Đến Long Sơn, thăm Nhà Lớn

congly.com.vn| 13/04/2012 11:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cũng như nhiều vùng đất khác của Bà Rịa - Vũng Tàu thường lấy chữ Phước hoặc chữ Long - vốn có gốc từ tên huyện Phước Long, một trong hai huyện đầu tiên của Dinh Phiên Trấn vào khoảng thế kỷ thứ 17 để đặt tên, Long Sơn được hiểu theo nghĩa là ngọn núi rồng hoặc ngọn núi của sự thịnh vượng. Từ trên cao nhìn xuống, xã đảo này tựa một cù lao xanh bình lặng.

Nhà hàng nổi ở Long Sơn


Theo dòng lịch sử, Long Sơn là vùng đất được khai phá bởi ông Lê Văn Mưu, một nghĩa quân từng tham gia cuộc khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp ở trấn Hà Tiên có tên gọi là Bảy Thưa Láng Linh. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông cùng gia đình và một số gia binh giong thuyền vượt biển đến khu vực cù lao Bà Trào, núi Nứa, phía Đông Nam đảo Long Sơn ngày nay lập nghiệp, khẩn khai đất hoang chia cho dân nghèo. Tiếng lành đồn xa, hàng nghìn gia đình từ Lục tỉnh Nam bộ nô nức kéo nhau về ấp Bà Trào lập nghiệp và hình thành một quần cư đông đúc.


Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Long Sơn luôn là vùng đất cách mạng kiên trung, là căn cứ địa của quân dân Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ năm 1945 đến năm 1959, xã Long Sơn có 3 Chi bộ Đảng, gần 100 Đảng viên, du kích Long Sơn từng tiêu diệt một trung đội lính Pháp (năm 1947). Thời kháng chiến chống Mỹ, các chi bộ Long Sơn vẫn đứng vững được giữa lòng dân. Các đơn vị quân giải phóng được nhân dân che giấu, giúp đỡ hoạt động trong vòng vây của quân thù. Đội du kích Long Sơn là đội du kích mạnh của đặc khu rừng Sác, Long Sơn trở thành điểm hậu cần của đặc công rừng Sác trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Một góc Nhà Lớn ở Long Sơn


Sau khi ông mất, người dân tôn ông là phúc thần nên dựng bàn thờ ông trong căn nhà Lớn mà ông cùng những người đầu tiên mở đất nơi đây góp công của xây dựng và vẫn tuân thủ nghiêm ngặt những giáo lý mà ông truyền dạy. Cô ba Lê Thị Kiềm, cháu cố nội đời thứ tư của ông kể rằng, khi còn sống ông Mưu thường để tóc búi tó, ở trần, ngày ông không ăn cơm, chỉ ăn trái cây và đậu xanh. Ngay trong cách thức ăn uống hàng ngày của ông cũng có thể thức rõ ràng và hàm chứa trong đó nhân sinh quan của một con người có chí khí. Ông Mưu đặc biệt không ăn thịt cá mà chỉ ăn cua (cho hết cái giống chỉ đi ngang), tôm (là giống chỉ đi lui, không đi tới), ốc (là giống ăn ở miệng, tiêu ra miệng).

Người dân thường gọi ông là ông Trần do ông không mặc áo, theo các nhà nghiên cứu đây cũng là cách gọi để ông Mưu che giấu tung tích của mình. Cũng theo lý do đó mà đạo lý mà ông một đời theo đuổi cũng trở thành một tín ngưỡng có sức sống bền bỉ trong tâm nguyện của các thế hệ cư dân Long Sơn.


Ông Trần theo đạo Hiếu Nghĩa lấy lòng biết ơn ân đức tổ tiên, đất nước và đồng loại làm nền tảng nên giáo lý của đạo luôn ăm ắp tính nhân đạo yêu thương con người điều đó giúp ông sớm thu phục được nhiều người đi theo đạo của mình. Ông kỳ công xây dựng khu nhà lớn thành một trung tâm đạo pháp trên diện tích hơn 20.000m2 gồm; khu đền thờ, nhà Long Sơn hội, trường học, nhà chợ, nhà mát, nhà nghe sấm và các dãy phố quanh chợ...

Những nét kiến trúc độc đáo ở Nhà Lớn


Khu di tích Nhà Lớn hiện đang gìn giữ 33 cái tủ thờ bằng gỗ lim cẩn xà cừ, bộ bàn ghế bát tiên, sưu tập đồng hồ cổ. Chiếc giường cổ chạm khắc tinh xảo, ghế ngai... thể hiện giá trị nghệ thuật cao về điêu khắc trang trí mỹ thuật. Đặc biệt nhất là hàng chục bộ tranh được vẽ ngược trên kính từ những năm đầu thế kỷ 20, kể về các tích truyện về những người con trung hiếu cuả đất Nam bộ. Tham quan một vòng quanh khu Nhà Lớn sẽ thấy bố cục kiến trúc, nghệ thuật trang trí của khu Nhà Lớn không theo một quy hoạch tổng thể mà được dựng xen kẽ kế tiếp nhau từ nhà trước, nhà trệt, nhà lầu đã tạo nên một bố cục kiến trúc khác lạ, phá vỡ những đăng đối, nghiêm luật của đương thời. Cách bày trí nội thất khu di tích thật trang nghiêm, uy nghi với nhiều hoành phi, hương án bài vị, bàn thờ, tủ cẩn, câu đối các hình trang trí tứ linh, tứ quí, hoa lạ cỏ thiêng, hoa sen, lão trúc hóa rồng… Nhìn chung khu nhà lớn có kiến trúc độc đáo và lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị văn hóa.


Hiện nay, mọi việc trong Nhà Lớn đều do tám vị kì lão đức cao vọng trọng thuộc dòng tộc ông Trần cùng đứng ra bàn bạc, tổ chức. Tám vị kỳ lão này có trách nhiệm dạy dỗ các thế hệ tiếp nối đạo làm người, làm theo phép nước. Tất cả mọi người đến thăm khu Nhà lớn đều có thể hành lễ theo hướng dẫn. Bước vào cửa Nhà thờ (ngôi nhà trung tâm khu Nhà lớn) ban thờ Bác Hồ được đặt chính giữa nơi trang trọng nhất. Ngày thường có hai lần lễ vào buổi sáng và chiều do các vị kỳ lão thực hiện, hàng tháng có hai lễ lớn là ngày mồng một và mười sáu âm lịch, trong năm có hai lễ lớn là Lễ vía ông Trần từ 19 đến 20 tháng hai âm lịch và Lễ trùng cửu mồng 8 và mồng 9 tháng chín âm lịch.


Hai dịp lễ chính trong năm được Nhà Lớn tổ chức rất trang nghiêm, trọng thể thu hút hàng nghìn lượt người từ các nơi về tế lễ, đông nhất là người từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Vào những ngày này, dù có bận đến mấy thì các cô bác, anh chị tình nguyện làm “phiên” (theo lề cũ đã định, những người phục vụ tình nguyện trong Nhà Lớn sẽ chia theo phiên, mỗi phiên có năm người gọi là phiên ngũ) đều phải thu xếp để đến.

Phật ở Long Sơn


Anh Thơ, một người đàn ông dáng vẻ lam lũ nhưng hồn hậu nhà ở khu bến Điệp kể rằng, thường ngày anh chạy xe ôm, đến phiên thì vào trực trong Nhà Lớn, các con anh từ nhỏ cũng thường đến Nhà lớn học thêm chữ Hán và giúp ba mẹ làm việc. Hôm chúng tôi đến thăm Nhà Lớn nhằm đúng ngày mồng một, các vị phiên đến rất đông để “kỉnh ông” (cúng ông ) và lo tiếp khách. Có thể cảm nhận một không khí nghiêm cẩn và trọng khách đến tinh tế trong cách cư xử của những người dân mà cuộc sống còn nhiều vất vả nơi đây.


Trang phục của người trong Nhà Lớn vẫn giữ được nét cổ truyền, đàn ông thường mặc quần áo bà ba đen, đi chân đất. Đầu để tóc dài búi tròn phía sau gáy, khi lao động hoặc đi ra ngoài thì dùng khăn để quấn. Phụ nữ thì mặc quần áo bà ba đen. Ngày nay đến với không gian văn hóa Nhà Lớn mọi người được hòa mình vào các tập tục vẫn còn nguyên vẹn do ông Trần đặt ra. Mọi nhà ở Long Sơn theo tín ngưỡng ông Trần đều bày biện ban thờ theo kiểu Nhà Lớn. Ngoài sân có ban thờ trời, bước vào cửa nhà chính diện là ban thờ vọng ông Trần, ban thờ Bác Hồ và phía sau ban thờ vọng có ba ban thờ gồm ban thờ quan công hoặc phật, ban thờ gia tộc họ nội, ban thờ gia tộc họ ngoại.


Đến thăm gia đình anh Đoàn Ngọc Đức, “con cháu của Nhà Lớn” mới thấy những người dân Long Sơn theo ông Trần vẫn sống theo một cách thật giản dị như ông đã đặt ra khi còn sống. Anh Đức làm nghề thợ mộc nhưng còn là Đội trưởng xuất sắc của thôn bến Điệp suốt 11 năm qua. Trong căn nhà tuyềnh toàng của mình, anh kể cho chúng tôi nghe: Hồi vợ chồng anh mới lấy với nhau, khi đó, hai bên gia đình đều nghèo, Nhà Lớn đã cho vợ chồng anh tá túc một thời gian dài và được các bậc trưởng lão dạy cách làm ăn. Tới khi anh chị đã đủ sức tự dựng cho mình một căn nhà lá thì xin chuyển ra ngoài để nhường nơi ở cho những cặp vợ chồng mới cưới khác.


Cho đến ngày nay, mọi nghi lễ và phong tục do ông Trần quy định vẫn được những người theo tín ngưỡng của ông duy trì nghiêm ngặt. Mọi người đến Nhà Lớn đều được che chở, được tá túc và ăn cơm chay miễn phí. Trước đây, ông Trần cho xây dựng một dãy nhà dài để đón tiếp những gia đình đến lập nghiệp. Khi mới đến họ được ông cho ở trong nhà dài, cung cấp đồ ăn chay, dụng cụ lao động trong vòng hai đến ba năm cho đến khi các gia đình có khả năng dựng nhà riêng để ở. Ngày nay, ngôi nhà này được dùng làm nơi đón tiếp khách thập phuơng đến lễ tạ tại Nhà Lớn. Những gia đình theo ông Trần trước cửa nhà bao giờ cũng có một một lu nước để khách qua đường khi khát có thể vào uống tự nhiên.


Với bề dày truyền thống cách mạng và phát huy truyền thống hiếu nghĩa, Long Sơn ngày nay đang vươn mình phát triển từng ngày, đời sống của người dân đã thoát cảnh đói nghèo lầm than và trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút khách du lịch mỗi khi đến Vũng Tàu.

Nguyễn Trung Thành

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến Long Sơn, thăm Nhà Lớn