"Đốt vàng mã hay không là câu chuyện của ứng xử"

Hà Thu| 07/03/2018 10:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đốt hay không đốt vàng mã là câu chuyện của ứng xử, ứng xử với nét văn hóa truyền thống đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống từ bao đời nay.

Không thể phủ nhận đốt vàng mã là thói quen tập tục đã có từ lâu của người Việt. Mặc dù được du nhập từ Trung Hoa, nhưng tập tục này đã bén rễ, phát triển trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt và đã trở thành một một thói quen mang nét riêng của người Việt không thể trộn lẫn.

Có chị nhà báo đã nói với tôi rằng tin hay không thì ở cách suy nghĩ và ứng xử của mỗi người. Còn chị, vốn chẳng phải là con nhang, đệ tử gì, lại càng không phải người mê tín nhưng với chị thì giây phút thư thái nhất lại chính là lúc thắp nhang lên ban thờ, trên mộ người thân và lúc hóa vàng cho người đã khuất. “Nén nhang trên ban thờ như cầu nối giữa người sống với ngườ đã khuất. Dù chỉ khấn nôm nhưng lúc ấy mình luôn tin là thần linh và tổ tiên luôn nghe được những lời khẩn cầu của mình. Cảm giác hình ảnh người thân dần đi lướt qua làn khói vờn nhè nhẹ… Và một nguyên tắc đã trở thành một thói quen là sáng trước khi ra khỏi nhà đều thắp một nén hương. Không biết có thấu tới thần linh tới tiên tổ hay không nhưng thấy tâm mình an hẳn”- chị tâm sự.

Chị nhà báo còn bổ sung thêm: “Nhiều người bảo đừng hoá vàng nữa vì các cụ, người thân ở cõi âm có nhận được đâu. Đúng là có nhận được hay không thì chả biết được thật. Nhưng giây phút hoá vàng thực sự nó rất nhiều cảm xúc. Nó không chỉ là những đồ mã bình thường mà chứa đựng bao thương nhớ, bao bù đắp của người sống gửi người đã khuất. Vì thường ta gửi những thứ người đã khuất hay dùng hay những thứ ta chưa kịp làm cho họ. Và giây phút ấy mình tin rằng người âm sẽ chứng giám cho lòng thành của người sống”. Nói đến đây, chị bảo tự dưng chị lại nhớ đến cảnh cả phố đốt vàng mã trong Bộ phim Đường sơn đại địa chấn của Phùng Tiểu Cương xem cách đây nhiều năm. Cảnh quay làm nghẹt thở thậm chí đau thắt ở ngực.

“Người thân có nhận được đồ chúng ta gửi không? Điều này quan trọng gì , chỉ cần người gửi tin là được.  Mà xét đến cùng thì dù rằng cái sự tin ấy có hơi mê muội còn tốt hơn là không có lòng tin. Sợ nhất là người không tin bất cứ điều gì, sợ nhất người hồ nghi tất cả”.

Câu chuyện cấm đốt vàng mã hẳn là không còn mới nữa. Công văn đề xuất hạn chế đốt vàng mã của Trung tâm Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới đây cũng không phải là văn bản đầu tiên vì từ năm 2010 đã có nhiều văn bản của ngành quản lý đã được ban hành với mục đích hạn chế đốt vàng mã. Thậm chí, trước thời điểm đó cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn, đề xuất có đề cập đến việc đốt vàng mã của người dân.  Có lẽ ở thời điểm hiện tại, vấn đề đốt vàng mã đã trở thành vấn đề nóng, đáng báo động hơn cả bởi người ta thống kê các con số đều khiến tất cả phải giật mình.

Theo ước tính sơ bộ, mỗi năm người Việt đốt khoảng 50.000 tấn vàng mã, có trị giá vào khoảng 5.000 tỷ đồng. Trong đó, những đô thị lớn như Hà Nội "đốt" mỗi năm khoảng 500 tỷ đồng.

Rồi, vào những dịp lễ hội, riêng lượng vàng mã được hóa ở đền Bà Chúa Kho hay Phủ Tây Hồ đã lên tới vài tạ, tức là có trị giá vài chục triệu đồng tiền thật. Thậm chí, như một kỷ lục được lập vào năm 2009 mà dư luận "túm" được, trong mùa rằm tháng 7, có doanh nghiệp khai thác cát đã bỏ ra khoảng 400 triệu đồng, thuê làm đủ 1000 hình nhân, ngựa giấy cùng thuyền rồng, đĩnh vàng, voi chiến... để hóa cho Hà Bá.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, Giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên trưởng khoa Văn hóa và Phát triển cho rằng số tiền mà nhiều người bỏ ra để chi cho việc đốt vàng mã lớn hơn rất nhiều so với tài chính của bản thân các gia đình. 

Ông Trung cũng cho hay: “Trước đây, đốt vàng mã chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị còn bây giờ nạn đốt vàng mã đã lan nhanh ra cả nông thôn với tốc độ nhanh chóng, chẳng thua kém gì. Thậm chí như ở làng tranh Đông Hồ ở Thuận Thành, Bắc Ninh, đã có nhiều gia đình chuyển nghề, không làm tranh nữa mà chuyển sang làm hàng mã để cung cấp cho thị trường với nhu cầu ngày càng cao. Hay như một số vùng lân cận Hà Nội cũng đã chuyển sang kinh doanh, làm hàng mã để cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ.
Nếu nhìn ở góc độ kinh tế, hàng mã cũng là một mặt hàng bán rất chạy vào mỗi dịp lễ Tết, vào ngày Rằm, mùng một hàng tháng, … Đây là một sản phẩm hàng hóa cho xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, nhiều vùng quê. Nhưng xét ở góc độ văn hóa thì lợi nhuận về vật chất không thể bù đắp được cho các vấn đề về sức khỏe, về môi trường, về tâm lý của con người”.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, việc cấm hay loại bỏ vàng mã là khó vô cùng, khó có thể thực hiện được khi tập tục này đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống tâm linh của người Việt từ rất lâu. “Chỉ có điều là cách người ta ứng xử như thế nào với tập tục này như thế nào. Bản thân đốt vàng mã là tập tục mang nhiều ý nghĩa. Theo phong tục truyền thống, mỗi gia đình đều cúng ông bà Tổ tiên, hay trong nhà có việc, vào những ngày Giỗ, ngày Lễ, ngày Tết, chúng ta không thể cấm việc họ đốt vài thẻ hương, một ít vàng lá, một vài đinh vàng nén thì làm sao chúng ta có thể cấm, vì bản thân nó đã là phong tục, là nét đẹp mang thuần phong mĩ tục của người Việt Nam từ bao đời, nhằm thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn đối với ông bà tổ tiên những người đã khuất. Chúng ta chỉ có thể cấm những người lợi dụng tục đốt vàng mã này, hóa mã với số tiền lớn gây lãng phí, những người  mang tính chất là cuồng tín, mê tín dị đoan, ảnh hưởng đến tâm linh, đến môi trường xã hội”.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, giá trị văn hóa không phải là hằng số, mà nó là sản phẩm kết tinh từ thực tiễn, do nhân thức của con người quy định. Mỗi một nghi lễ, một tập tục được cha ông để lại đều có những nguyên tắc, “luật lệ” riêng. Vì thế nếu không làm đúng theo nguyên tắc đó, không thật sự hiểu sâu sắc thì rất dễ đi chệch hướng, sẽ khiến nó trở nên phản cảm, gây nhiều tranh cãi. “Cho nên cùng một sự vật, cùng một hiện tượng nhưng nếu chúng ta làm sai lệch đi dù chỉ một chút thôi cũng gây ra hiệu ứng khác, có thể đang là một giá trị thiêng liêng rất tốt đẹp cần bảo vệ nhưng rất có thể khiến mọi người tranh cãi, yêu cầu  bãi bỏ”- PGS.TS Phạm Ngọc Trung nhấn mạnh.

Nói cách khác, ở một góc độ khác, xét về tạo hình và nghi thức sử dụng, vàng mã và đồ mã giữ một vai trò quan trọng trong nhiều di sản văn hóa phi vật thể, mà đặc biệt có thể kể ra đây 2 di sản đã được nhận danh hiệu cấp Thế giới do UNESCO công nhận là Hội Gióng và Tín ngưỡng thờ Mẫu. Ở Hội Gióng Sóc Sơn, voi chiến và "ngựa sắt" được coi là hai linh vật gắn với truyền thuyết chống giặc Ân của Thanh Gióng. Các đồ tế này được dân làng xung quanh làm bằng tay, rước lên đền. Và, tất cả những ai tới hội đều mong được khiêng các đồ tế này ra bờ sông để hóa bởi theo niềm tin của người bản địa, việc chạm vào đồ tế của Đức Thánh sẽ mang tới may mắn trong cuộc sống.

Còn trong Tín ngưỡng thờ Mẫu, một hệ thống vô cùng phong phú đồ mã luôn được sử dụng, kèm theo những triết lý riêng. Ở đó, có những đồ mã được bày thường xuyên (vài năm mới thay một lần) như nón Tứ Phủ, vàng Tứ Phủ, cây Tứ Phủ, và cũng có những đồ mã được sử dụng trong buổi lễ như dàn Mã gồm bộ mũ, thuyền rồng, voi, ngựa, bộ tranh Thập vật...

Thậm chí, trong vài năm gần đây, vào ngày 23 tháng Chạp, việc thả cá chép phóng sinh thường gặp một số phiền hà về địa điểm, mặt nước, hoặc nạn ô nhiễm khiến cá sớm chết sau khi được thả. Bởi thế, một số gia đình đã chuyển sang hình thức hóa cá chép bằng đồ mã để thay thế.

Nói như PGS.TS Phạm Ngọc Trung thì, vàng mã và đồ mã có chức năng giải tỏa những nhu cầu có thực về tâm linh. Và rõ ràng, khi gắn với khái niệm tâm linh, đó không còn là việc đúng - sai mà là câu chuyện về niềm tin từ tâm thức./.


 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Đốt vàng mã hay không là câu chuyện của ứng xử"