Ở TP Nha Trang, nói đến Hoàng Hoa Thôn thì đa số người dân đều biết đến. Đây là một khu nhà rường cổ có gần 200 năm tuổi, nằm trong một không gian văn hóa thuần Việt...

Những nếp nhà cổ, lại được bao bọc trong một vườn cây Anh Đào Đậu và vô số cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Rải rác trong khu vườn là những khối đá đồ sộ được khắc thư pháp Việt. Đây là một địa chỉ văn hóa có một không hai ở Khánh Hòa và trên cả nước.

 

Hoàng Hoa Thôn còn nổi tiếng với chủ nhân của nó - nghệ nhân điêu khắc đá Nguyễn Văn Phúng. Thế nhưng, gia tộc họ Nguyễn đã quyết định chuyển giao toàn bộ khu Hoàng Hoa Thôn cho Công ty cổ phần Hòn Tằm Biển Nha Trang. Việc di dời toàn bộ khuôn viên Hoàng Hoa Thôn đến Khu du lịch Hòn Tằm - một đảo du lịch nằm trong vịnh Nha Trang đã được tiến hành. Hoàng Hoa Thôn đã biến mất ở địa chỉ cũ và được “tái sinh” nguyên vẹn ở đảo Hòn Tằm.

 

Một không gian thấm đẫm văn hóa Việt

 

Hoàng Hoa Thôn là khu nhà cổ, tọa lạc ở thôn Phước Thượng, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, cách trung tâm TP Nha Trang 10km. Đến Hoàng Hoa Thôn, bước qua cánh cửa bằng gỗ lim có mái che rất bề thế theo kiểu nhà nông thôn truyền thống thì chúng ta bước vào một không gian sống đặc trưng của người Việt xưa: một rừng cây Anh Đào Đậu nở trắng và hồng, xen kẽ cây cổ thụ; các khối đá lớn được đặt tên và khắc thư pháp chữ Việt; đặc biệt là 5 ngôi nhà rường cổ với những vật dụng liên quan đến đời sống nông nghiệp còn được lưu giữ cẩn mật. Hoàng Hoa Thôn có diện tích 4.000m2.

 

Lộng lẫy Hoàng Hoa Thôn

Vũ điệu múa Chăm trước ngôi nhà cổ ở Hoàng Hoa Thôn

 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Phúng - chủ nhân của Hoàng Hoa Thôn, kể: Vào những năm chiến tranh của thế kỷ XX, từ huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên) có hai anh em ruột là ông Nguyễn Hoành và Nguyễn Thí đã đưa gia đình vào Nha Trang sinh sống bằng nghề thuốc nam. Ông Nguyễn Thí, người cắm đất ở nơi mà sau này là Hoàng Hoa Thôn chính là thân sinh của anh Nguyễn Văn Phúng. Hoàng Hoa Thôn có 5 ngôi nhà rường cổ. Căn nhà rường chính, có cách đây gần 200 năm, với 7 gian và 56 cột. Căn nhà này nguyên là huyện đường của huyện Diên Khánh. Nhà rường chính với lối kiến trúc nhà 5 gian, 2 chái, với những bức hoành phi, câu đối, lợp ngói âm dương và đặc biệt là chiếc án quan uy nghi vẫn còn được lưu giữ. Bốn căn nhà còn lại, cũng là nhà rường nhưng nhỏ hơn: 2 căn tả, hữu và 2 căn nằm ở phía sau nhà chính. Anh Phúng cho biết: Trong bốn căn nhà còn lại thì một căn nhà hai tầng với 20 cột, kiến trúc theo lối cổ của người Minh Hương; ba căn nhà còn lại là những căn nhà đều 5 gian, 36 cột và được tìm mua, di chuyển về từ các địa phương: Vạn Ninh, Diên Khánh và Ninh Hòa.

 

Khu vườn xung quanh ngôi nhà cổ còn có nhiều tảng đá được đặt tên và khắc thơ bằng lối thư pháp. Anh Phúng cho biết, có hơn 20 tảng đá lớn. Chúng tôi tìm đến một tảng đá lớn có tên “Tọa vong” với những dòng thư pháp được khắc: “Đỉnh thiền non sông trắng dâng quanh/ Dưới chân là thảm cỏ xanh khách ngồi”. Bên phải lối vào nhà chính là phiến đá có tên “Đẹp tại tự nhiên” với lời thơ chạm khắc: “Đẹp tại tự nhiên/ đẹp tại không tiếng/ đẹp tại thiên tính/ đẹp tại vĩnh hằng”. Những khối đá được đặt nằm rải rác trong khu vườn, bên những bóng cây cổ thụ, ngõ trúc quanh co và một rừng hoa.

 

Lộng lẫy Hoàng Hoa Thôn

Lễ chuyển giao viên ngói tượng trưng giữa chủ nhân Hoàng Hoa Thôn và Khu du lịch Hòn Tằm

 

Nói đến khu nhà cổ Hoàng Hoa Thôn, sẽ còn khiếm khuyết nếu không đề cập đến cây cổ thụ và hoa. Hàng chục cây cổ thụ là cây sanh, cây si đã tỏa bóng rợp cho Hoàng Hoa Thôn. Có cây làm bức bình phong, có cây uy nghi bên hồ cảnh. Anh Phúng cho biết, cây cổ thụ ở đây, có cây trị giá đến 300 triệu đồng. Rồi đặc biệt là hoa: hoa Anh Đào! Đây không phải là hoa Anh Đào của Nhật Bản, cũng không phải hoa Anh Đào Đà Lạt, mà là hoa Anh Đào Đậu (hay còn gọi là Đào Hồng Đậu). Nguồn cơn là vậy: cách đây 6 năm, khi lên núi Hòn Bà, anh Phúng thấy hoa Anh Đào Đậu được trồng ở nhà dân. Anh tìm cách đưa giống về trồng ở Hoàng Hoa Thôn. Anh Đào Đậu, cây cao từ 4 đến 7m, hoa khá to, màu trắng hoặc hồng, mọc thành chùm ở nách lá. Anh Đào Đậu ra hoa từ tháng 12 đến tháng 3 hàng năm. Chúng tôi đến Hoàng Hoa Thôn vào dịp mùa xuân, hoa Anh Đào Đậu nở trắng một vùng và điểm xuyết là hoa màu hồng, đã làm ngỡ ngàng và xao xuyến bao người vãn cảnh Hoàng Hoa Thôn.

 

Lộng lẫy Hoàng Hoa Thôn

 Phiến đá có tên: “Đẹp tại tự nhiên”

 

Hoàng Hoa Thôn còn có những cảnh vật, vật dụng gây bất ngờ cho du khách: những đống rơm, chuồng bò, tấm phản gỗ, cối xay lúa, chiếc đèn măng- sông; rồi những liễn, tráp, câu đối xưa…Tất cả đã làm nên một không gian Việt xưa, đặc sắc, ngưng đọng; thấm đẫm hồn quê từ bước thềm mòn vẹt, ngói cổ rêu phong, đến cành hoa, ngọn cỏ…

 

Một hoàng hoa thôn “lộng lẫy” ở Hòn Tằm

 

Anh Nguyễn Văn Phúng tâm sự: “Khi nhận lời đề nghị nhượng lại Hoàng Hoa Thôn để phục vụ khách du lịch ở Hòn Tằm, tôi thao thức nhiều đêm không ngủ. Cuối cùng tôi đã quyết định: nếu để Hoàng Hoa Thôn tại Phước Đồng thì chỉ có một ít khách thưởng ngoạn, nhưng nếu Hoàng Hoa Thôn được “tái sinh” ở Hòn Tằm thì không chỉ khách du lịch trong nước mà còn rất nhiều du khách quốc tế biết đến Hoàng Hoa Thôn để hiểu thêm về không gian sinh hoạt xưa của người Việt và văn hóa dân tộc Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, quyết định này của mình chẳng khác nào gả một người con gái đến với một chàng rể mới. Có những suy tư, day dứt nhưng tôi đành lòng, vì đại cục, vì sự thăng hoa của Hoàng Hoa Thôn”. Anh Nguyễn Văn Phúng đã rưng rưng dòng lệ khi gỡ một viên ngói chuyển giao tượng trưng cho đại diện Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang. Việc di dời Hoàng Hoa Thôn đã hoàn tất. Ngày 19/5/2009, lễ khánh thành Hoàng Hoa Thôn đã được tổ chức trang trọng tại đảo Hòn Tằm. Hiện nay, nền cũ của Hoàng Hoa Thôn chỉ là bãi đất trống để trồng rau.

 

Ông Đoàn Văn Trang, Tổng giám đốc Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang đã chia sẻ: “Chúng tôi xem Hoàng Hoa Thôn như một di sản văn hóa, vì vậy toàn bộ 5 căn nhà cổ và cả khu vườn sẽ được quy hoạch, giữ nguyên vẹn. Toàn bộ nhà cửa, cây cối, các phiến đá, kể cả từng viên gạch, từng ngọn cỏ đều được di chuyển ra đảo Hòn Tằm. Chúng tôi cảm ơn gia tộc họ Nguyễn đã chuyển giao cho chúng tôi một tài sản văn hóa vô giá và chúng tôi hứa sẽ gìn giữ, phát huy giá trị đặc sắc của Hoàng Hoa Thôn”.

 

Hoàng Hoa Thôn là một không gian thấm đẫm văn hóa thuần Việt. Hàng tuần, tại ngôi nhà cổ Hoàng Hoa Thôn đã diễn ra các hoạt động văn hóa: ca nhạc dân tộc, ngâm thơ, hát đối, những vũ điệu múa Chăm… Khu nhà cổ tràn ngập không khí lễ hội văn hóa truyền thống. Cuối mỗi buổi lễ, anh Nguyễn Văn Phúng mời tất cả du khách cùng tham gia lễ thả hoa đăng để cầu cho quốc thái dân an. Các thiếu nữ mặc áo tứ thân, thắp sáng những ngọn nến hồng, cùng du khách thả hoa đăng tại hồ cảnh trong khu vườn. Khu nhà cổ trở nên lung linh huyền ảo. Ông Đoàn Văn Trang cho biết: “Tất cả những sinh hoạt văn hóa này được tái hiện lại thường xuyên ở Hoàng Hoa Thôn tại đảo Hòn Tằm!”. Đứng ở đảo Hòn Tằm- nơi Hoàng Hoa Thôn được tái sinh trong không gian thơ mộng, trong tôi trào lên cảm xúc: “Hòn Tằm sóng xô đáy mắt/ Khiến ta lạc lối ngày về”.

 

Nguyễn Linh Giang

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lộng lẫy Hoàng Hoa Thôn