Gánh nặng kinh doanh dưới giá vốn

04/11/2013 11:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không ít doanh nghiệp trên sàn đang phải chấp nhận kinh doanh dưới giá vốn và gánh chịu thua lỗ trong quý 3/2013.

Thống kế của Viestock cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp này thuộc nhóm ngành Bất động sản, Vận tải đường thủy, Kim loại và các sản phẩm khác từ kim loại.

Gánh nặng kinh doanh dưới giá vốn

Cụ thể, có 22 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chấp nhận bán lỗ trong quý 3/2013 trong tổng số các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính tính đến phiên giao dịch 31/10/2013. Trong đó, xét về giá trị tuyệt đối, CTCP Vận Tải Biển Việt Nam (HOSE: VOS) là doanh nghiệp chịu bán lỗ nhiều nhất khi doanh thu thuần trong kỳ chỉ 481.58 tỷ đồng nhưng giá vốn lên đến 514.56 tỷ đồng. Điều này dẫn đến việc công ty lỗ gộp gần 33 tỷ đồng trong quý 3. Tuy nhiên, VOS chẳng những không bị lỗ trong quý 3 mà còn ghi nhận lãi ròng hơn 26.48 tỷ đồng nhờ bán thành công hai tàu hàng khô Ocean Star và tàu Morning Star.

Không chỉ riêng quý 3/2013, hai quý đầu năm nay VOS đã chấp nhận kinh doanh dưới giá vốn do hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy gặp rất nhiều khó khăn. Lũy kế 9 tháng, doanh thu VOS gần 1,499 tỷ đồng nhưng giá vốn đến 1,587 tỷ đồng. Kết quả trong giai đoạn 9 tháng đầu năm, VOS bị lỗ ròng hơn 170 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp nổi bật cũng chung tình trạng như VOS chính là CTCP Xây Dựng Số 5 (HOSE: SC5). Theo đó, doanh thu trong quý 3/2013 chỉ hơn 264 tỷ đồng, bao gồm chủ yếu doanh thu kinh doanh bất động sản 30 tỷ đồng và doanh thu từ hợp đồng xây dựng hơn 230 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn kinh doanh bất động sản trong kỳ lại lên đến 64 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi doanh thu từ chính mảng này.

Tuy nhiên, nhờ lợi nhuận khác gần 102 tỷ đồng mà SC5 may mắn ghi nhận lãi ròng hơn 47 tỷ đồng trong quý 3/2013 thay vì khả năng sẽ lỗ gần 40 tỷ đồng do kinh doanh dưới giá vốn.Theo giải trình của công ty, nguyên nhân là do định giá phần giá trị sở hữu của Công ty đối với dự án phường 22 Quận Bình Thạnh.

Đối với những doanh nghiệp trong ngành xây dựng, bất động sản, giá vốn bán hàng chiếm tỷ lệ khá cao trên doanh thu thuần, ở mức khoảng trên 90%. Điều này cho thấy nếu không có những nguồn thu khác thì khả năng lỗ là rất lớn.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến hai trường hợp là CTCP Vận tải và Thuê tàu (HNX: VFR) và CTCP Đệ Tam (HOSE: DTA). Với VFR, ngoài việc kinh doanh dưới giá vốn, quý 3/2013 công ty không còn bán được tàu nào nên cũng chẳng còn khoản thu nhập bất thường, dần đến lỗ 4.6 tỷ đồng. Trong khi đó, DTA còn “đặc biệt” hơn khi doanh thu thuần trong quý 3/2013 lại âm  hơn 2 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu của DTA, doanh thu từ bán sắt thép các loại chỉ hơn 4 tỷ đồng nhưng khoản giảm trừ hàng bán lại đến 6.2 tỷ đồng.

Song, những doanh nghiệp trên chưa phải là nhất nếu xét về sự nhảy vọt của giá vốn hàng bán so với doanh thu mang về trong quý 3/2013. Theo đó, CTCP Khoáng sản Quang Anh (HNX: KSQ) đã làm không ít nhà đầu tư phải choáng khi giá vốn trong quý 3/2013 cao gấp 43 lần so với doanh thu trong kỳ.  Cụ thể, trong khi doanh thu chỉ hơn 36 triệu đồng (giảm 157 lần so với cùng kỳ) thì giá vốn hàng bán ở mức hơn 1.5 tỷ đồng.

Hay đối với CTCP Khoáng Sản Bắc Kạn (HNX: BKC), điệp khúc “bán lỗ” không chịu rời bỏ doanh nghiệp này trong 7 quý liên tiếp gần đây nhất kể từ quý 1/2012. Riêng trong quý 3 năm nay, BKC lỗ gần 4 tỷ đồng; doanh thu trong kỳ chỉ 158 triệu đồng mà giá vốn đến 2.53 tỷ đồng, tức giá vốn cao hơn 16 lần doanh thu.

Ngoài ra, SHN và V15 đều có giá vốn hàng bán trong quý 3/2013 cao gấp 4 lần so với doanh thu thuần.
Được biết trong quý liền trước (quý 2/2013), trên cả hai sàn có tổng cộng 36 doanh nghiệp kinh doanh dưới giá vốn.

Sanh Tín

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gánh nặng kinh doanh dưới giá vốn