Từ tục rước chúa gái đến lễ hội Đền Hùng

Theo Infonet.vn| 28/04/2015 08:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với ý nghĩa vô cùng lớn lao, từ bao đời nay, lễ hội đền Hùng đã được định hình, tồn tại, lặp đi lặp lại hàng năm bằng những nghi thức, nghi lễ, trò diễn và sự giao lưu của cộng đồng làng xã...

Tuy nhiên, hội đền Hùng trước đây chưa có quy mô tầm vóc vượt khuôn khổ địa phương mà chủ yếu chỉ là tế lễ và mở hội ở đình, miếu làng ở ba thôn Cổ Tích, Vi (Vi Cương), Trẹo (Triệu Phú) là những chủ nhân của các công trình thờ cúng trên núi Hùng (đền Hạ của làng Vi Cương, đền Trung của làng Trẹo và đền Thượng của làng Cổ Tích). Thời phong kiến tự chủ, dân làng Vi - Trẹo ngoài những nghi lễ cầu tế hàng năm ở các đền trên núi Nghĩa Lĩnh và trong ngôi đình Cả (đình chung của 2 làng dựng trên đất làng Vi) họ còn tổ chức lễ hội rước chúa gái và diễn trò theo tích xưa.

Truyền thuyết kể rằng: Sau khi được gả cho Sơn Tinh, nàng Ngọc Hoa vì thương cha nhớ mẹ mà không muốn đi. Dân làng phải làm các trò diễn: Lấy tiếng hú, săn lợn chạy địch, tế sóc, trình voi ngựa, chạy tùng dí và trò bách nghệ khôi hài... để làm vui lòng công chúa. Nhờ vậy nàng đã ưng thuận lên kiệu đi tiếp về nhà chồng. Lễ hội rước chúa gái được nhân dân giải thích và các nhà nghiên cứu thừa nhận tích truyện đó là sự diễn lại cảnh đưa công chúa Ngọc Hoa về nhà chồng hay còn gọi là tích "Tản Viên đón vợ".

Từ tục rước chúa gái đến lễ hội Đền Hùng

Lễ hội Rước chúa gái ở Hội Đền Hùng

Hàng năm, đến ngày 25 tháng chạp (tháng 12 âm lịch), hai thôn Vi - Trẹo cử các đại diện cùng ông từ lên làm lễ mở cửa đền (đền Hạ và đền Trung - thôn nào có đền thôn ấy thờ cúng). Sau khi làm lễ trên núi xong, đại diện bô lão cả hai thôn về Đình cả bàn nhau ngày mở hội Rước chúa gái. Tiêu chuẩn chọn chúa gái: Con gái xinh đẹp, chưa có chồng, tuổi từ 18 đến 25, gia đình phong quang (không có tang chế), con nhà có chức sắc. Sau khi chọn cử chúa gái xong, cả hai làng phải tập trung trang trí nhà chúa gái, có y môn, màn trần và cử từ 10 đến 15 nữ tỳ ăn mặc gọn gẽ, chưa có chồng, xinh đẹp, nhà không có tang phục vụ chúa gái. Chúa gái từ chiều 30 tháng chạp đến mồng 7 tháng giêng không được đi ra ngoài, mọi nhu cầu ăn uống, sinh hoạt đều do các nữ tỳ hầu hạ. Gia đình có con là chúa gái phải chịu mọi lệ tục trong làng như: xếp dọn nhà cửa thành nơi thờ kính, may sắm quần áo đẹp cho con mặc, sắm đồ mỹ trang...

Từ 28 đến 30 tháng chạp ở hai đình của hai làng bắt đầu tế lễ để đón ngày tết đến. Nhà chúa gái được treo đèn, kết hoa, lập bàn thờ, căng vải đỏ tựa nhà lầu công chúa Ngọc Hoa - Tiên Dung thờ ở đền Giếng. Đêm 30 tết cả hai làng làm lễ lấy tiếng hú. Đêm ấy, khi hai lá khế chập nhau (cách xem giờ của dân địa phương, lúc đó là 12 giờ đêm), ông chủ tế im lặng cầm một con gà trống đến cây hương thờ Ngọc Hoa vái 3 vái. Vái xong cụ từ đi từ đình làng Cả đến làng Thượng (cũng là đình của làng Vi) vừa đi vừa cất tiếng hú dài. Đi theo cụ là đoàn trai làng, là những người dự lễ, vừa đi vừa hú “hú hu” theo, cùng những người vừa vác chiêng trống hòa tấu vang âm với tiếng hú trong trời khuya. Sau đó tất cả chạy về đình làng Cả mổ gà, tế giao thừa đón tết, mở hội mừng xuân.

Sau khi các tục săn lợn, chạy đích và chạy tùng dí diễn ra từ ngày 4 - 6 tháng Giêng, sáng mồng 8 tục Rước chúa gái được tiến hành. Từ sáng sớm chúa gái được cả hai thôn võng sang đình Hậu Lộc để thay quần áo, rồi lên một cỗ kiệu gọi là kiệu chúa gái. Kiệu được rước từ đình Hậu Lộc về đình Cả để dân làng làm lễ tạ. Chúa gái ngồi trên kiệu chỉ hở phía trước. Chúa gái mặc áo mớ năm mớ bảy, váy dài, đầu chít khăn đỏ có chân chỉ hạt bột, chân đi dép cong. Chúa gái đi kiệu có cờ dong trống mở, cùng rước với kiệu chúa gái có kiệu văn rước sắc và kiệu cống rước lễ vật. Nghi trượng là nghi thức rất trọng thể, có đủ các loại cờ, trống, chiêng, bàn, tán, lọng, bát bửu, voi, ngựa gỗ, kiếm, gươm, giáo, mác... Trong đám rước có phường đồng văn, phường bát âm, các bô lão, các viên chức và dân làng. Đi ngay sau kiệu chúa gái là chúa trai (đi bộ sau kiệu). Phường đồng văn hóa trang làm nhiều trò như: câu cá, múa trình nghề...

Khi kiệu chúa gái gần đến đình Cả, cách khoảng 500m thấy có 2 voi, 4 ngựa chờ đón sẵn đoàn rước kiệu cùng đi. Voi, ngựa to bằng thật, làm bằng giấy phết, xương bằng tre, nứa. Mỗi thôn làm 1 voi, 2 ngựa. Voi có đủ bành, ngựa 1 con đỏ, 1 con trắng có đủ yên cương trông như voi, ngựa thật. Lễ tạ chúa được dân làng làm xong ở đình Cả. Kiệu chúa gái được rước tiếp qua làng Triệu Phú để theo đường sông Hồng về núi Tản. Tới cây hương đầu làng, vì thương nhớ cha mẹ, Ngọc Hoa không đi nữa. Dân làng làm nhiều trò sau khi tế lễ Thành hoàng làng nhằm làm cho Ngọc Hoa vui mà lên kiệu đi tiếp. Sau khi xem trò diễn xong, công chúa không buồn bã nữa mà vui lòng lên kiệu. Kiệu tiếp tục được rước đi. Tới cầu cây (cầu cáp) chúa gái được đưa xuống mảng xuôi theo ngòi. Người lái đò từ từ chèo mảng xuôi dòng ra bến sông Hồng. Dân làng đứng hai bên bờ tiễn đưa tới khi bóng hình chúa gái khuất hẳn sau lũy tre xanh. Đến đây trò diễn kết thúc, ông thân sinh ra người được chọn làm chúa gái chạy tới cõng con về nhà. Qua khỏi cổng ông cõng con gái chui qua chuồng trâu để vào nhà. Việc này ngụ ý để cho chúa khỏi bắt mất hồn vía người con gái mình.

Bắt đầu từ thời Lê Đại Hành, những nghi thức tế lễ của các thôn quanh núi Hùng đã được cử hành với ý nghĩa toàn quốc và trở thành ngày giỗ Tổ Hùng Vương với sự tham gia của nhân dân cả nước. Và tục Rước chúa gái đã trở thành một nghi thức chính trong lễ hội Đền Hùng. Có thể nói, thông qua lễ hội rước chúa gái nội dung phong tục hôn nhân thời các Vua Hùng dựng nước được phản ánh một cách khá đầy đủ và rõ nét. Đó là chế độ hôn nhân một vợ một chồng, đó là tục thách cưới, là lễ đón rước dâu và thi tài chọn rể... Âm hưởng ấy đã, đang và mãi mãi phản ánh nét văn hóa tiêu biểu trong đời sống của con người qua các thời đại. Nét văn hóa tiêu biểu ấy sẽ góp phần đưa chúng ta - những con người đương đại tìm lại được bản sắc dân tộc của chính mình. Với ý nghĩa lớn lao ấy, tục Rước chúa gái đang được tỉnh Phú Thọ hoàn tất hồ sơ để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục văn hóa phi vật thể Quốc gia trong năm 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ tục rước chúa gái đến lễ hội Đền Hùng