Đường Biên Hòa: Xứng đáng vai trò người dẫn đầu

20/05/2014 08:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vượt qua năm 2013 với nhiều khó khăn, Đường Biên Hòa đang tập trung mọi nguồn lực để duy trì và phát triển vai trò thương hiệu đường đứng đầu Việt Nam.

Lãi thấp vì “chơi đẹp”

Là doanh nghiệp tiên phong trong ngành mía đường với bề dày lịch sử 45 năm phát triển, Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) đã xây dựng được một thương hiệu phát triển vững mạnh trên thị trường Việt Nam. Hiện nay, Đường Biên Hòa đang đứng đầu cả nước về sản lượng kinh doanh đường.

4 năm liên tục, từ năm 2009 - 2012, lợi nhuận của BHS đều đạt trên 100 tỷ đồng nhưng bất ngờ năm 2013 tụt xuống chỉ còn xấp xỉ 50 tỷ đồng, bằng khoảng 30% so với năm 2012 mặc dù sản lượng tiêu thụ trong năm vẫn đạt 175,000 tấn, cao nhất so với các doanh nghiệp trong ngành.

Đường Biên Hòa: Xứng đáng vai trò người dẫn đầu

Trụ sở CTCP Đường Biên Hòa

Ông Thái Văn Chuyện - Chủ tịch HĐQT Công ty, một người có nhiều năm gắn bó với ngành đường ở nhiều vai trò khác nhau, cho biết kết quả kinh doanh năm 2013 của Đường Biên Hòa giảm mạnh xuất phát từ hai nguyên nhân. Thứ nhất, do giá đường thế giới và trong nước giảm mạnh (chu kỳ khủng hoảng thừa từ năm 2011) nên dù đã chốt các hợp đồng lớn với khách hàng bao gồm sản lượng và giá cố định ngay từ đầu năm nhưng nhiều đối tác vẫn trì hoãn việc nhận hàng. Công ty vì lợi ích của khách hàng cũng như mối quan hệ lâu năm nên đã “chơi đẹp” đồng ý gia hạn thời gian nhận hàng và điều chỉnh một phần giá bán để chia sẻ với khách hàng những khó khăn trong giai đoạn kinh tế còn chưa thật sự khởi sắc. Điều này được nhiều đối tác đánh giá cao. Bên cạnh chính sách bán hàng hết sức “đặc biệt” đó, nguyên nhân thứ hai là ngay từ đầu năm – căn cứ các hợp đồng đã ký, BHS đã chủ động dự trữ hàng để đảm bảo cung cấp đủ sản lượng như đã cam kết trong khi lượng hàng giao và giá bán giảm so với kết hoạch. Kết quả lợi nhuận của BHS đã có sự điều chỉnh mạnh trong năm 2013.

Tuy nhiên, ông Chuyện cho rằng kết quả kinh doanh năm 2013 là tình hình chung của tất cả doanh nghiệp ngành đường nhưng với BHS, công ty vẫn giữ được khách hàng, thị phần và đạt được một mức lợi nhuận hợp lý. Đó mới chính là lợi thế quan trọng nhất. Những lợi thế của BHS không những được duy trì mà còn đạt được những bước phát triển mới. Những lợi thế đó sẽ giúp công ty tiếp tục phấn đấu để giữ được vai trò thương hiệu đường hàng đầu Việt Nam, cung cấp các sản phẩm tốt cho sức khỏe và nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng. Tạo tiền đề phát triển sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Văn Chuyện say sưa kể về những cái nhất của đường Biên Hòa trên thị trường hiện nay, cụ thể như BHS là doanh nghiệp duy nhất trong nước có chuỗi sản phẩm đa dạng (đường ký, đường công nghiệp, đường túi, đường phèn, đường viên, đường vitamin, đường làm bánh, đường que, đường nâu...) đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng và là doanh nghiệp có hệ thống phân phối hoàn chỉnh nhất so với các đơn vị cùng ngành. Giá bán đường Biên Hòa luôn cao hơn các doanh nghiệp khác nhưng vẫn được khách hàng và người tiêu dùng chấp nhận nhờ chất lượng tốt nhất đã được khẳng định từ nhiều năm.

Đường Biên Hòa: Xứng đáng vai trò người dẫn đầu

Quang cảnh nhà máy sản xuất đường Biên Hòa

đơn vị duy nhất sở hữu nhà máy đường luyện công nghệ Nhật Bản, có thể sản xuất quanh năm với chất lượng cao và ổn định mà không phụ thuộc vào vùng nguyên liệu như các công ty đường khác. Đây là một trong những lợi thế giúp BHS khẳng định được chất lượng thương hiệu trong nhiều năm.

Ngoài ra BHS còn có vị trí giáp ranh các khu vực tiêu thụ lớn là các Khu CN Bình Dương – TP.HCM – Đồng Nai vì vậy đội ngũ kinh doanh có thể tiếp cận và phục vụ khách hàng rất nhanh cùng với chi phí vận chuyển thấp và cạnh tranh nhất là trong giai đoạn chi phí vận chuyển đang đồng loạt tăng như hiện nay.

Tập trung hạ giá thành

Trước mắt, trong năm 2014, công ty sẽ tập trung vào các biện pháp để hạ giá thành các sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị phần tiêu thụ qua đó tăng biên độ lợi nhuận trong bối cảnh giá đường trên thị trường vẫn ở mức thấp. Mục tiêu năm nay của công ty là tiêu thụ được 175,714 tấn đường, tăng nhẹ so với năm trước; sản lượng sản xuất 175,651 tấn. Kết quả doanh thu đạt 2,643 tỷ đồng, giảm nhẹ 10% so với năm 2013, nhưng lợi nhuận trước thuế sẽ tăng 63% lên 82.2 tỷ đồng.

Ông Chuyện cho biết hiện nay công ty có 2 nhà máy đường công suất 6,500 tấn/ngày tại Tây Ninh và Trị An (Đồng Nai), 1 nhà máy đường luyện 400 tấn/ngày cũng tại Đồng Nai và vùng nguyên liệu 11,000ha, trong đó có 1,000 ha thuộc sở hữu của công ty, năng suất đạt khoảng 70 tấn/ha. Đây được xem là mức tương đương với năng suất thu hoạch trung bình ở Thái Lan (75 tấn/ha), nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới.

Đường Biên Hòa: Xứng đáng vai trò người dẫn đầu

Sản phẩm Đường Biên Hòa ra lò

Sắp tới, chiến lược của Đường Biên Hòa là tập trung cải tiến quy trình quản lý đầu tư vùng nguyên liệu thông qua việc chọn giống, làm đất, bón phân, kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt đầu tư hệ thống tưới tiêu phù hợp với điều kiện từng vùng để tăng năng suất, đồng thời giảm giá thành. Công ty cũng đầu tư máy thu hoạch tự động với năng suất 800 tấn mía cây/ngày sẽ giúp giảm được công lao động, hạn chế thất thoát nguyên liệu và còn tăng chất lượng đường sau thu hoạch.

Ngoài ra, chiến lược đa dạng hóa sản phẩm cũng tiếp tục duy trì. Trong đó, đẩy mạnh các sản phẩm mới như đường túi, đường Vitamin, đường làm bánh đang được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ rất tốt.

Hợp tác để tận dụng lợi thế

Vị Chủ tịch của Đường Biên Hòa, đồng thời cũng giữ nhiều vai trò chủ chốt ở các công ty khác thuộc Tập đoàn Thành Thành Công (ThanhThanhCong) như Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT), Điện Gia Lai (GEC), tỏ ra rất lạc quan về việc Đường Biên Hòa tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng các sản phẩm liên quan đến đường của Tập đoàn này. Ông Chuyện cho rằng hợp tác cùng phát triển là xu thế chung của nền kinh tế hiện đại. Việc BHS gia nhập Thành Thành Công cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Tập đoàn có nhiều đơn vị cùng hoạt động trong lĩnh vực mía đường, do đó việc chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý, khoa học kỹ thuật, giảm chi phí, tận dụng được lợi thế của nhau... giúp cho tất cả các thành viên nâng cao được hiệu quả hoạt động.

Ông cho biết vụ mùa 2013-2014, các chương trình chung về thu hoạch – đốn chặt mía đã giúp cho các đơn vị trong tập đoàn lần đầu tiên có được mức CCS trên 9, là một trong những tín hiệu hết sức khả quan, cho thấy tất cả đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, ông Chuyện khẳng định không có việc hợp tác giữa các thành viên trong tập đoàn là để thao túng thị trường, bởi thị trường đường hiện nay bị chi phối bởi nhiều yếu tố cả trong và ngoài nước, nên một vài doanh nghiệp thuộc Thành Thành Công sẽ không đủ sức làm điều đó.

Không chỉ nỗ lực để giữ gìn và phát huy những lợi thế hiện tại, BHS còn đang có những kế hoạch đầy tham vọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững trong tương lai.

Đan Thanh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường Biên Hòa: Xứng đáng vai trò người dẫn đầu