Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định, sẽ tạo cơ hội thuận lợi để người khởi kiện trình bày nguyện vọng của mình với người bị kiện.
Đồng thời, đây cũng là điều kiện để cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính bị khởi kiện xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình.
Đối thoại quy định trong Luật TTHC hiện hành còn nhiều bất cập
Luật TTHC năm 2010 được Quốc hội ban hành đã khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính trước đây, trong đó phải kể đến quan điểm đổi mới khi không quy định chế định “thỏa thuận” mà thay vào đó là chế định “đối thoại” cho phù hợp với bản chất của quan hệ pháp luật hành chính. Như vậy, đối thoại là một thủ tục được Tòa án thực hiện trong quá trình giải quyết khiếu kiện hành chính từ lúc Tòa án thụ lý vụ án hành chính đến khi ra bản án hay quyết định để giải quyết yêu cầu của người khởi kiện. Bản chất của đối thoại là trao đổi, so sánh, làm rõ, làm sáng tỏ về trình tự, thủ tục, thẩm quyền nội dung của quyết định hành chính, hành vi hành chính, yêu cầu của các bên và hướng giải quyết. Thông qua phiên đối thoại giúp cho người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập tự nhận ra thiếu sót, sai lầm của mình, tự điều chỉnh để chấm dứt khiếu kiện, rút đơn kiện hoặc rút quyết định hành chính bị khiếu kiện mà không cần phán quyết của Tòa án.
TANDTC tổng kết thi hành Luật TTHC năm 2010 và đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi)
Tại Điều 12 Luật TTHC năm 2010 quy định về đối thoại trong TTHC: “Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án” và theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Luật TTHC thì Thẩm phán có nhiệm vụ và quyền hạn là tổ chức việc đối thoại giữa các bên đương sự khi có yêu cầu. Trên thực tế, đối thoại được quy định trong Luật TTHC hiện hành chỉ là quy định chung mang tính nguyên tắc chứ không phải là thủ tục bắt buộc, chỉ mang tính khuyến khích đối thoại giữa các bên trong quá trình giải quyết vụ án theo yêu cầu của các bên đương sự nhằm tạo sự đồng thuận và để việc giải quyết vụ án được nhanh chóng. Như vậy có nghĩa là, Tòa án có thể tổ chức hoặc không tổ chức đổi thoại trong quá trình giải quyết một vụ án hành chính. Mặt khác, hiện nay chưa có quy định về việc ai có quyền yêu cầu đối thoại, trình tự, thủ tục đối thoại, thành phần tham gia phiên đối thoại và việc đối thoại có được thực hiện trong tất cả các vụ án hành chính hay không, nên mỗi Tòa án có những cách giải quyết khác nhau.
Đối thoại là thủ tục mà Tòa án phải thực hiện
Để khắc phục những tồn tại trên, tại Điều 21 của Dự thảo 4 Luật TTHC (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung Điều 12 Luật TTHC năm 2010 về vấn đề đối thoại trong TTHC. Điều 21 quy định: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định”. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) cũng bổ sung Điều 133 (mới) về nguyên tắc đối thoại trong TTHC. Theo đó, trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hành chính, Tòa án tiến hành đối thoại để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; việc đối thoại phải được tiến hành bảo đảm công khai, dân chủ, tôn trọng ý kiến của đương sự trình bày trong đối thoại, không được ép buộc các đương sự phải thực hiện việc giải quyết vụ án hành chính trái với ý chí của họ. Nội dung đối thoại giữa các đương sự không được trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội. Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về những vụ án hành chính không tiến hành đối thoại được; việc thông báo về phiên đối thoại; trình tự đối thoại; xử lý kết quả đối thoại…
Nếu như tại Điều 12 Luật TTHC năm 2010 quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án” thì tại Điều 21 của Dự thảo 4 Luật TTHC (sửa đổi) đã quy định: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định”. Như vậy, từ việc đối thoại trong Luật TTHC năm 2010 chỉ quy định chung mang tính nguyên tắc chứ không phải là thủ tục bắt buộc thì Dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) đã quy định đây là thủ tục mà trách nhiệm Tòa án phải thực hiện. Đối thoại có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, qua đối thoại các đương sự hiểu rõ về nội dung khiếu kiện, thay đổi quan điểm của mình, từ đó người khởi kiện có thể rút đơn khởi kiện hoặc người bị kiện hủy bỏ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện, chấm dứt khiếu kiện không phải mất nhiều thời gian, chi phí và công sức tham gia tố tụng kéo dài tại Tòa án. Hơn nữa, Tòa án không phải mất thời gian và kinh phí để tổ chức một phiên tòa xét xử với nhiều thành phần tham dự, cơ quan thi hành án không phải tổ chức thi hành án.
Mặt khác, quy định “Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định” sẽ tạo cơ hội thuận lợi để người khởi kiện trình bày nguyện vọng của mình với người bị kiện. Đồng thời đây cũng là điều kiện để cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính bị khởi kiện xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình có hợp pháp không, nếu đã hợp pháp thì có hợp lý đối với người khởi kiện không? Nếu sai thì họ sửa đổi, bãi bỏ một cách chủ động, trực tiếp và kịp thời; nếu không sai thì cơ quan hành chính nhà nước cũng có điều kiện giải thích rõ hơn để người khởi kiện hiểu và thực hiện. Đây cũng là điều làm cho những công dân khác có sự thận trọng, cân nhắc đến trường hợp của mình trước khi khởi kiện; là dịp để cơ quan hành chính giải thích lý do của quyết định hành chính, hành vi hành chính, thông qua đó tuyên truyền pháp luật đến với người dân.