Sức sống mới nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân

01/09/2012 08:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tam Kim, địa danh oai hùng đã đi vào lịch sử Cách mạng nước nhà, là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các chiến sỹ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân năm xưa đã thề sẽ quét sạch ngoại xâm, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Vùng đất gắn với lời thề

Vào những năm 1940, Tam Kim nơi có khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc huyện Nguyên Bình, cách thị xã Cao Bằng khoảng 70km về phía Tây, vốn là khu rừng nguyên sinh âm u, ít người lui tới. Đứng trên đỉnh núi có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn. Đây đúng là một địa thế “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” được lựa chọn làm nơi xây dựng những đội quân áo vải đầu tiên. Lúc đó, xã Tam Kim được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Tam Long và Kim Mã, dân số chỉ chừng hơn 1.000 nhân khẩu nhưng có phong trào cách mạng phát triển mạnh nhất huyện. Vì thế Bác Hồ đã chọn nơi đây thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.   

 

Sức sống mới nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân

Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân ngày thành lập                                        (Ảnh tư liệu)

 

Bà Bàn Thị Chủ, bí danh Kim Sơn, lão thành cách mạng, người dân tộc Dao, năm nay 87 tuổi kể rằng, gia đình bà có 5 chị em gái đều tham gia cách mạng. Ngày đó, cuộc sống vất vả khó khăn vô cùng. Trồng được chút lúa nương, chưa kịp thu hoạch thì giặc Pháp cho người đến gặt hết. Nuôi được con gà con lợn thì chúng đến cướp sạch. Đời sống lầm than khổ ải trăm bề, bà con phải lên rừng đào củ mài ăn mới sống được. Từ khi có anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và cán bộ về tuyên truyền giác ngộ cách mạng, người dân như được ánh mặt trời soi sáng. Lúc đó, bà Chủ mới 16 tuổi nhưng cũng hăng hái tham gia hoạt động. Bà thường xuyên nấu cơm, chế biến lương khô nuôi cán bộ, đưa cán bộ luồn sâu trong rừng để hoạt động bí mật. Lúc ấy, bà chỉ biết rằng có một anh cán bộ tên là Văn được bà con dân bản hết sức quý mến. Mãi về sau này, bà mới biết anh Văn chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng tài ba bách chiến bách thắng.  

 

Vẫn đại ngàn xanh ngắt nhưng giờ đây rừng Trần Hưng Đạo đã không còn vẻ âm u rừng thiêng nước độc như năm nào. Đường giao thông từ huyện vào rừng đã được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh, có đến nhà bia, nhà đón tiếp, có bức phù điêu khắc họa lại cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các chiến sỹ dưới cờ Tổ quốc. Rừng đã trở thành Khu di tích xếp hạng Quốc gia, điểm du lịch văn hoá lịch sử hấp dẫn của tỉnh Cao Bằng.  

 

Phát huy truyền thống anh hùng

 

Trên vùng đất lịch sử năm xưa, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tam Kim hôm nay đang đổi mới từng ngày. Những công trình điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư xây dựng hiện đại. Cầu Phai Khắt, cầu Bản Um, cầu Nà Phiểng với số vốn đầu tư nhiều tỷ đồng đang phát huy hiệu quả phục vụ đời sống nhân dân. Hệ thống kênh mương nội đồng dài 12km được kiên cố hoá, tưới mát cho hơn 240ha đất trồng lúa. Từ chỗ tối tăm lạc hậu, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới, cơ giới hoá vào sản xuất (70% số hộ đã có máy cày). Do đó năm 2011, tổng sản lượng lương thực của xã đạt gần 2.000 tấn, bình quân đầu người gần 600kg, giá trị sản xuất đạt trên 30 triệu đồng/ha.   

 

Ông Tô Thanh Hoạt, Chủ tịch UBND xã Tam Kim cho biết: Trên 90% dân số của xã đã được dùng điện lưới quốc gia, hơn 60% dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 95% số hộ đã có xe máy, gần 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn hiện đại. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhân dân Tam Kim đã tự góp tiền xây dựng được nhiều tuyến đường bê tông liên xóm, đường bê tông nội vùng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều đồng bào dân tộc Dao, Tày đã biết phát triển kinh tế gia đình theo mô hình sản xuất hàng hoá mang lại thu nhập cao. Điển hình như: ông Nông Hồng Phấn, xóm Pác Dài, chăn nuôi, mỗi năm thu nhập trên 50 triệu đồng. Ông Nông Văn Bình, xóm Pác Dài chăn nuôi thu nhập trên 70 triệu đồng/năm. Ông Trương Công Hoan, xóm Phai Khắt, chăn nuôi kết hợp làm dịch vụ mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.  

 

Nhiều năm liền, Tam Kim không có tệ nạn xã hội. Ở đây, an ninh đảm bảo đến mức người dân đi ngủ không cần đóng cửa, máy móc nông nghiệp để ngoài đồng không cần mang về nhà. Đáng khâm phục hơn, khi ở nhiều địa phương trong cả nước tình trạng khai thác vàng trái phép tràn lan thì ở Tam Kim dù có rất nhiều vàng sa khoáng nhưng người dân không ai đi đào vàng. Họ kiên quyết bảo vệ đất nông nghiệp, bảo bệ môi trường cho sự phát triển bền vững của tương lai.

 

Quốc Đạt 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sống mới nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân