Nhiều chuyên gia pháp lý và người dân hoàn toàn nhất trí với chủ trương người điều khiển giao thông được dùng bản sao giấy đăng ký xe khi tham gia giao thông.
Chủ trương này giúp tháo gỡ được rất nhiều bất cập hiện nay và thúc đẩy phát triển kinh doanh của những người kinh doanh vận tải, đảm bảo quyền lợi cho các chủ phương tiện cũng như hoạt động về ngân hàng, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế.
Được dùng bản sao giấy đăng ký xe khi tham gia giao thông
Ngày 15/8, Văn phòng Chính phủ có công văn hỏa tốc gửi các Bộ: Công an, Tư pháp, Giao thông - Vận tải, Ngân hàng Nhà nước và UBND các tỉnh, thành thông báo việc sử dụng giấy đăng ký phương tiện tham gia giao thông trong trường hợp thế chấp tại tổ chức tín dụng.
Theo công văn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý cho người điều khiển ôtô được sử dụng bản sao chứng thực giấy đăng ký phương tiện giao thông, kèm theo bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực. Hai loại giấy tờ này được thay cho bản chính giấy đăng ký để tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện.
Người điều khiển giao thông được dùng bản sao giấy đăng ký khi lái xe
Phó Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn lực lượng có thẩm quyền xử phạt của ngành Công an; Bộ Giao thông - Vận tải phối hợp với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn Thanh tra giao thông và người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải thực hiện ý kiến chỉ đạo nói trên trong thực thi công vụ.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với các Bộ: Công an, Tư pháp, trong tháng 8/2017 ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp giấy biên nhận nêu trên. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ được cấp một bản gốc giấy biên nhận có thời hạn phù hợp với thời hạn thế chấp phương tiện.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành: Công an, Giao thông - Vận tải, Ngân hàng Nhà nước rà soát và đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Kết quả thực hiện báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 30/9/2017.
Theo ghi nhận của phóng viên, thông tin về việc người tham gia giao thông được dùng bản sao giấy đăng ký xe khi lái xe được công bố trên báo chí, nhiều người dân đều có chung quan điểm cho rằng đây là một quyết định hợp tình, hợp lý và phù hợp với thực tiễn xã hội hiện nay.
Bày tỏ niềm vui trên mạng xã hội, anh Đỗ Văn Tuyên ở Hà Nội cho biết: “Sau khi đọc được thông tin Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đồng ý cho người điều khiển ôtô được sử dụng bản sao chứng thực giấy đăng ký phương tiện giao thông, tôi đã chia sẻ tin này lên mạng xã hội để cho nhiều người biết. Không chỉ riêng bản thân tôi mà rất nhiều người dân đều cảm thấy giải tỏa được rất nhiều áp lực, không còn lo lắng bị Cảnh sát giao thông xử phạt mỗi khi tham gia giao thông”.
Trên một số diễn đàn về ô tô, thông tin này được lan tỏa rộng rãi và đại đa số người dân, đặc biệt là chủ xe ô tô rất đồng tình phấn khởi. “Đọc xong thông tin người điều khiển giao thông được dùng bản sao giấy đăng ký khi lái xe tôi cảm thấy nhẹ cả người. Hiện thấy xe đang giảm giá mà vẫn chưa đủ tiền mua, giờ có lẽ vay ngân hàng mua xe để thuận tiện đi lại”, một người dân bày tỏ.
Người mua xe trả góp không lo bị phạt
Vào đầu tháng 7/2017, nhiều người mua xe ô tô trả góp bị đẩy vào bế tắc trước thông tin Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt các chủ phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính khi tham gia giao thông.
Việc xử phạt này bắt nguồn từ văn bản của Cục CSGT (C67) Bộ Công an hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện thế chấp trong ngân hàng, trong đó quy định bên thế chấp được giữ bản chính giấy đăng ký xe. Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, từ trước tới nay, lực lượng Cảnh sát giao thông làm theo đúng quy định của pháp luật. Người tham gia giao thông nếu không đủ các giấy tờ đăng ký xe, bằng lái xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bản chính khi vi phạm giao thông sẽ bị xử lý.
Trong khi đó, hầu hết khách hàng khi mua xe trả góp đều buộc phải thế chấp giấy đăng ký gốc mới được ngân hàng giải ngân. Sau đó, ngân hàng sẽ cấp cho người vay một bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng. Trước văn bản xử phạt của Cảnh sát giao thông, nhiều người dân đã phản ứng cho rằng việc xử phạt này là không hợp lý và “làm khó” người tham gia giao thông.
Nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng thừa nhận việc xử phạt chủ phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính là không hợp lý, bởi qua con số thống kê của Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm quốc gia (Bộ Tư pháp), hiện tại cả nước có gần 1,3 triệu phương tiện giao thông đang thế chấp giấy tờ tại các ngân hàng và những chủ phương tiện này có nguy cơ bị Công an xử phạt vì lưu thông không có đăng ký xe bản chính.
Từ đó, các chuyên gia kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nên xem xét một cách “thấu tình đạt lý” để có hướng giải quyết phù hợp.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/8, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP có quy định, khi thế chấp thì bên thế chấp vẫn được quyền nắm giữ giấy tờ của các tài sản này, trong khi Bộ luật Dân sự quy định bên nhận thế chấp có quyền nắm giữ giấy tờ của các phương tiện đó nếu các bên có thỏa thuận.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước nhận được nhiều phản ánh của các ngân hàng thương mại, nếu để bên thế chấp vẫn giữ giấy tờ đó sẽ phát sinh trường hợp mang tài sản đã thế chấp tại ngân hàng đi mua bán, chuyển nhượng, cầm cố. Điều này tạo rủi ro rất lớn cho các ngân hàng thương mại, dẫn đến nợ xấu phát sinh. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi 3 Bộ: Công an, Tư pháp, Giao thông - Vận tải đề nghị cho phép người điều khiển giao thông sử dụng bản sao có xác nhận tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng.
Luật sư nói gì?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm
Trao đổi với PV Báo Công lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, hoàn toàn đồng tình và nhất trí với chủ trương người điều khiển giao thông được dùng bản sao giấy đăng ký khi lái xe. Việc này tháo gỡ được rất nhiều bất cập hiện nay và thúc đẩy phát triển kinh doanh của những người kinh doanh vận tải, đảm bảo quyền lợi cho các chủ phương tiện cũng như hoạt động về ngân hàng, thúc đẩy sự phát triển về kinh tế.
Để việc này đi vào hiệu lực cần thiết phải sửa đổi quy định người điều khiển phải mang bản gốc đăng ký khi tham gia giao thông nhằm tạo điều kiện cho người kinh doanh vận tải đang thế chấp ngân hàng được lưu thông trên đường, đảm bảo việc kinh doanh.
“Việc CSGT xử phạt đối với ô tô không có giấy tờ gốc dù rằng giấy tờ trên đang thế chấp tại ngân hàng là đúng với các quy định của pháp luật hiện hành nhưng lại đang mâu thuẫn với Nghị định 163/2006/NĐ-CP và mâu thuẫn với việc thế chấp tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Bởi vậy, cần thiết phải sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông là xuất phát từ thực tế hiện nay nhằm tháo gỡ những bất cập, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật để việc thực thi pháp luật được thống nhất”, Luật sư Thơm nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Ngọc Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ, khi chủ phương tiện thế chấp tài sản, ngân hàng được phép giữ bản chính, chủ sở hữu cầm bản sao đăng ký xe để tham gia giao thông. Tuy nhiên, nhằm tránh xung đột với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, quy định người điều khiển phải mang bản gốc đăng ký khi tham gia giao thông, Chính phủ đã ban hành Nghị định 11/2012 sửa đổi thay thế Nghị định 163/2006.
“Việc xử phạt xe không có giấy đăng ký bản chính của Công an là không sai, không trái luật. Tuy nhiên, vấn đề không phải lỗi của người dân, người sở hữu xe. Vì ngoài giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thì còn giấy đăng kiểm xe cũng có thể chứng minh được chủ xe là ai. Vì thế, cần sửa đổi quy định người có phương tiện thế chấp được cung cấp bản xác nhận của ngân hàng đang giữ bản chính là phương tiện đó được lưu hành hợp pháp”, Luật sư Nguyễn Ngọc Anh cho biết.