Giải quyết nợ xấu ngân hàng: Không chỉ là bỏ tiền mua nợ

31/10/2012 08:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đối với số nợ xấu hiện nay, việc xử lý không đơn thuần là nhà nước bỏ tiền ra mua toàn bộ số nợ trên mà là khơi thông sự bế tắc của thị trường hàng hóa, để tạo sự luân chuyển hàng hóa một cách hợp lý, giảm hàng tồn kho, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp…

Nợ xấu phụ thuộc vào thị trường bất động sản

 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong thời gian vừa qua, bằng các giải pháp như cơ cấu lại các khoản nợ, hoãn nợ, xóa nợ… đến nay con số nợ xấu đã giảm đi khoảng 36.000 tỷ đồng, cùng với đó, con số trích lập thêm dự phòng rủi ro cũng đã tăng nhanh, hiện tại các tổ chức tín dụng cũng đã trích lập được dự phòng rủi ro lên tới 70.000 tỷ đồng.

 

Cũng theo NHNN, nợ xấu hiện nay là do những năm trước để lại, đặc biệt là từ 2008 - 2011, bởi giai đoạn này, tín dụng tăng rất cao, bình quân 33%/năm, đáng chú ý trong năm 2008, tín dụng tăng tới 53%. Tín dụng tăng nóng, chất lượng tín dụng thấp và những tác động khó khăn của nền kinh tế trong nước và thế giới đã khiến nợ xấu tăng cao. 

 

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra NHNN cho biết: Riêng từ đầu năm đến nay không phát sinh nợ xấu. Tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 đến thời điểm này đạt 2,77%, toàn bộ nợ năm nay là nợ ngắn hạn nên không thể phát sinh nợ xấu. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cũng khẳng định nhiều khoản nợ ở Việt Nam không quá xấu, các khoản nợ có tài sản đảm bảo chiếm trên 84% và chủ yếu có tài sản đảm bảo là bất động sản. Tuy nhiên, hiện thị trường này đang gặp rất nhiều khó khăn. do đó, nếu khơi thông được thị trường này, nợ xấu hoàn toàn có cơ sở để xử lý. 

 

Giải quyết nợ xấu ngân hàng: Không chỉ là bỏ tiền mua nợ

Nợ xấu là một khó khăn lớn hiện nay của các ngân hàng (Ảnh: MH

 

Trong Phiên họp thứ 10 của UBTVQH, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải pháp giải quyết nợ xấu ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã khẳng định điều này. Theo ông Bình, tỷ lệ nợ xấu như hiện nay không đến mức nguy kịch, bởi ở các nước trên thế giới, nợ xấu trong thời kỳ khủng hoảng cao hơn ở Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên cũng không nên có sự chủ quan.

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, để giải quyết nợ xấu, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như phát hành trái phiếu Chính phủ, đẩy nhanh tốc độ chi tiêu công, giúp giải phóng hàng tồn kho, nâng cao giám sát các tổ chức tín dụng...

 

Sẽ thành lập công ty mua bán nợ 

 

Tính đến thời điểm cuối tháng 10-2012 nợ xấu vẫn chiếm vào khoảng từ 8,8%-10% trên tổng dư nợ. Vì vậy, việc thành lập công ty mua bán nợ để giải quyết thực trạng nợ xấu đã và đang được NHNN tính đến.

 

Đại diện NHNN cho biết, vấn đề lập công ty mua bán nợ đã được đặt ra từ quý IV/2011, theo hướng tiết giảm tối đa chi phí và đạt hiệu quả cao nhất. Dự tính đến ngày 15-11, NHNN sẽ trình Chính phủ về Đề án công ty mua bán nợ quốc gia trực thuộc NHNN. Dự kiến quy mô công ty này sẽ xử lý từ 60 đến 100 nghìn tỷ đồng nợ xấu. 

 

NHNN cũng cho biết, thời điểm năm 1997, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng thành lập “Tổ xử lý nợ xấu” để xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng khi nợ xấu thời điểm này tới 30%. Chỉ sau một thời gian, bằng các giải pháp giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ… đã xử lý xong số nợ này. 

 

 Đối với số nợ xấu hiện nay, việc xử lý nợ xấu không đơn thuần là nhà nước bỏ tiền ra mua toàn bộ số nợ trên mà là khơi thông sự bế tắc của thị trường hàng hóa, để tạo sự luân chuyển hàng hóa một cách hợp lý, giảm hàng tồn kho, giảm bớt khó khăn… và tất yếu khi khó khăn cơ bản được giải quyết thì vấn đề về nợ xấu cũng sẽ được giải quyết. Hiện nay, nợ xấu ngân hàng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản, để khơi thông thị trường này, hiện NHNN đã cùng với Bộ xây dựng trình phương án góp phần phục hồi thị trường này. Theo đó, việc khôi phục thị trường bất động sản không chỉ giảm giá bán mà còn phải có giải pháp để giảm chi phí cho doanh nghiệp để họ hạ giá bán, cơ cấu lại tài chính... 

 

Cùng với việc thành lập công ty mua bán nợ, giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, để giải quyết nợ xấu, hiện ngành ngân hàng cũng đang đẩy mạnh việc tái cấu trúc các tổ chức tín dụng. Hiện có 9 ngân hàng được đưa vào diện tái cấu trúc. NHNN cho biết, đã có những đánh giá kỹ lưỡng và khách quan để xác định các ngân hàng yếu kém cần phải tái cấu trúc. Hiện đến cuối năm 2012 sẽ là thời hạn cuối cùng để các ngân hàng thương mại tự giải quyết những yếu kém, trong trường hợp các ngân hàng không giải quyết được, NHNN sẽ bắt buộc thực hiện tái cơ cấu. 

 

Bảo Nam

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết nợ xấu ngân hàng: Không chỉ là bỏ tiền mua nợ