Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh, nếu tư nhân đóng vai trò quyết định thì rất cần cơ chế thích hợp để doanh nghiệp tư nhân tiếp tục phát triển", ông Trịnh Văn Quyết Chủ tịch Tập đoàn FLC nhận định.
Hội thảo “Du lịch Quảng Ninh - Vươn tầm di sản" do UBND tỉnh Quảng Ninh và Hiệp hội các tổ chức dịch vụ và phát triển kinh doanh Việt Nam (VABO) phối hợp tổ chức vừa diễn ra ngày 19/4/2019 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Hạ Long, Quảng Ninh.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 250 lãnh đạo Ban, ngành Trung ương và địa phương; các chuyên gia kinh tế, văn hoá, lịch sử đầu ngành; đại diện các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế cũng như các cơ quan thông tấn báo chí truyền hình cả nước.
Quảng Ninh: Một thập kỷ kiến tạo
Là địa phương sở hữu nguồn tài nguyên du lịch có một không hai, Quảng Ninh đang mang trong mình sứ mệnh dẫn dắt, định hướng và lan toả đối với sự tăng trưởng du lịch trên toàn đất nước, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định và nhấn mạnh sự bứt phá ấn tượng của du lịch Quảng Ninh trong giai đoạn vừa qua.
Hội thảo “Du lịch Quảng Ninh – Vươn tầm di sản” diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Hạ Long
Những thành quả này có được là nhờ chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ "nâu" sang "xanh" được lãnh đạo Quảng Ninh vạch ra từ cách đây 1 thập kỷ, sự vào cuộc quyết liệt "nói đi đôi với làm" của bộ máy chính quyền và đặc biệt là sự gia nhập của những tập đoàn đầu tư chiến lược, với những công trình giúp thay đổi diện mạo du lịch tại Quảng Ninh.
Đơn cử như FLC Hạ Long, một quần thể nghỉ dưỡng tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng trên vùng đồi hoang, đang trở thành điểm đến mới cho du lịch cao cấp tại Quảng Ninh.
"Sự tham gia của các Tập đoàn lớn đang tạo ra những dấu ấn trong việc xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch tại Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Ngày hôm trước tôi có chứng kiến ký kết hợp tác giữa hãng hàng không Bamboo Airways và Sân bay quốc tế Praha nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Sau ký kết này chúng ta sẽ có đường bay thẳng đến Séc - nơi có cộng đồng 70.000 người Việt đang sinh sống. Với sự quan tâm của Chính phủ hai bên, giấc mơ bay dự kiến sẽ được thực hiện trong tháng 8, tháng 10 năm nay. Tôi hoan nghênh những dự án lớn như vậy đối với sự phát triển của đất nước", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FLC phát biểu khai mạc
Chia sẻ về quá trình đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng du lịch tại Quảng Ninh, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC kiêm Chủ tịch VABO cho rằng đối với doanh nghiệp thì điều quan tâm đầu tiên là môi trường đầu tư và lãnh đạo địa phương có thực sự muốn thu hút đầu tư hay không, có thực sự cần doanh nghiệp hay không. Trong yếu tố này thì Quảng Ninh thực sự là "đất lành chim đậu".
"FLC Hạ Long được xây dựng trên địa hình đồi cao, rất nhiều khó khăn với 4,5 tầng địa chất phức tạp. Nếu không có sự chung tay của chính quyền tỉnh thì không thể có một quần thể đa tiện ích theo tiêu chuẩn quốc tế như hiện nay. Khi xây dựng FLC Hạ Long, chính sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền tỉnh là nhân tố quan trọng để chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng Quảng Ninh với gần 30 dự án trong lĩnh vực đô thị, hạ tầng du lịch và hiện đang là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại đây", ông Quyết nói.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Mở rộng địa giới, cơ hội phát triển mới cho Hạ Long
Tăng trưởng ấn tượng về du lịch đồng thời cũng đặt ra cho Quảng Ninh những thách thức mới trong sự phát triển bền vững. Theo bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2014 Quảng Ninh đã thuê đơn vị tư vấn nước ngoài phát triển quy hoạch du lịch tới 2020 tầm nhìn 2030. Tuy nhiên, đa phần các chỉ tiêu trong quy hoạch này đã được tỉnh hoàn thành vượt dự kiến.
Quảng Ninh đang điều chỉnh lại quy hoạch với tỷ trọng dịch vụ du lịch Quảng Ninh sẽ chiếm 48 – 49% trong 2020, và định hướng phát triển bốn không gian du lịch, bao gồm Hạ Long gắn với du lịch Vịnh Hạ Long; Móng Cái - Trà Cổ gắn với du lịch biên giới; Vân Đồn - Cô Tô gắn với du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng chất lượng cao có casino; Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên gắn với du lịch văn hóa, tâm linh di tích danh thắng Yên Tử.
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch Hiệp hội các tổ chức dịch vụ và phát triển kinh doanh Việt Nam (VABO)
" Mặc dù có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng nhưng hiện du khách đến với Quảng Ninh chỉ biết đến các địa danh nổi tiếng như vịnh Hạ Long, Yên Tử. Muốn khách du lịch đến và ở lại dài ngày Quảng Ninh đang phải nghiên cứu mở rộng không gian du lịch. Hiện cũng đã có các tập đoàn kinh tế lớn đặt vấn đề phát triển hạ tầng tại các địa điểm như Quan Lạn, Cô Tô, Vân Đồn… Nhưng nếu không gian du lịch không được mở rộng thì không những không kéo được khách du lịch mà còn dẫn đến sự quá tải cục bộ", ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng để phát triển du lịch Quảng Ninh, thành phố Hạ Long đã rất chật hẹp. Hiện tại, việc đầu tư mở rộng ra Vân Đồn có thể phần nào giúp Quảng Ninh phân phối lượng khách, thúc đẩy tỉnh có tầm vóc mới.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI
Đối với việc xây dựng hạ tầng du lịch, theo Chủ tịch FLC, nhiều việc chỉ có doanh nghiệp tư nhân mới triển khai được thực sự hiệu quả. Do đó, cần có cơ chế thích hợp cho các doanh nghiệp nếu muốn đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh.
Một trong những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đầu tư và phát triển trong lĩnh vực hạ tầng du lịch đang rất quan tâm là quỹ đất. Doanh nghiệp sẵn sàng tập trung nguồn lực để đầu tư những công trình quy mô, đồng bộ, nhưng hiện ở Hạ Long thì quỹ đất đã gần như cạn kiệt.
Bà Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
"Quảng Ninh có thể quy hoạch mở rộng địa giới hành chính cho Hạ Long, theo mô hình của Hà Nội, như sáp nhập một vài xã, quận hoặc huyện đủ điều kiện. Lợi ích lớn nhất là sẽ thu hút dòng vốn đầu tư và tạo ra một sự hệ sinh thái du lịch đồng bộ và đa dạng, với Hạ Long là hạt nhân và là thương hiệu trung tâm", ông Quyết nhận định.
Bên cạnh quỹ đất, Chủ tịch FLC cũng cho rằng một vấn đề quan trọng cần được địa phương tập trung nguồn lực để phát triển là nhân lực chất lượng trong lĩnh vực du lịch. Doanh nghiệp như Tập đoàn FLC một năm có thể xây được một khách sạn từ 1000 - 2000 phòng, giải quyết công ăn việc làm cho từ 2000 - 3000 lao động.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch
"Nhưng vấn đề là chúng tôi không biết lấy lao động ở đâu? Khách sạn có thể đạt tiêu chuẩn 5 sao nhưng nguồn nhân lực có khi chỉ đạt 3 sao. Đây không chỉ là vấn đề riêng của Quảng Ninh mà là vấn đề của du lịch Việt Nam nói chung", người đứng đầu Tập đoàn FLC khẳng định và cho rằng Quảng Ninh cần nhanh chóng xúc tiến đầu tư và đào tạo trong lĩnh vực nhân lực, để du lịch có thể thu được tiền 5 sao chứ không chỉ dừng ở việc thu tiền 3 sao như có thể xảy ra trong tình trạng thiếu nhân lực hiện nay.
Ông Phạm Ngọc Thuỷ, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh