Văn hóa làng biển và những trăn trở buồn - vui

Mạnh Cường| 19/02/2014 09:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo thời gian, những nghề truyền thống, những truyền thuyết, mái đình, sắc phong… của làng biển đang bị mai một. Hơn bao giờ hết, tình yêu biển đảo đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là những công dân trẻ của....

Theo thời gian, những nghề truyền thống, những truyền thuyết, mái đình, sắc phong… của làng biển đang bị mai một. Hơn bao giờ hết, tình yêu biển đảo đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là những công dân trẻ của làng biển cần được đánh thức, khơi dậy bằng lòng nhiệt huyết và thực tế qua minh chứng từ những chứng tích. Làm được điều đó cần lắm sự chung tay của cộng đồng, các nhà quản lý trong việc phục dựng, tôn tạo các giá trị văn hóa làng biển…

Từ tự hào… báu vật làng biển

Để minh chứng cho câu chuyện của đồng nghiệp kể về những báu vật mà làng biển đang gìn giữ, tôi quyết định tìm đến Làng Nam Thọ, nằm trên địa bàn quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng để được “mục sở thị” ngôi làng được xem giàu có nhất về văn hóa biển của Miền Trung. 

Vừa đặt chân đến đầu làng, mùi nồng vị mặn của biển theo gió chiều hắt thẳng vào mặt khiến sống mũi cay xè. Ngôi làng Nam Thọ khiêm tốn nằm khép mình trong kiệt nhỏ của tổ 22, P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà. Có người nói đùa, nhìn cái “dáng hình” của làng hoàn toàn tỷ lệ nghịch với sự giàu có về văn hóa biển nơi đây, điều này quả không ngoa.  Bởi làng Nam Thọ tự hào khi có ngôi đình làng có tới 35 sắc phong. Để hiểu rõ hơn về ngôi đình, chúng tôi đã tìm gặp ông Lê Văn Công, một trong những cao niên của làng và được ông cho biết: “Ngôi đình này được xây dựng vào năm 1937 để thay thế cho 2 ngôi đình làng cổ xưa đã bị thời gian xuống cấp và chiến tranh tàn phá. Đình vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng của cư dân vùng biển trong làng, vừa là nơi thờ cúng các vị thần làng, tiền hiền và 35 sắc phong của làng được vua ban trong các thời kỳ lịch sử”. Với kiến trúc 3 gian 2 chái, mái đình được chạm trổ theo “lưỡng long chầu nguyệt” và  cổng chính của đình song song với 2 cổng phụ, dù mới xây dựng vào những năm của thế kỷ XX nhưng đình làng có kiến trúc rất cổ xưa.

Khi phóng viên có nhã ý muốn được tiếp cận những báu vật của làng, các cao niên trong làng thành kính thắp hương trên ban thờ, “thỉnh” với tổ tiên, thần linh xin phép bài bản. Sau khi “cáo” xong, 2 cao niên của làng nâng từ bàn thờ xuống một chiếc hộp gỗ màu đỏ, phía ngoài trang trí bởi hình 2 con rồng. Bên trong lớp gỗ là hộp đựng sắc phong bằng kim loại. Đối với những người dân trong làng, những sắc phong được giữ gìn rất cẩn thận, họ quý hơn cả tài sản trong nhà. Qua giới thiệu của ông Ngô Văn Đưa (74 tuổi), chúng tôi được diện kiến 35 bức sắc phong: Sắc Thiên y Ana diễn phi chủ ngọc tôn thần hộ quốc tý dân hiển hữu xả dân phụng sự phụng ngã; Sắc phụng sự đức ngư ông chư thần hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng hướng lai vị; Sắc hồng huệ phổ tế linh cảm Thiên y Ana diễn ngọc phi; Sắc  phụng sự Khổng lồ Giác hải Đạt ma chư thần… của các triều đại Duy Tân, Thiệu Trị, Minh Mạng, Khải Định phong tặng cho làng vẫn còn được gìn giữ nguyên vẹn. Cũng qua lời các cụ cao niên của làng chúng tôi được nghe kể về truyền thuyết của làng: “Ông bà xưa kể lại dọc bãi biển và các đỉnh núi ở Sơn Trà đều có các vị thần ngự. Hễ người dân trong làng bị ốm đau, bệnh tật, gặp hoạn nạn… đều tới cầu khẩn các ngài. Vì thế, dân lập đền thờ phụng sự rồi được vua phong sắc”. Để tỏ lòng thành kính của mình, năm nào người dân làng Nam Thọ cũng tổ chức hàng chục lễ cúng bái, tạ ơn thần linh và để truyền lại cho con cháu các sự tích về làng biển, qua đây cũng muốn gửi vào thế hệ trẻ tình yêu biển sâu sắc tồn tại bao đời nay.

Văn hóa làng biển và những trăn trở buồn - vui

Các bậc cao niên của làng Nam Thọ và những sắc phong Vua ban

… đến những nghề truyền thống

Ai xa quê mỗi khi có dịp về cũng muốn nán lại ít hôm để thưởng thức bằng hết những dư vị ngọt ngào từ biển. Làng biển đã tạo nên những con người cần cù chịu thương chịu khó và ưu ái ban tặng cho những người dân nơi đây những đặc sản quý giá. Một trong hương vị vấn lấy lòng người, đó vị mặn mòi của mắm ruốc, nước mắm, mực, cá rim… đã níu giữ bước chân không chỉ của những người con xa quê mà cả những vị khách lần đầu tiên đặt chân đến TP Đà Nẵng.

Đi trên con đường Trường Sa sẽ chẳng thể ai cưỡng lại được trước mùi vị đặc trưng của mắm ruốc cuộn theo từng cơn gió biển thổi vào. Chúng tôi quyết định chọn nơi đây để tìm hiểu thêm về nghề sản xuất mắm ruốc. May mắn khi chúng tôi vào cơ sở sản xuất mắm ruốc của bà Lê Thị Bê (50 tuổi) được chứng kiến cùng lúc hàng chục lao động đang mải mê với công đoạn vừa xay ruốc xong, những cối ruốc đầy được công nhân đổ ra thau nhanh tay lọc phần “ nước cốt” để đem phơi cho kịp giờ nắng lên. Theo đó ruốc đã xay nhuyễn được đổ ra một chiếc túi bọc nhiều lớp vải mịn, sau đó người công nhân dùng tay vắt từ chiếc túi bọc vải để nước cốt từ ruốc chảy xuống chiếc thau đựng phía dưới. Mắm được phơi qua 1 nắng, rồi 2 nắng… thì ruốc càng thêm dậy mùi. Bà Phạm Thị Bốn (48 tuổi) là công nhân chuyên việc phơi mắm ruốc cho hay: “Trong khoảng thời gian phơi, phải thường xuyên đảo mắm để mắm được “chín” đều dưới ánh nắng mặt trời. Cứ như thế, phơi trong khoảng 3-4 ngày, khi mắm đặc quánh lại là có thể dùng được”.

Văn hóa làng biển và những trăn trở buồn - vui

Để có những sản phẩm mắm ruốc ngon nhất, công đoạn phơi rất quan trọng

Một trong những nghề truyền thống của người dân làng biển nơi đây không kém phần giá trị đó là nghề đan thuyền thúng. Người ta nói rằng nếu như nghề làm mắm ra đời để tích trữ sản vật của biển khi đánh bắt được thì nghề đan thuyền thúng là sự tìm tòi cách tiến ra khơi của các bậc tiền nhân làm nghề đánh bắt hải sản. Để đánh bắt hiệu quả, người dân đã làm thuyền thúng theo nhiều kích cỡ khác nhau. Tuỳ theo mức độ đánh bắt gần hay xa bờ, cũng có những thuyền thúng to người dân có thể để máy vào chạy ra khơi xa còn thuyền nhỏ thì chỉ đánh bắt gần bờ, giăng lưới, bắt cá, tôm hay câu mực… Ông Phan Liêm (68 tuổi, trú P. Thọ Quang - Q. Sơn Trà)  trải qua 3 đời làm thuyền thúng, cho hay, ông gắn với nghề đan thúng từ lâu, ông làm và ông quyết giữ nghề để truyền lại cho con cháu của mình sau này.  Với ông yêu biển là yêu quê hương và muốn từ nghề này để con cháu đời sau phải biết tự hào vì mình là người con làng biển. Trao đổi với PV, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Chánh Văn phòng Hội Lịch sử thành phố, P. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ, với cảm nhận của riêng tôi, nét văn hóa đặc trưng nhất của làng biển là hình tượng cá ngư ông biểu trung cho văn hóa tâm linh còn chiếc thuyền thúng biểu trưng cho văn hóa vật thể. Bởi lẽ thuyền thúng là phương tiện đi lại, mưu sinh, cũng là phương tiện cứu cánh trên biển của ngư dân ta từ xa xưa…

… Chuyện những người giữ hồn cho biển và những trăn trở buồn-vui.

Cùng với ngư dân vùng biển, giữ hồn cho văn hóa biển đang có những con người đang thầm lặng góp nhặt, lưu giữ, nâng niu, trân trọng những báu vật, sâu thẳm trong họ đó là một tình yêu biển…vô bờ.

Đến bảo tàng Đồng Đình, quả thực chúng tôi mãn nhãn trước sự kết hợp nhiều không gian văn hóa như: Tây Nguyên, Chăm-pa, Sa Huỳnh… Bên cạnh đó, chủ nhân của bảo tàng này cũng dành cho văn hóa làng biển một không gian riêng trong căn chòi nhỏ mang tên “Ký ức làng chài”. Không gian nhỏ hẹp của căn chòi được làm từ xác của 2 con thuyền gỗ, 3 con thuyền nan và 5 cái thúng chai. NSUT Đoàn Huy Giao – Chủ nhân của bảo tàng giới thiệu cho chúng tôi cơ man nào là hủ mắm, quang gánh những vật dụng đa năng của người dân miền biển; chiếc đèn Măng – sông; chum, vại và cả cái cối được tiền hiền của làng biển Nam Thọ mang theo lúc khai khẩn đất đai… Nghệ sĩ Giao cũng đã trưng bày các bức ảnh về bãi biển Sơn Trà lúc còn hoang sơ, chân dung ngư dân thế kỷ XX, bút tích liên quan đến sự ra đời, phát triển của làng biển Nam Thọ. NSUT Huy Giao chia sẻ thêm: “Mười ba năm trước, khi có ý tưởng xây dựng bảo tàng Đồng Đình là tôi đã bắt đầu nghĩ đến việc sưu tầm các loại ngư cụ cổ nhưng ngặt ở chỗ vào thời điểm đó kinh phí chưa nhiều  nên cũng không có điều kiện mua ngay. Vì vậy bộ sưu tập này mất khoảng thời gian khá dài mới có thể đưa vào sử dụng như một không gian văn hóa trong bảo tàng”.

Làng Nam Thọ, làng được xem là giàu nhất về văn hoá biển lúc sơ khai có tên là Nam An, sinh sống bằng nghề nông sau đó dần dà mới chuyển qua nghề đi biển. Đến năm 1690 (sau khi lập làng được 30 năm), ngôi đình đầu tiên được xây dựng vào ngày 12-6 âm lịch, (sau này được chọn là ngày Giỗ làng), năm Canh Tý (1780) đình làng được xây dựng lại lần 2 để thay thế cho ngôi đình trước đã bị hư hỏng. Ngôi đình hiện tại làng Nam Thọ đang sử dụng được xây dựng lần thứ 3 vào năm 1939, niên Đinh Sửu dưới niên triều vua Bảo Đại thứ 8. Làm sao để những nét văn hoá đó tồn tại và minh chứng cho con cháu đời sau về một làng có tới 35 sắc phong, đó không còn là trăn trở riêng của các bậc cao niên của làng?

Ông Trần Văn Lự - Phó Ban quản lý đình làng Nam Thọ cho biết, mấy năm rồi, đình làng bị xuống cấp nặng, những vật dụng của làng để trong đình đều bị hư hỏng hết nhưng do đình là di sản cấp thành phố nên dân làng không được phép tự tu sửa. Chúng tôi đã viết đơn xin ý kiến của các cấp quản lý nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép. Nhìn những viên ngói bể, chúng tôi cũng lo ngại mỗi khi trời đổ mưa không biết những sắc phong có còn trụ mãi theo thời gian?. Không chỉ mái của đình làng mà đến 4 bức tường của đình đều đã bị ẩm mốc, lổ loang theo vệt của nước mưa thấm vào. Chiếc trống cái của làng dù được che phủ cẩn thận nhưng cũng không “gượng” nổi trước những làn mưa đã nổi mốc, bốc mùi, hai chiếc trống con trong bộ trống đều đã rách nát mặt da, chỉ còn lại phần gỗ… khiến chúng tôi cũng lo ngại. 

Được biết, cuối năm 2012, UBND thành phố đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng, Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng nghiên cứu, triển khai thực hiện việc lập quy hoạch phát triển du lịch. Nhận thấy gìn giữ được những giá trị văn hóa làng biển cũng chính là khơi dậy tình yêu biển đảo đối với mỗi công dân trẻ, để những di sản tinh thần đã gắn liền với ngư dân làng biển luôn song hành với đời sống tinh thần của họ, tiếp thêm cho họ động lực vươn khơi, bám biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa làng biển và những trăn trở buồn - vui