Dừng thi công, kiểm tra toàn bộ các hạng mục liên quan Di tích Quốc gia Lê Văn Hưu

Thanh Phương| 24/03/2022 16:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 24/3, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã có văn bản chỉ đạo các đơn vi, chính quyền địa phương có liên quan tới Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Quốc gia Đền thờ Lê Văn Hưu gây bức xúc dư luận nhiều ngày qua.

Theo đó, giao cho Sở VH-TT-DL Thanh Hóa khẩn trương phối hợp với huyện Thiệu Hóa, mời Cục Di sản văn hóa, các đơn vị liên quan, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đặc biệt là cộng đồng dân cư nơi có di tích tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế di tích đền thờ Lê Văn Hưu nói chung và hạng mục giếng Ngọc nói riêng để có ý kiến thống nhất về vị trí, quy mô, biện pháp tu bổ, tôn tạo, báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa trong tháng 3.

Trước đó, các cơ quan báo chí phản ánh, nhiều người dân ở thôn 3, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) bức xúc trước việc giếng Ngọc - một giếng cổ lâu năm của địa phương đang bị phá bỏ xây dựng lại trong quá trình thi công dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu.

a1congvan.jpg
Công văn của tỉnh Thanh Hóa

Những người cao tuổi sống quanh Di tích cho rằng, việc cải tạo giếng Ngọc đã làm phá vỡ cảnh quan di tích và tâm linh mà người dân địa phương vẫn gìn giữ qua nhiều thế hệ. Theo cụ Trần Thị Tương (95 tuổi), thôn 3, xã Thiệu Trung cho biết: "Giếng Ngọc đã có từ xa xưa, nước giếng lúc nào cũng trong xanh là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người dân trong làng". Nhìn vào thực tại, việc tôn tạo xây dựng không còn đúng theo nguyên trạng khiến người dân như cụ Tương không khỏi buồn phiền. Trước đây, giếng có chiều rộng hơn 10m, nay dự án phá bỏ đi xây lại với diện tích chỉ bằng 50%. Giếng cổ được cho là đã gắn bó bao đời nay với người dân thôn 3, nay bị phá, có muốn làm lại cũng không được.

Trong khi đó, nhiều hộ dân trong làng, xã cũng không khỏi bức xúc khi cho rằng, việc trùng tu, cải tạo, sửa sang lại giếng, phía chính quyền địa phương đã không họp bàn, phổ biến cũng như lấy ý kiến người dân, thiếu sự dân chủ.

Việc thi công cải tạo lại giếng Ngọc bắt đầu từ đầu tháng 3/2022. Khi sự việc xảy ra, người dân trong thôn đã có ý kiến và phản đối việc thi công cải tạo giếng Ngọc. Tuy nhiên, thay vì tiếp thu ý kiến nhân dân, đơn vị thi công vẫn đang đưa máy móc vào làm việc tại giếng Ngọc, đồng thời có nhiều người thợ đang khẩn trương đưa những khối đá lớn vào để kè lại lòng giếng. Bên cạnh giếng Ngọc là các công trình như Đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu và hệ thống tường rào, các công trình phụ trợ khác đang trong quá trình hoàn thiện.

Theo lý giải từ phía lãnh đạo huyện Thiệu Hóa được biết, dự án này về các bước trình tự, thủ tục hồ sơ là chặt chẽ; việc lấy ý kiến đã có biên bản thống nhất từ nhân dân.

a2gieg.png
Dừng thi công hạng mục giếng Ngọc tại Di tích Quốc gia Lê Văn Hưu

Được biết, dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018, với tổng mức gần 30 tỉ đồng. Dự án do UBND H.Thiệu Hóa làm chủ đầu tư, chia thành 3 giai đoạn. Đến nay đã hoàn thành giai đoạn 1 và 2, đang gấp rút triển khai giai đoạn 3. Tháng 3/2019, UBND H.Thiệu Hóa phê duyệt dự án đầu tư 9 hạng mục, gồm: đền thờ chính, nhà bia, nhà từ đền, cổng tứ trụ, bình phong, am hóa vàng, nhà vệ sinh, cổng sang chùa.

Theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công giai đoạn 1 (dự án chia làm 3 giai đoạn) của dự án được Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) thỏa thuận, thẩm định, trong đó có lưu ý: “Về phương án mặt bằng tổng thể di tích: đối chiếu với bản vẽ mặt bằng đánh giá hiện trạng kiến trúc cảnh quan khuôn viên di tích với bản vẽ bản đồ quy hoạch tổng thể mặt bằng, vị trí giếng rồng (còn gọi là giếng Ngọc) đã bị dịch chuyển từ vị trí chếch bên trái đền sang vị trí chếch bên phải đền. Do đó, cần điều chỉnh thiết kế để tu bổ giếng rồng tại vị trí hiện có đảm bảo yếu tố gốc là vị trí giếng…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dừng thi công, kiểm tra toàn bộ các hạng mục liên quan Di tích Quốc gia Lê Văn Hưu