Sáng nay 27/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi. Qua thảo luận, các ĐB cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của Dự thảo Luật, đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định cần thiết cho phù hợp với thực tiễn.
Quy định thẩm quyền bổ sung, thu thập chứng cứ của Tòa án là phù hợp
Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho biết, ông cơ bản đồng tình với Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi (Luật TCTA) trình ra Quốc hội lần này. Cụ thể về quy định tại điểm c khoản 2 quy định “Tòa án có thẩm quyền chủ trì, phối hợp với VKSND xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ nếu xét thấy cần thiết”, việc ghi nhận quyền này cho Tòa án vì nó phù hợp với nhiệm vụ xét xử, thực hiện quyền tư pháp mà Hiến pháp 2013 đã quy định. Tuy nhiên, để phù hợp với tinh thần Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, đó là “Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các hoạt động tư pháp” cần phải quy định tại điểm c khoản 3 Điều 2 của dự thảo Luật, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Viện kiểm sát khi thực hiện yêu cầu của Tòa án. Có như vậy mới tạo điều kiện để Tòa án đưa ra phán quyết đúng pháp luật, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm; chủ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; không bị phụ thuộc vào kết quả điều tra trước đó do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thực hiện.
Đại biểu Phạm Hồng Phong cũng kiến nghị chỉnh sửa lại điểm c khoản 3 Điều 2 Dự thảo Luật theo hướng “Trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung hoặc yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ, hoặc chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát xác minh thu thập bổ sung chứng cứ nếu xét thấy cần thiết”.
Đại biểu Nguyễn Sơn (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội)
Đồng quan điểm trên, Đại biểu Nguyễn Sơn (TP.Hà Nội) cho rằng đây là vấn đề quan trọng liên quan đến BLTTHS sửa đổi sắp tới để bảo đảm Tòa án thực hiện quyền tư pháp (điểm c khoản 3 Điều 2 Dự thảo Luật). Đối chiếu quy định tại Điều 109 BLTTHS hiện hành, thẩm quyền này thuộc về Thẩm phán và HĐXX. Như vậy Dự thảo chỉ nhắc lại quy định của BLTTHS hiện hành, chưa thể hiện sự kiểm soát của các cơ quan thực hiện quyền tư pháp, Tòa án chỉ có quyền yêu cầu mà không có quyền quyết định, không phù hợp với Hiến pháp mới và chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực, không bảo đảm cho Tòa án thực hiện quyền tư pháp.
“Qua thực tiễn thực hiện BLTTHS hiện hành và công tác xét xử của Tòa án, nghiên cứu hồ sơ và các tài liệu trình Quốc hội về Dự án Luật TAND sửa đổi, chúng tôi đồng tình mục 1 Báo cáo 02 ngày 29/9/2014 của cơ quan chủ trì soạn thảo, đồng thời đề xuất với Quốc hội thảo luận kỹ ý kiến chỉ đạo của UBTVQH tại phiên họp ngày 23/9/2014 kết luận: để bảo đảm cho TAND thực hiện được nhiệm vụ Hiến định thì Tòa án phải kiểm soát toàn bộ quá trình tố tụng hình sự, từ khi khởi tố đến khi thi hành án” - ĐB Nguyễn Sơn nhấn mạnh.
Theo đó, Tòa án phải có quyền tự điều tra, xem xét lại để từ đó phát hiện, khắc phục việc điều tra sai, truy tố sai. Có như vậy mới bảo đảm Tòa án thực hiện nhiệm vụ xét xử, quyền tư pháp đã được Hiến pháp ghi nhận. Chúng tôi thấy ý kiến đó là phù hợp với quy định của BLTTHS hiện hành về chứng cứ, thu thập chứng cứ, cho thấy Tòa án có quyền điều tra vụ án.
Phải đảm bảo sự độc lập của Thẩm phán
Qua thảo luận, nhiều đại biểu cũng để cập đến việc Dự thảo Luật cần phải quy định làm sao đó để đảm bảo sự độc lập của Thẩm phán trong công tác xét xử. Hiến pháp đã quy định TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp và Thẩm phán, Hội thẩm độc lập trong xét xử, Tòa án là trung tâm, lấy hoạt động xét xử là trọng tâm. Như vậy có nghĩa là yêu cầu tính độc lập của Thẩm phán ngày càng cao.
Trong suốt quá trình cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu của nhân dân, yêu cầu về sự độc lập của Thẩm phán ngày càng cao, Luật TCTA cần phải xoay quanh nguyên tắc sự độc lập của Thẩm phán và phải lấy Thẩm phán là trung tâm của thiết chế cũng giống như Luật Tổ chức Quốc hội thì đại biểu Quốc hội phải là trung tâm. Đó là nguyên tắc tổ chức quyền lực của Nhà nước ta, quyền lực là thống nhất nhưng có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Bởi vậy không nên nhầm lẫn, ngoài việc là cán bộ của Tòa án, VKS thì họ còn là những chủ thể đặc biệt nên phải có những quy định đặc biệt, đặc thù chứ không xem những cán bộ Tòa án giống như những cán bộ, công chức, viên chức khác của bộ máy Chính phủ.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh)
Theo Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh), cần có những cơ chế đặc thù khi quy định tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán. Theo Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý của UBTVQH đọc tại Quốc hội sáng nay có ghi: Tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán TAND không quy định trong Luật này mà thực hiện thống nhất theo quy định của Bộ luật Lao động và hướng dẫn của Chính phủ".
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng, đồng ý trên cơ sở là có thể Thẩm phán cũng giống như cán bộ, công chức nói chung phải thực hiện theo quy định của BLLĐ. Song, các đại biểu Quốc hội và cử tri đều thống nhất, Thẩm phán TANDTC là đặc thù, chủ thể đặc biệt, chính vì nghề nghiệp yêu cầu xã hội cần thiết phải kéo dài tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán. Nhưng theo khoản 4 Điều 187, đối với ngành đặc thù thì do Chính phủ quy định. Vậy Chính phủ chỉ có thể quy định được tuổi đối với những lĩnh vực do mình quản lý, không thể quy định độ tuổi của các cơ quan tư pháp khác.
Đối với Thẩm phán TANDTC của nước ta và các nước trên thế giới đều có chế định đặc thù dành cho chủ thể này, cho nên phải cụ thể hóa tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán TANDTC trong Dự thảo Luật. Nếu cũng giống công chức khác thì sẽ không có gì là đặc biệt. Hơn nữa, nếu không quy định độ tuổi sẽ rất bất cập. Ví dụ một Thẩm phán năm nay 50 tuổi, được bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC đến 55 tuổi hết nhiệm kỳ đầu, nhiệm kỳ sau 10 năm liệu có đủ tuổi được bổ nhiệm làm Thẩm phán TANDTC hay không? Vì vậy, đề nghị nên quy định độ tuổi Thẩm phán TANDTC trong Luật, vì theo quy định Thẩm phán TANDTC chỉ có 15-17 người.
Về ngạch Thẩm phán, nhiều ý kiến cho rằng đây là nguyện vọng thiết tha của cử tri và cán bộ, công chức, viên chức hệ thống Tòa án các cấp.
Dự thảo Luật quy định: TANDTC gồm có Thẩm phán cao cấp, trung cấp, sơ cấp. UBTVQH cho rằng quy định như vậy là phù hợp với quy định hiện hành, với cơ chế tuyển chọn khi bổ nhiệm lần đầu hoặc bổ nhiệm theo ngạch Thẩm phán để bảo đảm phân hóa tiêu chuẩn Thẩm phán một cách rõ ràng về trình độ, tiêu chuẩn năng lực công tác.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng, nếu lý giải như vậy thì Thẩm phán không khác gì những công chức, viên chức khác, không xem xét đến tiêu chuẩn Thẩm phán, tính đặc thù nghề nghiệp của Thẩm phán cũng như yêu cầu cải cách tư pháp đang đặt ra rất cao đối với Thẩm phán hiện nay. Tại khoản 2 Điều 63 có quy định: số lượng Thẩm phán Tòa cấp cao, Thẩm phán trung cấp, sơ cấp và tỷ lệ thành phần các cấp Thẩm phán do UBTVQH quy định. Điều này có nghĩa là số lượng Thẩm phán nói chung được quy định cụ thể khi có Thẩm phán về hưu, chuyển công tác thì mới thiếu Thẩm phán và mới được bổ sung thêm.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cũng nhắc lại việc tại kỳ họp trước ông cũng đã từng đề cập đến việc không nên phân biệt Thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp, bởi ngay các bác sỹ tốt nghiệp ra trường hay kỹ sư thì họ công tác ở cấp xã hay Trung ương đều được gọi đúng chức danh như vậy. Họ chỉ hưởng ngạch bậc lương, phụ cấp khác nhau mà thôi.
Phán quyết của Tòa án đối với văn bản pháp luật trái Hiến pháp
Các đại biểu cũng cho rằng quy định việc Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của UBTVQH để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức là điều cần thiết. Quy định như vậy cũng phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 là “Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nước CHXHCN Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp”. Bên cạnh đó khoản 1 Điều 2 Hiến pháp cũng quy định: Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhân dân ủy quyền thực hiện quyền lực của mình thông qua các cơ quan dân cử, nên ngoài việc tuân thủ Hiến pháp còn phải tuân thủ Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của UBTVQH. Chính vì vậy, những văn bản quy phạm pháp luật trái với các quy định này đều phải được phát hiện kịp thời và xử lý để đảm bảo cho ý chí và quyền lực của nhân dân được thực hiện đúng và đầy đủ nhất.
Đại biểu Phạm Hồng Phong
ĐB Phạm Hồng Phong cho rằng, quy định tại điểm 2 khoản 7 Điều 2 quy định cơ quan được kiến nghị chỉ có trách nhiệm trả lời cho Tòa án là chưa thực sự phù hợp, chưa thể hiện hết trách nhiệm của cơ quan được kiến nghị khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã quy định rõ: “Hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử phải được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”.
Do vậy, để tăng cường hiệu lực của quyền tư pháp, ĐB Phạm Hồng Phong cho rằng cơ quan được kiến nghị cần phải có trách nhiệm thực hiện kiến nghị và trả lời kết quả thực hiện kiến nghị của Tòa án, nên cần sửa đổi quy định tại điểm 2 khoản 7 Điều 2 như sau: “Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của UBTVQH để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện và trả lời Toà án kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Toà án giải quyết vụ án”.