Đừng biến học sinh thành “cỗ máy sao chép”

Ngô Chuyên| 01/06/2017 08:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT đang chú trọng vào thực hành và công tác hướng nghiệp cho học sinh. Thế nhưng, Bộ GD-ĐT đang “bỏ quên” một vấn đề mà bấy lâu nay phụ huynh quan tâm đó chính là kỹ năng phản biện.

Nên đưa kỹ năng phản biện vào chương trình giáo dục mới

Từ trước đến nay, cách giáo dục của Việt Nam đang đi theo hướng “thầy đọc trò chép”, học sinh thụ động tiếp thu kiến thức từ thầy giáo mà kỹ năng phản biện không có.

Ngay cả trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ tổng thể mới này, Bộ GD-ĐT đang “bỏ quên” kỹ năng phản biện của học sinh, trong khi đó nước ngoài đã áp dụng cái này từ lâu, học sinh phải tự tìm kiếm kiến thức và giáo viên là người cuối cùng tổng kết, định hướng. 

Đừng biến học sinh thành “cỗ máy sao chép”

Đừng biến học sinh thành những cỗ máy chỉ biết sao chép, hãy để học sinh phát triển tư duy sáng tạo phong phú của mình. Ảnh HN.

Chia sẻ về điều này, TS Nguyễn Khánh Trung - Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED cho biết: “Trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới tôi chưa thấy “mặt mũi” của giáo dục tư duy phản biện, đáng ra đây phải là kỹ năng này cần được nhấn mạnh trong chương trình tổng thể lần này”.

“Theo tôi, tư duy phản biện thực sự cần thiết, nó làm nên chất lượng của nguồn nhân lực quốc gia. Nhiệm vụ của ngành giáo dục là phải đào tạo được những công dân có khả năng phản biện. Phản biện không phải là cãi lại người khác mà đó là một biểu hiện của trí tò mò, muốn đặt câu hỏi, muốn tìm câu trả lời, từ đó kích thích trí sáng tạo của học sinh. Thế nhưng, trong Dự thảo mới này tôi thấy Bộ GD-ĐT đưa kỹ năng này vào”, TS Khánh Trung phân tích.

Đồng quan điểm với TS Khánh Trung, TS Giáp Văn Dương - người sáng lập trường học trực tuyến Giapschool chia sẻ: “Giáo dục thế giới luôn rất chú trọng đến 4 yếu tố: giao tiếp, hợp tác, sáng tạo, phản biện. Tuy nhiên, giáo dục Việt Nam đã cắt mất yếu tố phản biện, như vậy giáo dục của chúng ta đã chậm hơn một nhịp so với thế giới. Nếu như không giải quyết được triết lý giáo dục thì không thể giải quyết được tận gốc vấn đề”.

Câu chuyện giáo dục cười ra nước mắt

Một trong những thực trạng hiện nay mà khiến không ít phụ huynh đau đầu chính là phương pháp giáo dục khuôn mẫu. Giáo dục khuôn mẫu giết đi sự sáng tạo của học sinh, khiến cho mỗi học sinh là một “bản sao” do chính cô giáo, thầy giáo tạo ra.

Dẫn chứng về việc giáo dục khuôn mẫu, TS Giáp Văn Dương kể lại câu chuyện cười ra nước mắt do chính con anh gặp phải trong quá trình làm tập làm văn.

Đừng biến học sinh thành “cỗ máy sao chép”

TS Dương cho rằng: “Ở cấp học này các con chỉ cần đọc thông viết thạo, thành thạo 4 phép tính cộng trừ nhân chia và thêm các phép về phân số, như thế đã là đạt yêu cầu”. Ảnh HN.

TS Dương kể: “Trước khi thi học kỳ, cô giáo giao cho con tôi bài văn viết thư cho một người bạn ở nước ngoài. Phần đầu thư, con tôi viết “Maria thân mến!”. Thế nhưng cô giáo nhất định không cho con viết tên Maria vì nhiều bạn viết rồi. Cô đã sửa lại cho con học thuộc là “Triệu Vy thân mến! Mình biết bạn qua bộ phim… Đất nước Trung Quốc là một nước rất xinh đẹp…” Vậy nhưng khi tôi hỏi, “Con có biết phim đó không? Con có biết Triệu Vy là ai không? Con có biết Trung Quốc ở đâu không?”, bé đều trả lời không biết”.

“Thực tế, con tôi đã từng học tập ở Singapore nên ấn tượng của con là con người châu Âu. Tôi khá sốc khi trước kỳ thi con vẫn phải học thuộc những bài văn mẫu mà đôi khi chính các con cũng không hiểu bản chất thực sự là gì và anh đã phải trao đổi với cô giáo của con rằng hãy để cháu viết theo cách cháu muốn”, TS Giáp Văn Dương chia sẻ thêm.

Còn với môn Toán, con anh hiện đang học lớp 3 về nhà hỏi bố bài toán mà cháu không thể giải được. “Đề bài yêu cầu tìm số đứng trước X biết rằng 19094: X = 5 (dư 4)”. Tôi không thể hiểu tại sao đề bài không phải tìm X mà lại phải tìm số đứng trước X”, TS Dương băn khoăn.

Trước hai tình huống đó, TS Dương cho rằng: “Ở cấp học này các con chỉ cần đọc thông viết thạo, thành thạo 4 phép tính cộng trừ nhân chia và thêm các phép về phân số, như thế đã là đạt yêu cầu”.

“Trẻ chỉ cần biết đi hỏi về chào, biết cách tổ chức cuộc sống cá nhân như đi ngủ và thức dậy đúng giờ, giữ gìn vệ sinh cá nhân hợp cách, sắp xếp sách vở, bàn học ngăn nắp, giữ cho phòng riêng sạch sẽ gọn gàng; biết tham gia vào việc tổ chức cuộc sống gia đình, chia sẻ với cha mẹ việc nhà. Tôi cho rằng đó đều là những mục tiêu đơn giản”, TS Dương trải lòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng biến học sinh thành “cỗ máy sao chép”