Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa đại diện Phật giáo Ấn Độ sẽ tham dự Đại lễ Phật Đản LHQ Vesak 2014, tổ chức tại Bái Đính, Ninh Bình.
Chủ đề của Đại lễ lần này là: “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”. Trong suốt 30 năm qua, với tâm nguyện đem tình yêu thương trong hành động vì một thế giới hòa bình, hòa hợp và an lạc, Đức Pháp Vương thường du hóa chia sẻ thông điệp Từ bi Trí tuệ của Đạo Phật, sáng lập và khuyến khích thực hành thiện hạnh “Live to Love” trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, cứu trợ, giáo dục, dịch vụ y tế, và bảo tồn di sản. Những nỗ lực vì hạnh phúc an sinh và bảo vệ môi trường của Ngài được nhiều quốc gia và Tổ chức quốc tế vinh danh qua các giải thưởng tôn quý như cúp “Anh Hùng Xanh” của Tổng Thống Ấn Độ, danh hiệu “Bậc Bảo Hộ của vùng Himalaya” và đặc biệt là Kỷ niệm chương “Vì Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ” của Liên Hiệp Quốc.
Đức Pháp Vương, Đức Nhiếp Chính Vương và Tăng đoàn tới Hà Nội vào 15h chiều ngày 7/5. Ngoài hoạt động Phật sự tại Ninh Bình, Ngài sẽ chủ trì đàn pháp Đại lễ cầu siêu cầu quốc thái dân an và hòa bình thế giới tổ chức vào ngày 09-10/5/2014 tại Hoàng Thành Thăng Long. Đây là sự kiện nằm trong Chương trình Đại lễ Phật đản Vesak, do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) và Giáo hội Phật giáo đồng tổ chức. Tăng đoàn Drukpa do Ngài dẫn đầu đảm nhận trọng trách Ban Kinh sư quốc tế (phụ trách trì tụng, nghi lễ tâm linh) của khóa Đại lễ.
Tiếp đến, trong hai ngày 11-12/05, theo thỉnh cầu của Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Bình, Đức Pháp Vương, Đức Nhiếp Chính Vương và Tăng đoàn Truyền thừa cũng sẽ viếng thăm và cử hành Đại lễ câu siêu độ chư hương linh anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Ba Dốc (Đồng Hới, Quảng Bình), địa danh thiêng trong kháng chiến chống Mỹ, nơi hàng nghìn liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì nền hòa bình độc lập của đất nước.
Giáo lý Đạo Phật dạy rằng khi không thể siêu thoát, chúng sinh phải lang thang vất vưởng trong trạng thái oan hồn, chịu nhiều sợ hãi, khổ đau cùng những sân hận nuối tiếc về kiếp sống đã qua. Lúc này, nếu có bậc Thượng sư giác ngộ với tâm đại từ bi khai thị giáo pháp và ban gia trì thì sẽ vô cùng lợi ích. Đặc biệt, thông qua Đại đàn cầu siêu quán đỉnh Jangwa triệu thỉnh 100 Phật Bản tôn An bình và Uy mãnh (còn gọi là cầu siêu quán đỉnh Sitro Jangwa), bậc Thượng sư giác ngộ có thể thể nhập đại định, triệu thỉnh chư Phật, dẫn dắt thần thức oan hồn tử sĩ không siêu thoát tới trước đàn tràng, khai thị giáo pháp, tịnh hóa nghiệp chướng, ban truyền quán đỉnh và chuyển di tâm thức. Nhờ đó, hương linh có thể xả bỏ chấp trước, phát tâm cầu giải thoát và vãng sinh về cõi Phật.
Hoạt động Phật sự của Đức Pháp Vương tại Việt Nam:
Ngày 7/5: Đức Pháp Vương, Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa và Tăng đoàn Truyền thừa Drukpa đến sân bay quốc tế Nội Bài.
Ngày 8/5: Tham gia chương trình Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc Vesak 2014 tại Bái Đính, Ninh Bình.
Ngày 9-10/5: Chủ trì đàn pháp Đại lễ cầu siêu cầu quốc thái dân an và hòa bình thế giới tại Hoàng Thành Thăng Long (trong Chương trình Đại lễ Vesak 2014). Tăng đoàn Drukpa do Ngài dẫn đầu đồng thời đảm nhiệm trọng trách Ban Kinh sư quốc tế (phụ trách trì tụng, nghi lễ tâm linh) của khóa Đại lễ.
Ngày 11-12/5: Viếng thăm và cử hành Đại lễ câu siêu độ chư hương linh anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Ba Dốc (Đồng Hới, Quảng Bình).
Ngày 13/5: Rời Hà Nội, trở về Ấn Độ.
Thông điệp của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Đại lễ Phật đản là ngày của hạnh phúc, hòa bình và hòa hợp thế giới. Đây là những điều hàng triệu năm nay loài người luôn kiếm tìm, nhưng cũng luôn có những khó khăn trong việc thành tựu và duy trì những giá trị tốt đẹp đấy. Với lòng xót thương chúng sinh vô minh tăm tối, gần 2600 năm trước, Đức Phật đã đến với cuộc đời, thị hiện vui chung niềm vui của mọi loài, đau cùng những nỗi đau nhân loại, giác ngộ vì lợi ích chúng sinh. Ngài chỉ ra nguyên nhân của khổ đau và giải pháp để đạt được hạnh phúc an lạc. Ý nghĩa của ngày Phật đản là sự công nhận trên bình diện quốc tế các giá trị diệu dụng của Đạo Phật trong việc chữa lành và hàn gắn khổ đau, cách thức để mọi người và mọi loài cùng nhau đạt được hạnh phúc, hòa bình và hòa hợp. Sự kiện Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc diễn ra năm nay tại Việt Nam đặc biệt có nhiều ý nghĩa. Đất nước Việt Nam có nền văn hóa Phật giáo lâu đời, đã tiếp nhận và dung hòa mọi truyền thống, cả Nguyên thủy Phật Giáo, Đại thừa và Kim cương thừa để tạo nên bản sắc dân tộc. Sự đón nhận, hòa nhập và phát triển của Truyền thừa Drukpa tại nơi đây là một minh chứng sống động. Qua nhiều chuyến viếng thăm cầu nguyện quốc thái dân an, chia sẻ thông điệp Từ bi Trí tuệ của Đức Phật tại Việt Nam, tôi nhận thấy rõ bản sắc và nét đẹp văn hóa này. Dân tộc Việt Nam từng chịu nhiều đau thương chiến tranh nên rất ưa chuộng hòa bình, biết hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và nhu cầu an sinh xã hội. Điều này lý giải vai trò quan trọng của Đạo Phật tại nơi đây trong việc tạo nên hạnh phúc an sinh quốc gia, góp phần thành tựu các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp quốc. |