Ẩm thực bình dân Nhật Bản “len lỏi” vào ngõ ngách Sài Gòn

Theo Đời sống & Tiêu dùng| 30/12/2014 13:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sài Gòn trong tâm thức của những vị khách ẩm thực vẫn được mệnh danh là thành phố hội tụ và giao thoa nhiều luồng văn hóa Đông - Tây, cổ xưa và hiện đại.

Bên cạnh văn hóa ẩm thực Trung Quốc, Campuchia, Thái, Ấn, Pháp, Mỹ… từ cuối năm 2013, ẩm thực Nhật đã thực sự hiển diện và chinh phục khách ẩm thực của thành phố hơn 300 tuổi này.

Ẩm thực gắn liền văn hóa

Nghệ thuật trong ẩm thực gần đây được người dân Việt Nam chú trọng hơn trong cách chế biến và trình bày các món ăn. Tuy nhiên, điều này từ lâu đã được các đầu bếp Nhật Bản đưa vào. Sự tinh túy và tươi ngon của món ăn luôn được những người đầu bếp đặt lên hàng đầu đã giúp ẩm thực Nhật Bản chinh phục thực khách rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ẩm thực bình dân Nhật Bản “len lỏi” vào ngõ ngách Sài Gòn
Các loại nước súp ăn kèm với mì Udon

Nếu các nhà hàng Tây Âu đem lại cho thực khách cảm giác sang trọng, ẩm thực Việt Nam mang đến cảm giác gần gũi thì các nhà hàng Nhật Bản đều thiết kế với những gam màu giản dị, hài hòa khiến thực khách có được cảm giác vừa ấm áp, gần gũi mà cũng không kém phần sang trọng. Từng chi tiết nhỏ làm nên thành công của món ăn đều được người Nhật tận dụng một cách tối đa như từ cái chén, cái dĩa, lọ đựng gia vị… được thiết kế riêng cho từng quán mang phong cách cổ truyền.

Chị T.Hương, nhân viên văn phòng đang làm việc tại Q.1, TP.HCM chia sẻ: “Món ăn Nhật ngon và có nét đặc trưng, thu hút rất riêng. Tuy giá khá cao nhưng rất đáng đồng tiền. Tôi nghĩ nhiều người cũng dễ chấp nhận mức giá này vì tâm lý thưởng thức một món ăn ngon khoái khẩu khi lựa chọn những nhà hàng Nhật Bản. Đồng thời, vì yêu thích những món ăn này, tôi đã tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc món ăn, giúp hiểu thêm về chiều sâu của văn hóa ẩm thực nổi tiếng của quốc gia này”.

Không chỉ có Sushi, Sashimi…

Ẩm thực bình dân Nhật Bản “len lỏi” vào ngõ ngách Sài Gòn
Rất khó để kiếm được nhà hàng phục vụ Sushi, Sashimi đúng “gốc” Nhật Bản tại Việt Nam

Nói đến ẩm thực Nhật Bản, Sushi là món ăn được nhiều thực khách biết tới nhất. Tuy nhiên, với giá thành khá cao, Sushi nói riêng và các món ăn Nhật Bản nói chung từ xưa được người dân mặc định dành cho giới trung, thượng lưu.

Để phù hợp nhu cầu đại chúng, ngày càng nhiều quán ăn, nhà hàng mang phong cách ẩm thực Nhật Bản do những đầu bếp người Việt thành lập. Thế nhưng, những nhà hàng này chưa được người dân Nhật Bản du lịch, sinh sống tại Việt Nam đánh giá cao.

Ông M.Horie (Nhật Bản), một người có nhiều năm nghiên cứu ẩm thực Nhật đồng thời đang giữ vai trò quan trọng tại Diễn đàn Giáo dục Quốc tế (IEEF) cho biết: “Chưa có nơi bán Sushi nào tại Việt Nam đáp ứng đầy đủ yêu cầu của một người Nhật, ngay cả những nơi sang trọng bậc nhất tại Việt Nam. Điều cần nhất của Sushi là món ăn phải tươi, sống. Trong khi đó, những nguyên liệu này đa phần các nhà hàng đều phải nhập trực tiếp từ bên cung cấp, độ tươi bị giảm bớt. Hơn nữa, chuẩn mực phục vụ luôn được người Nhật đề cao, từ nụ cười, cách đặt đồ ăn, thứ tự món ăn và luôn xem sự hài lòng của khách hàng là điều ưu tiên hàng đầu”.

“Khá khập khiễng khi so sánh chất lượng Sushi tại Việt Nam và Nhật Bản. Một miếng Sushi chính gốc tại Nhật có giá 2.000 - 3.000 JPY (khoảng 400.000 - 600.000 đồng), gấp 10 - 20 lần giá tại Việt Nam. Do đó, để tìm được một quán bán Sushi hay Sashimi thỏa mãn 90% các yêu cầu của người Nhật là rất khó” - ông M.Horie cho biết thêm.

Hiểu được lẽ đó, những nhà hàng nổi tiếng tại Nhật Bản chuyên về các món mì, bánh xèo - món ăn không quá đòi hỏi về độ tươi sống của nguyên liệu đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch Nhật lui tới. Những món ăn tương đối “bình dân” tại Nhật Bản như mì Ramen, Udon, hay Donburi (cơm trộn) đang được bán khá nhiều tại những nhà hàng mới du nhập này. Nguyên liệu chính của những món ăn này đa phần có thể bảo quản lâu và giá thành tương đối “dễ chịu” nên thường được nhập trực tiếp từ những vùng sản xuất tại Nhật Bản. Do đó, những món ăn “bình dân” này ngày một thu hút thực khách Việt Nam lẫn nước ngoài.

Tuy là những món ăn “bình dân”, đầu bếp Nhật luôn chú trọng vệ sinh, an toàn thực phẩm trong chế biến món ăn. Anh Vương, Quản lý tại chuỗi Nhà hàng Marukame tại TP.HCM, cho biết: “Các đầu bếp tại đây luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt những điều kiện như tại Nhật Bản. Vắt mi Udon chỉ được sử dụng trong 30 phút sau khi thành phẩm, những nguyên liệu, món ăn kèm khác như nước súp, Tempura đều có các quy định tương tự. Có lẽ cũng chính vì điều này, người dân TP.HCM ngày một ưa chuộng các món ăn Nhật Bản”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ẩm thực bình dân Nhật Bản “len lỏi” vào ngõ ngách Sài Gòn