Khi tham gia thị trường chứng khoán, một trong những việc mà tất cả nhà đầu tư đều bắt buộc phải làm là thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau:
Thông tin doanh nghiệp, thông tin từ cơ quan quản lý, thông tin đồn đoán và các phân tích và nhận định về thị trường của chuyên gia chứng khoán. Những thông tin trên, dù chính thống hay không, đều có ảnh hưởng rất lớn đến việc nhìn nhận cơ hội trên thị trường và ra quyết định của nhà đầu tư.
Trong những thông tin trên, mọi người đều có thể thấy thông tin về các ý kiến nhận định thị trường của các chuyên gia là những thông tin có thể gọi là lưỡng tính. Vậy, những người được các nhà đầu tư và truyền thông gọi là chuyên gia là ai? Các chuyên gia là những người có kiến thức hàn lâm rất tốt về thị trường tài chính và đầu tư tài chính, họ có được cả cái nhìn tổng thể và chuyên sâu về các vấn đề kinh tế vĩ mô và vi mô, họ cũng có kinh nghiệm về thị trường và đặc biệt là họ có những vị trí xã hội nhất định nên được thị trường biết đến. Với những lợi thế tốt như vậy, đương nhiên nhiều nhà đầu tư đánh giá cao ý kiến chuyên gia và coi những nhận định của họ như kim chỉ nam định hướng chính cho họat động đầu tư. Nhưng, chiêm nghiệm sự vận động thị trường với ý kiến nhận định của chuyên gia, ta có thể thấy có sự khác nhau rất đáng kể.
Thực tế, thu nhận thông tin từ hệ thống truyền thông hàng ngày dễ làm cho nhiều nhà đầu tư tin rằng chuyên gia là người có thể Đọc vị và Đánh bại được Thị trường. Một chuyên gia đưa ra nhận định: “Ngày mai thị trường sẽ thế này…, sau đó sẽ thế kia…” làm cho nhiều người nghĩ rằng thị trường không phức tạp như họ nghĩ, câu chuyện nghe có vẻ đơn giản và dễ dàng. Việc các chuyên gia có nhiều thông tin hơn không đồng nghĩa với việc họ sẽ dự đoán thị trường chính xác và tốt hơn, kiểm nghiệm thực tế các nhà đầu tư sẽ minh chứng được điều này: Hầu hết các chuyên gia đều dự đoán không chính xác được thị trường. Câu chuyện ở đây là gì? như tung một đồng xu, luôn tồn tại xác suất 50-50% cho sự xuất hiện của mỗi mặt. Tôi không có ý phê phán nỗ lực của các chuyên gia trong việc phân tích và nhận định sự vận động thị trường, nhưng có lẽ theo tôi kết quả mà họ thu nhận được không tương xứng với công sức và thời gian mà họ phải bỏ ra.
Tất nhiên thị trường là gã vô hình vô tướng nên để nắm bắt là không hề dễ dàng, nhưng quả thực nhận định của nhiều chuyên gia tại những thời điểm cụ thể là hoàn toàn trái ngược, mơ hồ, lập lờ nước đôi… Đồng ý một điều là trước một vấn đề cụ thể, việc có nhiều ý kiến khác nhau là chuyện đương nhiên. Như với một nửa cốc nước, người lạc quan sẽ thấy rằng: “Vẫn còn một nửa cốc”. Kẻ bi quan thì lại nghĩ: “Ôi, chỉ còn một nửa cốc”. Nhưng, xem lại, nhà đầu tư có thể thấy những dự đoán của họ đều chung chung kiểu như "thị trường đang bị đẩy lên quá cao" hay "thị trường phản ứng thái quá", hay "sẽ lên mức xxx điểm rồi sau đó về xxx điểm"... rất nhiều và hầu như chưa bao giờ là đúng cả. Họ nói cứ như họ đã biết thừa thị trường sẽ vận động thế nào, thậm chí nhiều khi họ cảnh báo thị trường quá nóng, và thực tế gã này vẫn chạy một hồi mới nghỉ!
Thực tế, các chuyên gia không thực sự kiếm tìm lợi nhuận từ việc dự đoán của mình. Họ chỉ làm cái công việc thường ngày họ phải làm mà thôi, vì là chuyên gia nên họ phải có tiếng nói của mình trên các diễn đàn cho những vấn đề cụ thể tại những thời điểm cụ thể cho công chúng đầu tư đang chờ họ. Nếu các nhà đầu tư để ý quan sát sẽ thấy một điều thú vị: Thị trường chứng khoán là kẻ chuyên chế giễu các chuyên gia phân tích. Những thông điệp của các chuyên gia về thị trường hàng ngày tràn ngập trên truyền thông thường cứ lặp đi lặp lại nhưng nó chả có mấy ý nghĩa trong việc ra quyết định đối với các nhà đầu tư thực thụ. Thị trường chứng khoán luôn làm cho tất cả mọi người, kể cả các chuyên gia, nghĩ rằng: Những gì họ biết về thị trường đều sai bét cả!
Các chuyên gia thường có nhiều thông tin, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ sẽ dự đoán được những bước đi thị trường. Thực tế mà nói, ở hầu hết các thị trường chứng khoán toàn cầu, các nhà đầu tư đều không thể đoán chính xác thị trường. Còn những người có thể cảm nhận được hơi thở của thị trường thì họ chỉ cười khe khẽ: Mua rồi Bán-chốt lời nhẹ nhàng chứ không la tướng lên rằng thị trường sẽ thế này rồi sẽ thế kia... Thế nhưng, lúc nào cũng vậy và ở thị trường chứng khoán nước nào cũng vậy, chuyên gia là từ bị lạm dụng nhiều nhất. Nếu các chuyên gia với hệ thống phân tích dự đoán theo các mô hình toán học có thể chinh phục được thị trường thì có lẽ các gã khổng lồ Lehman Brothers, Bearstearn, Meryll Lynch của Mỹ đã không gục ngã trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Vì những tên tuổi này có thừa tiềm lực tài chính để đầu tư công nghệ, có thừa đội đội ngũ siêu sao nhận định và phân tích. Vậy mà nó đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng lịch sử, gây ra những vết thương chưa thể lành cho cả thế giờ đến tận bây giờ.
Ta hãy nghe hai nhà đầu tư huyền thoại nói gì về việc dự đoán thị trường:
Geor Soros đã thừa nhận: “Thành công về tài chính của tôi đối lập hoàn toàn với khả năng của tôi trong việc dự đoán tình hình”.
Warren Buffett thì sao? Ông hoàn toàn không quan tâm đến việc thị trường sẽ đi về đâu và cũng chẳng có chút hứng thú nào với các dự báo. Đối với ông thì “Việc dự báo trước có thể tiết lộ nhiều điều về người dự báo, chứ không cho biết gì về tương lai sắp tới”.
Nhà đầu tư hãy tiếp nhận những ý kiến chuyên gia với tư duy phê phán, trước đó hãy tự trang bị vũ khí: Kiến thức + Kỹ năng + Tâm lý vững vàng, và không nghe ngóng quá nhiều thông tin dự đoán. Vì, càng nhiều thông tin càng làm cho nhà đầu tư bối rối và gặp nhiều khó khăn trong việc ra quyết định. Gần đây, dường như truyền thông cũng đã có sự thay đổi trong việc đăng tải ý kiến chuyên gia, thay vào đó là ý kiến của các nhà đầu tư. Đó là quan điểm hãy tin vào thị trường, đánh giá dựa trên quan điểm chung của những người thực sự hít thở cùng nhịp đập với thị trường sẽ dễ có sự cảm nhận tốt hơn. Mặt khác, quan điểm của nhà đầu tư cũng được đưa ra ở góc nhìn khác, cụ thể là ít dựa vào lý thuyết và quan trọng là không quá dính chấp và các dự đoán đó, nó cũng là xương máu của nhà đầu tư. Hãy Lắng Nghe Thị trường, nó sẽ thì thầm thầm để bạn biết phải làm gì.
Xin được kết thúc bằng một lời nói về cái sự Biết trên TTCK:
Một nhà đầu tư tài chính nổi tiếng của Mỹ là Richard Farleigh đã nói một câu thật hay về vấn đề dự đoán TTCK :"Thật dũng cảm khi nói được câu Tôi Không Biết".
Nguyễn Thanh Hà