Đồng hành với chính quyền các cấp, không được “cua cậy càng cá cậy vây”

Ngọc Mai| 13/07/2022 13:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

“Chúng ta phải thuộc bài mới tròn vai được, đồng hành với chính quyền các cấp, không được “cua cậy càng cá cậy vây” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý nhiều lần, nhưng đồng thời cũng phải phát huy được vai trò của mình trong các vấn đề của địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ luật định, tất cả vì mục tiêu phát triển chung của địa phương”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.

dong-hanh-voi-dia-phuong-khong-pjai-cua-cay-cang-ca-cay-vay.jpeg
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội nghị

Sáng 13/7, tại thành phố Việt Trì, Hội đồng Nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ tư. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt mức cao

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đánh giá sự chuẩn bị chu đáo nội dung các báo cáo của Hội đồng Nhân dân tỉnh. Các báo cáo mang tính khách quan, phản biện cao, qua đấy cho thấy sự đổi mới, tìm tòi, cải tiến các hoạt động của Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của tỉnh, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động khó lường và tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương; sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, linh hoạt của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Phú Thọ đã đoàn kết một lòng, sớm kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, đạt được nhiều kết quả quan trọng và ấn tượng.

Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Phú Thọ đạt mức cao (năm 2021 đạt 6,28%; 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 7,8%, cao hơn mức bình quân trong cả nước). Lĩnh vực công nghiệp phục hồi và phát triển nhanh; du lịch, dịch vụ có nhiều khởi sắc.

Thu ngân sách liên tục tăng cao (năm 2021 đạt 9.029 tỷ đồng, tăng 52% so dự toán; ước 6 tháng đầu năm 2022 đạt 4.589 tỷ đồng, đạt 81,2% dự toán, tăng 38% so với cùng kỳ), hướng tới nhóm “Câu lạc bộ 10.000 tỷ đồng” trong thu ngân sách.

Giải ngân đầu tư công đạt kết quả tích cực, năm 2021 đạt 87,6%, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 52% kế hoạch-là địa phương có tỷ lệ giải ngân trong nhóm 20/63 các tỉnh, thành cao nhất cả nước…

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm phát triển toàn diện.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phòng, chống dịch có nhiều tiến bộ; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và cơ bản giữ được sự ổn định của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đây là kết quả rất đáng mừng.

Các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao được chú trọng và tổ chức tốt, đã đăng cai, tổ chức thành công các trận đấu bóng đá nam tại SEA Games 31, để lại hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước.

Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo; xây dựng nông thôn mới đạt thành tích ấn tượng (mô hình khu dân cư nông thôn mới, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu); giảm nghèo đạt kết quả rất tích cực (tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 còn 2,5% theo chuẩn giai đoạn 2016-2020, còn 5,27% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025).

Đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá trong thành công chung của tỉnh có sự đóng góp quan trọng của Hội đồng Nhân dân, các vị đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp tỉnh Phú Thọ.

Tập trung 7 nội dung

Để phát huy những thế mạnh, tiềm năng phát triển của tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội gợi mở tỉnh cần tập trung thực hiện tốt 7 nội dung trọng tâm gồm:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các Chương trình hành động triển khai, thực hiện các Nghị quyết. Các chính sách được ban hành cần chú trọng các nhóm giải pháp ngoài phát huy lợi thế so sánh, mang tính đặc trưng riêng của một tỉnh trung du miền núi thì phải hướng tới tính liên kết vùng; hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư trong và ngoài nước; hoàn thiện kết cấu hạ tầng; quan tâm phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, chú trọng phát triển công nghiệp sạch, góp phần vừa phát triển bền vững, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa riêng có của quê hương Đất Tổ HùngVương.

Thứ hai, HĐND các cấp tỉnh Phú Thọ cần chủ động nghiên cứu, đề xuất những quyết sách để sớm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn, đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10.2.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các Nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình mục tiêu quốc gia; sớm ban hành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 nhằm xác định tầm nhìn, không gian phát triển kinh tế - xã hội rộng lớn không chỉ có ý nghĩa trong tỉnh, trong vùng, mà còn đóng góp cho cả nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân ở địa phương.

“Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi các Nghị quyết của HĐND phải có tính chủ động, được chuẩn bị bài bản, từ sớm, từ xa, có tính khả thi cao, sát thực tiễn, mang tính dẫn dắt và tính dự báo chính xác. Mục tiêu chính sách phải được lượng hóa, các giải pháp và công cụ chính sách phát triển kinh tế - xã hội phải rất cụ thể, rõ ràng, dễ triển khai thực hiện và dễ giám sát, kiểm tra, bám sát thực tiễn cuộc sống. Chúng ta đã có đúc kết rất quan trọng, muốn đưa nghị quyết, luật pháp vào cuộc sống thì trước hết bản thân cuộc sống phải được phản ánh rất đầy đủ trong luật, nghị quyết. Nếu làm luật, nghị quyết mà chỉ ngồi ở Trung ương, ở tỉnh ủy, HĐND, UBND, không sát với thực tiễn cuộc sống thì rất khó thực hiện. Các vấn đề quốc kế dân sinh phải bám sát thực tiễn, cũng không nên câu nệ, khi nào cần thiết thì chúng ta phải xem xét, hành động, ban hành”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thứ ba, tăng cường bảo tồn, giáo dục, truyền thụ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để “văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn động lực nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh” như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11.2021.

Thứ tư, cùng với Quốc hội, HĐND là thiết chế quan trọng của bộ máy nhà nước nhằm hiện thực hóa thể chế dân chủ và bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân mà Đảng ta đã kiên trì lựa chọn trong suốt gần một thế kỷ qua. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, cử tri và Nhân dân trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. HĐND các cấp cũng cần chủ động, tích cực, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng phát huy dân chủ, ngày càng công khai, minh bạch, gần dân hơn, tăng cường tính pháp quyền, ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả. Tiếp tục rà soát, kiến nghị với cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND sao cho hoạt động của HĐND phải thể hiện rõ phương châm “ý Đảng hợp với lòng dân” và là nơi kiểm chứng việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương.

“Chúng ta phải thuộc bài mới tròn vai được, đồng hành với chính quyền các cấp, không được “cua cậy càng cá cậy vây” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý nhiều lần, nhưng đồng thời cũng phải phát huy được vai trò của mình trong các vấn đề của địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ luật định, tất cả vì mục tiêu phát triển chung của địa phương”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Thứ năm, cần phát huy vai trò của Đảng đoàn HĐND trong việc chủ động xây dựng kế hoạch và đề xuất với cấp ủy cho ý kiến về định hướng chương trình hoạt động của HĐND cho cả nhiệm kỳ 2021-2026, nhất là chương trình ban hành nghị quyết của HĐND nhằm tạo sự chủ động “từ sớm, từ xa” thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đảm bảo hệ thống pháp luật đầy đủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, giải quyết tốt các vấn đề cần thiết, cấp bách và đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo nhân dân, yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống.

Thứ sáu, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát; kịp thời ban hành các nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống dịch Covid - 19.

HĐND các cấp cần phát huy hiệu quả công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội; huy động sự tham gia đông đảo, có hiệu quả của các chuyên gia, các nhà khoa học trong các hoạt động của HĐND tỉnh; phát huy vai trò, trách nhiệm của từng đại biểu HĐND trước cử tri và Nhân dân. Đồng thời, chủ động hơn nữa trong công tác phối hợp với UBND và các cơ quan liên quan chuẩn bị từ sớm, từ xa nội dung, chương trình kỳ họp, không đưa vào chương trình kỳ họp những nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Khắc phục tính hình thức, nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri. Thực hiện các biện pháp đồng bộ, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, cơ quan báo chí, cùng Nhân dân trong việc xem xét, giải quyết triệt để các kiến nghị chính đáng của cử tri và các kết luận sau giám sát.

Phối hợp, tham gia có hiệu quả vào chương trình giám sát của Quốc hội; tham gia tích cực vào chương trình xây dựng luật, các dự án luật trình Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn đối với hoạt động của HDND các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp.

Thứ bảy, công tác cán bộ luôn được Đảng ta nhấn mạnh có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng, là “khâu then chốt của then chốt”, là “cái gốc của mọi công việc”. Do vậy, Thường trực HĐND tỉnh cần bám sát chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sớm xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch đại biểu HĐND, nhất là đại biểu HĐND chuyên trách cho nhiệm kỳ 2026-2031 theo đúng quy định và hướng dẫn của Đảng; triển khai rà soát, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng và đảm bảo số lượng cán bộ cho các khóa tiếp theo. Không chỉ quy hoạch đại biểu HĐND tỉnh mà cần quan tâm quy hoạch cả đại biểu Quốc hội cho tỉnh, cho các cơ quan của Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành với chính quyền các cấp, không được “cua cậy càng cá cậy vây”