan nói lên mong ước đó:  

 

Kê minh thập sách, thánh trí truyền lưu phù Việt quốc

Chế Thắng phu nhân, mẫu ân vĩnh bảo hộ Nam dân

 

Tạm dịch là

 

Kê minh thập sách, thánh trí còn lưu truyền để giúp nước Việt

Chế Thắng phu nhân, ơn mẫu mãi mãi che chở dân Nam

 

Niềm tin mãnh liệt vào vị nữ thần linh thiêng của mình và bài học lịch sử thấp thoáng  qua những lớp sương mù hư ảo của thời gian đã truyền cảm hứng và sức mạnh cho con người trong cuộc sống hôm nay.

 

Nguyễn Phan Khiêm

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Viếng đền Bà Hải, nghĩ về các bài học lịch sử