Dự án 1bis 1kep quận 1, TP.HCM: Bao giờ quyền lợi của người dân mới được giải quyết dứt điểm?

Nhị Quỳnh| 22/09/2016 18:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ năm 1995 đến nay, Dự án 1bis 1kep Nguyễn Đình Chiểu với “khu đất vàng” hơn 17.000m2 tại phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh vẫn là một khu đất hoang cỏ mọc...

Hàng loạt những bất cập về cơ chế, chính sách đầu tư, đền bù, giải tỏa tái định cư liên quan đến nhà đất của 213 hộ dân vẫn chưa được các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm...

Từ chuyện lắm nhà đầu tư...

Để phục vụ quy hoạch nhà ở, trong đó có chủ trương tại quỹ nhà đất để phục vụ chương trình cải tạo nhà ven kênh rạch, ngày 26/8/1993, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 1285/QĐ-UBND-QLĐT với nội dung giao UBND quận 1 chịu trách nhiệm chuyển đổi nhà ở hoặc đền bù kinh phí cho 213 hộ dân, với 1.292 nhân khẩu là cán bộ, nhân viên, nhân dân tại khu nhà đất số 1bis 1kep đường Nguyễn Đình Chiểu.

Dự án 1bis 1kep quận 1, TP.HCM: Bao giờ quyền lợi của người dân mới được giải quyết dứt điểm?

Trên cơ sở báo cáo đề xuất của UBND TP. Hồ Chí Minh, ngày 30/7/1995, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 490/TTg cho phép Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà quận 1 sử dụng khu nhà đất này để đầu tư, xây dựng kinh doanh khu nhà ở, văn phòng cho thuê. Tiếp đó, ngày 30/9/1995, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 624/TTg phê duyệt Dự án đầu tư khu nhà ở và làm việc tại số 1bis 1kep đường Nguyễn Đình Chiểu với quy mô 1 khối văn phòng, 4 khu chung cư, thời gian thực hiện là từ thời điểm phê duyệt đến hết năm 1999.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài, dự án vẫn không triển khai đúng tiến độ nên đến năm 2003, Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà quận 1 (Công ty PT&DVN quận 1) đành phải ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Đông Dương. Lúc này, dự án đã được chuyển thành tên gọi mới là Dự án căn hộ chung cư Đa Kao. Nhưng khi mới góp được khoảng 14 tỷ đồng thì Công ty TNHH Đông Dương lại đề nghị được thương lượng lại hợp đồng với lý do kinh phí đền bù, giải tỏa từ 110 tỷ đồng đã lên đến 463 tỷ đồng, trong khi đó chính sách tài chính về tiền sử dụng đất, vốn vay ngân hàng có sự thay đổi nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án căn hộ chung cư. 

Sau nhiều tháng bàn bạc, lấy lý do đối tác chậm thực hiện góp vốn, ngày 8/8/2006, lãnh đạo Công ty PT&DVN quận 1 đã có văn bản hủy bỏ hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Đông Dương. Chỉ đến khi thị trường bất động sản “nóng” trở lại thì ngày 28/2/2008, Công ty TNHH Đông Dương mới có đơn khởi kiện Công ty PT&DVN quận 1 với yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng để thực hiện Dự án căn hộ chung cư Đa Kao. Ngoài ra, Công ty TNHH Đông Dương cũng yêu cầu cơ quan chức năng ngăn chặn mọi giao dịch chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp đối với Dự án trên.

Bên cạnh đó, từ tháng 1/2008, một doanh nghiệp đã âm thầm mua lại quyền nhận tiền đền bù, bồi thường, hỗ trợ, mua nhà tái định cư của nhiều hộ dân tại khu nhà đất số 1bis 1kep đường Nguyễn Đình Chiểu. Đó là Công ty Cổ phần đầu tư Sao Thủy, có trụ sở tại Tòa nhà 14 đường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP. Hà Nội đã cử nhân viên thương lượng với nhiều hộ dân trong tổng số 213 hộ dân để ký hợp đồng chuyển quyền lợi dân sự, có sự chứng kiến của Văn phòng Luật sư Đông Dương, với giá chuyển nhượng là 68 triệu đồng/m2.

 

Dự án 1bis 1kep quận 1, TP.HCM: Bao giờ quyền lợi của người dân mới được giải quyết dứt điểm?

Dự án 1bis 1kep quận 1, TP.HCM: Bao giờ quyền lợi của người dân mới được giải quyết dứt điểm?

Khu đất vàng số 1bis 1kep vẫn chỉ là bãi đất hoang

Sau khi tung tiền ra mua quyền lợi dân sự về nhà đất của nhiều hộ dân, lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư Sao Thủy đã chủ động hợp tác với Công ty PT&DVN quận 1 thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Bến Thành - Sao Thủy. Đi kèm với pháp nhân mới này là Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh khu nhà ở, văn phòng cho thuê.

Nhưng đến thời điểm này, khu đất vàng số 1bis 1kep vẫn chỉ là bãi đất hoang cỏ mọc được che tôn để tránh người dân tái chiếm vì các chủ đầu tư vẫn loay hoay kiện cáo về quyền lợi, còn người dân vẫn tiếp tục khiếu nại về mức giá  đền bù, bồi thường, hỗ trợ, mua nhà tái định cư theo đúng hiện trạng nhà đất theo quy định pháp luật.

...đến “tù mù” chính sách đền bù

Theo hồ sơ xác minh các nội dung khiếu nại, tố cáo của người dân mà Thanh tra TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện thì trước đó UBND quận 1 được giao là chủ đầu tư trong thực hiện chương trình chuyển đổi nhà ở hoặc đền bù kinh phí cho 213 hộ dân tại khu nhà đất số 1bis 1kep. Nhưng sau đó, trách nhiệm này đã không được UBND quận 1 hoàn thành, thay vào đó ngày 16/12/1993, UBND quận 1 đã có văn bản kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh xác lập sở hữu nhà nước đối với nhà đất của 213 hộ dân.

Đến cuối năm 1993, UBND quận 1 căn cứ Quyết định số 111/1977/CP để kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành các Quyết định số 33304, 33305 ngày 13/7/1994 để xác lập sở hữu nhà nước đối với nhà đất của người dân tại khu nhà đất số 1bis 1kep.

Sự thật là dù đã ban hành quyết định xác lập sở hữu nhà nước nhưng thực tế không có cơ quan nào thực hiện việc quản lý. Ngay cả Công ty Quản lý nhà quận 1 cũng đã nhiều lần có báo cáo khẳng định: Đơn vị được thành lập sau khi có chủ trương xây dựng Dự án nhà ở, chung cư nên Công ty không có cơ sở xác nhận diện tích thực tế sử dụng nhà đất của người dân.

Trong khi đó, tại một số quyết định giải quyết khiếu nại của người dân tại Dự án số 1bis 1kep, do UBND quận 1 được phát hành năm 2013 cũng cho rằng, sau nhiều lần điều chỉnh đơn giá bồi thường, ngày 10/8/2007, Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh đã chính thức phê duyệt giá đất để tính bồi thường tại mặt tiền đường Nguyễn Đình Chiểu là 48 triệu đồng/m2. Nhưng điều bất cập là giá đền bù này chỉ áp dụng với 71 hộ dân chưa di dời nên tạo ra hiện tượng tái khiếu của các hộ dân đã di dời trước đây. Vì các cơ quan chức năng thuộc UBND quận 1 đã ký cam kết nếu chính sách đền bù thay đổi thì người dân sẽ tiếp tục được nhận.

Với mục tiêu bảo đảm quyền lợi hợp pháp, bảo đảm sự công bằng trong chính sách đền bù nhà đất, UBND quận 1 đã nhiều lần có văn bản chủ động đề xuất Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận áp dụng mức giá chung là 48 triệu đồng/m2 đối với hiện trạng sử dụng nhà đất của 213 hộ dân.

Nhưng đề xuất đúng pháp luật, phù hợp hiện trạng kinh tế - xã hội, cũng như lịch sử biến động nhà đất tại địa phương của Thường trực UBND quận 1 lại bị ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh thời điểm tháng 10/2014 phê bình nghiêm khắc. Lý do được đưa ra là UBND quận 1 đã điều chỉnh giá bồi thường nhà đất không đúng với nội dung đã thống nhất với các chủ đầu tư Dự án nhà ở tại số 1bis 1kep (?).

Ngay sau đó, UBND quận 1 đã phải kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quá trình bồi thường qua các năm 1997, 2001, 2005, 2007 đối với nhà đất của 213 hộ dân. Hệ quả là đến thời điểm này, UBND quận 1 đã phải thận trọng hơn khi nhắc đến phương án 48 triệu đồng/m2 mỗi khi làm việc với các Sở, ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của 213 hộ dân. Dù theo quy định của pháp luật thì hướng giải quyết của UBND quận 1 là có cơ sở, bảo vệ được quyền lợi của nhân dân, góp phần nâng cao uy tín của cơ quan quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng “đất vàng” bỏ hoang.

Tại Kết luận thanh tra số 80/KL-TTCP do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Chiến Bình ký ngày ngày 9/7/2015 về kết luận thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh trong chấp hành pháp luật thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, cũng đã lưu ý đến vụ  khiếu nại đông người tại Dự án nhà cao tầng số 1bis 1kep.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án 1bis 1kep quận 1, TP.HCM: Bao giờ quyền lợi của người dân mới được giải quyết dứt điểm?