Giá xăng tăng “ào ào”, giảm “nhỏ giọt”?

18/05/2012 17:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc giá xăng giảm 500 đồng/lít và dầu diezen giảm 300 đồng/lít vừa qua được lý giải rằng, nếu không giảm giá xăng và tăng thuế, khoản tiền này sẽ được ghi nhận vào lợi nhuận của DN.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở đối với mặt hàng xăng là hơn 800 đồng/lít. Như vậy, đáng lẽ giá xăng phải giảm 800 - 1.000 đồng/lít chứ không phải là 500 đồng? Đại diện Cục Quản lý giá cho rằng, khi xử lý tăng giảm giá xăng phải nhất quán theo qui định 30 ngày. Xăng chênh lệch 828 đồng thì chỉ được phép xử lý trong khoản này thôi. Giá thế giới giảm làm cho giá cơ sở giảm thì sẽ tính toán theo thứ tự thuế, quỹ bình ổn giá và giảm giá khi có điều kiện. 

Về ý kiến cho rằng, thời gian qua, khi giá xăng tăng thì “ào ào”, còn  giảm giá thì vẫn chỉ mang tính “nhỏ giọt”, ông Thỏa cho rằng, việc giảm giá phải căn cứ vào các yếu tố hình thành giá chứ không thể căn cứ vào tâm lý. Giá xăng dầu của chúng ta phụ thuộc 70% vào giá xăng dầu thế giới. Xăng dầu thế giới tăng giảm là tín hiệu ta phải xem xét…

 

Giá xăng tăng “ào ào”, giảm “nhỏ giọt”?

 

Ảnh minh họa

 

Có ý kiến cho rằng nên bãi bỏ giá bình quân 30 ngày. Tại sao khi giá dầu thế giới tăng, thì gần như là ngay lập tức giá xăng trong nước cũng tăng. Còn khi giá dầu thế giới giảm thì lại phải chờ tính toán lại theo quy định 30 ngày?. Nên chăng, cứ lấy giá thế giới ngày 1 hàng tháng làm giá chuẩn cho cả tháng. Mọi DN xăng dầu đều phải bán giá đó. Như vậy, nếu DN nhập xăng dầu thấp hơn giá đó thì anh có lời, cao hơn thì lỗ. 

 

Cũng có ý kiến băn khoăn về sự độc quyền xuất nhập khẩu xăng dầu của Petro Việt Nam (PVN). Nếu các DN kinh doanh xăng dầu được tự do xuất nhập khẩu xăng dầu, không cần phải qua trung gian là PVN thì giá sẽ giảm, bởi khi qua trung gian thì chi phí sẽ đẩy lên cao, có thể còn cao hơn cả thuế nhập khẩu. Nếu bỏ trung gian thì không nhất thiết phải giảm thuế, ngân sách vẫn có nguồn thu. 

 

Về tác động của việc giảm giá xăng đến chỉ số giá tiêu dùng, theo tính toán, mức tác động trực tiếp đến giảm CPI là 0,2441%. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, đến nay hiệu ứng tích cực từ giảm giá xăng chưa được thấy rõ khi gần như chưa DN nào công bố giảm giá cước, hay những mặt hàng trước đây “té nước theo mưa” lúc xăng tăng giá, giờ vẫn chưa thấy “hạ nhiệt” khi giá xăng đã giảm. 

 

Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá xăng tăng “ào ào”, giảm “nhỏ giọt”?