Dự án 100 tỷ kết nối Hải Tiến với Sầm Sơn bằng tàu cao tốc

Trần Lê| 04/08/2018 16:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ cách có 1 cửa sông, Hải Tiến và quần thể du lịch FLC Sầm Sơn sẽ được kết nối bằng tàu cao tốc.

Dự án tàu cao tốc có tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, bao gồm 7 tàu cao tốc chất lượng cao, trong đó 1 tàu có 8 chỗ ngồi, 2 tàu 16 chỗ ngồi, 4 tàu 36 chỗ ngồi có thiết kế khang trang, hiện đại cùng đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, nhiệt tình. Hiện tại Công ty cổ phần đầu tư và du lịch Đại Dương Xanh đã đưa 7 tàu cao tốc này vào phục vụ khách du lịch có nhu cầu thăm quan, trải nghiệm các điểm quanh khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến và các vùng lân cận.

Dự án 100 tỷ kết nối Hải Tiến với Sầm Sơn bằng tàu cao tốc

Tàu cao tốc được đưa vào sử dụng tại khu du lịch Hải Tiến

Với 4 tour du lịch đường thủy thú vị cho du khách lựa chọn, bao gồm: tour du lịch đi từ biển Hải Tiến ra thăm Đảo nẹ, đi rừng ngập mặn Hải Lộc, cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc) và về phủ Khe Bà (xã Hoằng Yến); tour đi từ biển Hải Tiến ra thăm Đảo nẹ về Đài chiến thắng trận đầu của Hải Quân Nhân dân Việt Nam (tại xã Hoằng Trường); tour đi từ biển Hải Tiến đến thăm quan Thiền viện Trúc lâm – Hàm Rồng và tour từ biển Hải Tiến đi thăm khu FLC, Đền độc cước Sầm Sơn.

Trong hành trình trải nghiệm du lịch đường thủy bằng tàu cao tốc, du khách không chỉ ngắm phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp mà còn được hòa mình vào cuộc sống của người dân làng chài, thưởng thức hải sản tươi ngon, những món ăn đặc trưng và tìm hiểu phong tục, tập quán truyền thống lâu đời của các địa phương.

Dự án 100 tỷ kết nối Hải Tiến với Sầm Sơn bằng tàu cao tốc

Kết nối khu du lịch Hải Tiến với nhiều điểm du lịch khác trong đó có biển Sầm Sơn

Biển Sầm Sơn đã quá nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước, các quần thể du lịch đẳng cấp như FLC biến vùng đất này thành "thành phố không ngủ”, còn Hải Tiến được ví như cô gái đang độ trăng tròn. Từ một bãi biển hoang sơ, Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến đang chuyển mình ngoạn mục với nhiều cơ sở hạ tầng du lịch sang trọng, đồng bộ và tiện nghi. Du khách đến với Hải Tiến, phần vì tò mò, phần vì đam mê khám phá một địa điểm du lịch mới, nhưng hầu hết đều có nhận định đây là khu du lịch hấp dẫn, văn minh và họ muốn quay trở lại với khu du lịch này vào những mùa du lịch biển năm sau.

Dự án 100 tỷ kết nối Hải Tiến với Sầm Sơn bằng tàu cao tốc

Một góc khu nghỉ dưỡng đẳng cấp FLC Sầm Sơn

Khi tiềm năng du lịch được đánh thức, vẻ đẹp của Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến - Hoằng Hóa đã hút khách trong và ngoài nước. Năm 2017, lượng khách đến với Hải Tiến tăng đột biến với 1,2 triệu lượt. 7 tháng đầu năm 2018 số lượng khách đổ về nơi này đã vượt qua con số 1,2 triệu lượt. Với sự phát triển ngoạn mục, mỗi năm, khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến lại khoác lên mình một chiếc áo mới, thêm phần lộng lẫy, văn minh và hiện đại hơn. Hoạt động du lịch phát triển đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, góp phần thay đổi diện mạo vùng ven biển huyện Hoằng Hóa.

Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa Lê Đức Giang, cho biết: Tiềm năng phát triển du lịch ở Khu du lịch sinh thái nơi đây còn rất lớn. Để khai thác hết lợi thế này, huyện sẽ cùng các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến theo hướng mở rộng không gian theo quy hoạch điều chỉnh, tạo điều kiện phát triển các dịch vụ du lịch chất lượng cao.

Dự án 100 tỷ kết nối Hải Tiến với Sầm Sơn bằng tàu cao tốc

Cơ sở vật chất tại Hải Tiến ngày càng được đầu tư khang trang, đồng bộ

Dự án 100 tỷ kết nối Hải Tiến với Sầm Sơn bằng tàu cao tốcTrải qua 6 mùa du lịch, Khu du lịch biển Hải Tiến đã huy động được gần 8.000 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng như: Các tuyến giao thông kết nối Quốc lộ 1A - thành phố Thanh Hóa - Hải Tiến; kết nối các quần thể trong khu du lịch. Khu du lịch biển Hải Tiến đang đầu tư bến thuyền hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế và tàu du lịch cao tốc đưa khách đi thăm đảo Nẹ, đảo Mê, rừng ngập mặn, Sầm Sơn... Cùng với đó, huyện sẽ khôi phục lại một số làng nghề truyền thống gắn phát triển du lịch: mây tre đan ở xã Hoàng Thịnh, nghề dệt Hoàng Lộc, làm nước mắm Lê Gia… Những sản phẩm làng nghề đó sẽ chính là những món quà lưu niệm khi du khách đến với Hải Tiến. Các di tích lịch sử, chùa, bảng môn đình, lễ hội truyền thống được quan tâm, phục dựng.

Đồng thời tập trung thi công tuyến đường về Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, đường ven biển cùng các công trình chiếu sáng công cộng; nâng cấp, làm mới các cơ sở khách sạn, nhà nghỉ... huyện sẽ có các biện pháp bảo vệ môi trường tự nhiên, xây dựng môi trường văn hóa, tạo môi trường an toàn cho các hoạt động du lịch nhằm xây dựng môi trường văn hóa du lịch hấp dẫn du khách.

Các doanh nghiệp tại Hải Tiến đã đầu tư nâng số phòng nghỉ từ 2.500 phòng lên 5.000 phòng. Riêng khu du lịch biển Ánh Phương – Hải Tiến hiện có khoảng 40 doanh nghiệp và hộ kinh doanh, đã thành lập thành chi hội, có quy chế hoạt động bài bản. Các thành viên trong chi hội thường xuyên phối hợp từng hộ dân, với lực lượng công an tổ chức làm vệ sinh môi trường biển, ổn định trật tự bán hàng rong, ký cam kết không “chặt chém”, không đối xử với du khách thiếu văn minh, thực hiện 14 điều nghiêm cấm khi đón khách du lịch…. Năm nay, huyện Hoằng Hoá cũng quy hoạch bố trí thêm các điểm bán hàng trên những tuyến đường ngang để giảm tải cho các tuyến phố chính, đưa vào quản lý các loại hình xe điện, xe đạp bán hàng rong, lắp đặt camera an ninh, tập trung xử lý các lỗi về đậu đỗ và các vi phạm ảnh hưởng đến văn hóa du lịch như ép giá, ép khách, bỏ khách.... Số điện thoại đường dây nóng cũng sẽ được niêm yết công khai tại các nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi công cộng, để tiếp nhận thông tin và xử lý kịp thời các phản ánh của du khách.

Với địa thế đẹp, được thiên nhiên ưu đãi cùng với sự chủ động chuẩn bị, đưa thêm nhiều sản phẩm, địa điểm du lịch mới, hấp dẫn vào hoạt động, Khu du lịch Hải Tiến được kết nối với các khu du lịch khác sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án 100 tỷ kết nối Hải Tiến với Sầm Sơn bằng tàu cao tốc