Bà Federica Mogherini sẽ đưa ra kế hoạch nhằm chống lại những chiến dịch “thông tin sai lạc” của Nga về tình hình xung đột tại Ukraine, theo yêu cầu của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu.
Bà Federica Mogherini sẽ đưa ra kế hoạch nhằm chống lại những chiến dịch “thông tin sai lạc” của Nga về tình hình xung đột tại Ukraine.
Tuần tới, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ yêu cầu đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini, đưa ra kế hoạch nhằm chống lại những chiến dịch “thông tin sai lạc” của Nga về tình hình xung đột tại Ukraine, kết luận dự thảo của một Hội nghị thượng đỉnh EU đã chỉ rõ.
Vào cuộc họp diễn ra trong hai ngày 19 và 20/3, các nhà lãnh đạo EU sẽ cho bà Federica Mogherini 3 tháng - trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6/2015 - để vạch ra chi tiết kế hoạch làm thế nào “để hỗ trợ tự do báo chí và các giá trị châu Âu tại Liên bang Nga”.
“Hội đồng châu Âu nhấn mạnh rằng sự cần thiết phải chính thức phản đối những chiến dịch thông tin sai lạc hiện nay của nước Nga và mời đại diện cấp cao (của EU) chuẩn bị kế hoạch hành động cho truyền thông chiến lược về việc hỗ trợ tự do báo chí và các giá trị châu Âu”, dự thảo viết.
Reuters dẫn kết luận dự thảo: “Tán thành việc thành lập một nhóm truyền thông như là bước đầu tiên để giải quyết vấn đề này”.
Những đài truyền hình được chính phủ Nga tài trợ như RT, phát sóng bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Arập, tiếng Đức và tiếng Pháp đã liên tục mở rộng hoạt động của mình. Nhiều đài truyền hình phương Tây buộc cắt giảm các dịch vụ bằng tiếng Nga của họ sau Chiến tranh lạnh, Reuters dẫn nguồn tin Sputnik cho hay.
Chính vì vậy, các nhà ngoại giao EU cho rằng EU cần tìm cách để giải quyết vấn đề “thông tin sai lạc” của Nga trong chính nước Nga, cũng như ở các nước Tây Âu, như Đức, và một số quốc gia láng giềng với Nga thuộc EU, chẳng hạn như các quốc gia khu vực Baltic.
Theo Reuters, đài truyền hình trong nước, dưới sự kiểm soát mạnh mẽ của nhà nước Nga, đã mô tả cuộc nổi dậy của phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine như là một sự phản kháng tự phát với cuộc đảo chính gây ra bởi lực lượng quân đội Kiev. Trong khi Phương Tây đã buộc tội Nga xúi giục chiến tranh, cung cấp vũ khí và binh sĩ , thì Kremlin nhiều lần bác bỏ.