Chức vô địch “kỳ diệu” của Bồ Đào Nha phần nhiều do lối chơi tập thể đem lại. Bên cạnh đó, Euro năm nay chứng kiến nhiều đội bóng mạnh nhờ gắn kết các cầu thủ “thường thường bậc trung”. Đây được coi là chìa khóa mới cho sự thành công của bóng đá hiện đại.
Các tập thể mạnh
Bồ Đào Nha được HLV Santos chỉ đạo chuyển từ lối chơi xoay quanh Ronaldo sang cách đá tập thể. Dấu ấn ban đầu thể hiện trong trận hòa 3-3 với Hungaria. Và rồi tập thể áo bã trầu đánh bại từng đối thủ “khó nhằn” để giành được ngôi vị bá chủ châu lục. Thành công của Bồ Đào Nha sẽ không thể có được nếu không xây dựng lối đá tập thể dựa trên sự hiểu nhau của các thành viên.
Đội bóng “lão tướng” có tuổi trung bình trên 31, Italy đến Euro lần này với nhiều sự e ngại. Nhưng người Ý đã “quật ngã” dàn sao đang lên của Bỉ ngay trận ra quân, đồng thời đánh bại Thụy Điển một cách thuyết phục và đánh bại nhà cựu vô địch Tây Ban Nha. Lối đá phòng ngự phản công cùng với pressing khi cần thiết chỉ có thể vận hành trơn tru khi xây dựng trên nền tảng tập thể tốt.
Một trong những hiện tượng là Iceland, đội bóng xứ băng đảo đã có mùa Euro thành công. Đây là đội bóng chơi phòng ngự phản công hay bậc nhất tại vòng chung kết. Đội đã quật ngã “gã khổng lồ” châu lục Anh. Rất khó để tìm ra một cái tên thật sự dễ nhớ vì Iceland là đội bóng khá nghiệp dư. Nhưng sau vòng chung kết này, nhắc tới Iceland người ta nghĩ ngay đến tập thể chơi phòng thủ ấn tượng.
Croatia là một trong những tập thể ấn tượng nhưng “chết yểu” tại Euro lần nay. (Ảnh: Getty)
Tuyển Đức vốn được biết đến với sự lỳ lợm và lối chơi khoa học hàng đầu thế giới. Đến Euro lần này người Đức thể hiện lối đá mang dáng dấp Bayen Munich dưới thời Pep Guardiola. “Xe tăng” vẫn là lối đá tấn công đẹp mắt cộng với phong cách kiểm soát bóng và áp đặt lối chơi. Đội bóng sở hữu nhiều ngôi sao tấn công giỏi nhưng phải phục vụ chung cho lối đá do Loew xây dựng. Việc tuyển Đức để thua trước Pháp tại bán kết được coi như một…tai nạn.
Bất ngờ lớn nhất Euro 2016, tuyển Xứ Wales lọt vào tới bán kết. Đội bóng có số ít tên tuổi nổi tiếng đã làm nên điều thần kỳ. Bale, Ramsey là những đầu tầu đưa “Rồng đỏ” thành một tập thể mạnh. Những cầu thủ khác trong đội giường như hiểu họ có ngôi sao để chờ đợi và cùng nhau cống hiến. Bale cũng rất biết cách đoàn kết đội bóng biến những cái tên xa lạ thành một khối để gây khó khăn cho đối phương.
Tuyển chủ nhà Pháp á quân Euro 2016, vốn nhiều ngôi sao. Nhưng các ngôi sao đó được Deschamps tập hợp lại thành nhiều mũi khoan khung thành đối thủ. Thất bại tại chung kết gặp Bồ Đào Nha chỉ là do các chân sút thiếu may mắn. Pháp vẫn là đội bóng có lối chơi thuyết phục người xem bậc nhất.
Đặc biệt, một trong những đội bóng tập thể ấn tượng nhất Euro lần này là Croatia. Đội bóng chỉ có vài cái tên dạng “thường thường bậc trung” nhưng đã thi đấu rất ngoan cường. Kết thúc vòng loại nhiều người còn nhận định Croatia sẽ ngáng đường nhiều “ông lớn”.
Nhưng trái bóng tròn không giành cho những ai thiếu may mắn. Nhà vô địch Bồ Đào Nha thi đấu phòng thủ triệt để trước khi hạ đối thủ ở hiệp phụ. Tiếc cho tập thể Croatia với sức trẻ, sự đoàn kết đã không thể đi đến chân trời mơ ước.
Thất bại của các “ông lớn”
Đáng buồn nhất Euro vừa qua khi phải sớm chia tay tuyển Anh với những ngôi sao có tổng giá trị hàng trăm triệu euro. Dàn sao tuyển Anh đến với giải đấu trên đất Pháp với nhiều sự kỳ vọng của người hâm mộ. Nhưng khi theo dõi những đôi chân cầu thủ Tam sư trên sân người ta thấy mỗi người đều cố gắng thể hiện mình hơn là cùng chung mục tiêu.
Hogson không thể làm được việc mà Santos của Bồ Đào Nha đã làm là đoàn kết toàn đội. Những “trục trặc” ở vòng loại của hai đội bóng trên là tương đối giống nhau. Nhưng Hogson không tìm ra phương cách giúp Tam sư hiểu rõ vấn đề. Bóng đá hiện đại mang đậm dấu ấn chiến thuật thay vì sự tỏa sáng của cá nhân riêng lẻ.
Không còn khái niệm “đội bóng một người”, các ngôi sao phải phục vụ cho lối đá chung. (Ảnh: Getty)
Một trong những đội bóng được kỳ vọng khác là Thụy Điển còn tệ hại hơn. Thể thức thi đấu mới giúp đội thứ ba có thành tích tốt được góp mặt tại vòng loại trực tiếp. Nhưng Ibrahimovic và các đồng đội không giành nổi một trận thắng, điều mà Iceland đã làm được trước Ý. Đội bóng Bắc Âu đã trình diễn một mùa Euro đáng quên nhất lịch sử tham dự.
Cách chơi của Thụy Điển rõ ràng là “cậy Ibra” khi mọi đường bóng tấn công đều được “nhồi” cho cựu tiền đạo PSG. Lối tấn công “cổ điển” này đã bị các đối thủ bắt bài khi “khóa” chặt ngòi nổ Ibra. Hệ quả là tiền đạo ngôi sao bị tịt ngòi đồng nghĩa với tuyển Thụy Điển trắng tay.
Tây Ban Nha thất bại trước Italy tại vòng 16 đội là điều đáng tiếc. Không phải tập thể “Bò tót” chơi thiếu gắn kết mà là do “khối bê tông” người Ý xuất sắc hơn. Nhà cựu vô địch Tây Ban Nha vẫn kiểm soát bóng với lối đá tiki taka trứ danh, nhưng họ thiếu một “kỹ sư trưởng” nơi tuyến giữa để tung ra “miếng đánh” quyết định.
Không ai có thể phủ nhận sự ưu việt của lối đá cầm bóng tốt với một tập thể gắn kết như Tây Ban Nha. Nhưng tiếc là trong đội hình họ thiếu một số mắt xích quan trọng để tạo nên sự thành công. Đó vẫn là lối đá dễ được chấp nhận hơn sự thất bại của hai ông lớn Thụy Điển và nhất là tuyển Anh.
Tựu chung lại, thành công hay thất bại không nằm ở chỗ đội bóng đó sở hữu nhiều hoặc ít ngôi sao. Mà là ngôi sao trong bóng đá hiện đại phải phục vụ cho chiến thuật chung của toàn thể đội bóng. Đây mới thực sự là cánh cửa để mở ra chiến thắng.
Như câu nói bất hủ của thánh Johan Cruyff: “Chọn cầu thủ hay nhất cho từng vị trí, và cái mà anh sẽ nhận được không phải một đội hình mạnh, mà là 11 cá nhân đơn lẻ”.