Như Báo Công lý đã đưa tin, ngày 16/10, tại TP. Vũng Tàu, TANDTC đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS).
Đến dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, Trưởng Ban soạn thảo; ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án TANDTC, Phó trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo; bà Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; lãnh đạo 26 TAND, các cơ quan tư pháp, luật sư các tỉnh phía Nam.
Trong số này, Báo Công lý lược ghi một số ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị.
Quy định rõ thế nào là “quyết định cá biệt”
Theo Thẩm phán Bùi Văn Trí, Phó Chánh tòa Tòa Dân sự TAND TP. Hồ Chí Minh, Điều 32a BLTTDS quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, để xác định thế nào là “rõ ràng trái luật” là một điều không đơn giản. Vì vậy, nên quy định hẳn trong điều luật là khi có yêu cầu hủy quyết định cá biệt thì phải đưa cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức ban hành quyết định đó vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong quá trình giải quyết, tùy đánh giá khác nhau mà các cấp Tòa án hủy hay không hủy quyết định cá biệt.
Cùng quan điểm này, Thẩm phán Đặng Văn Hùng, Phó Chánh án TAND TP. Cần Thơ cho biết: Trong quá trình vận dụng thực tế thì có sự nhận thức khác nhau về “quyết định cá biệt”, dẫn đến việc vận dụng chưa thống nhất và ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án. Chẳng hạn như hiện nay, đối với yêu cầu hủy “Giấy chứng nhận QSD đất”, có quan điểm cho rằng, giấy chứng nhận QSD đất là một quyết định cá biệt của cơ quan có thẩm quyền, nên phải áp dụng Điều 32a để giải quyết; quan điểm khác thì cho rằng, giấy chứng nhận QSD đất không phải là một quyết định cá biệt. Trong BLTTDS sửa đổi nên quy định rõ, giấy chứng nhận QSD đất không phải là quyết định cá biệt theo Điều 32a, bởi về bản chất, trình tự, thủ tục thì giấy chứng nhận QSD đất không mang nội hàm là một quyết định cá biệt về hình thức cũng như nội dung theo quy định tại Điều 28 Luật Tố tụng hành chính và được hướng dẫn tại Điều 1 của Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Cần có chế tài đối với nghĩa vụ cung cấp chứng cứ
Thẩm phán Trần Thị Ngọc, Chánh tòa Tòa Dân sự TAND tỉnh Đồng Nai chia sẻ: Theo Điều 85 BLTTDS quy định về thu thập chứng cứ thì trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức... cung cấp tài liệu, chứng cứ. Nhưng trong thực tế giải quyết các vụ án (nhất là những vụ án liên quan đến thừa kế, đất đai... mà cần xác minh nguồn gốc tài sản, việc cấp giấy chứng nhận QSD đất...), khi Thẩm phán ban hành quyết định thu thập chứng cứ thì không được cung cấp hoặc cung cấp không đúng thời hạn (nhiều lần có văn bản nhắc nhở) dẫn đến án quá hạn, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Đề nghị các cơ quan Trung ương cần ban hành thông tư hoặc quy chế phối hợp, để quy định này được thi hành nghiêm túc trong thực tế.
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết thực tiễn thi hành BLTTDS
Đối với trách nhiệm cung cấp chứng cứ, theo Thẩm phán Nguyễn Anh, Phó Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa, khoản 4 Điều 79 BLTTDS quy định rõ nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của các đương sự. Nhưng thực tiễn áp dụng cho thấy, một số đương sự, nhất là bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan luôn tìm cách kéo dài thời gian giải quyết vụ án để có lợi cho họ như: Từ chối giao nộp chứng cứ, giao nộp chứng cứ nhỏ giọt; thậm chí, có trường hợp giấu chứng cứ để chờ kháng cáo phúc thẩm hoặc sau khi bản án có hiệu lực pháp luật mới khiếu nại và giao nộp chứng cứ. Trong khi đó, BLTTDS không có thời hạn cuối cùng để đương sự giao nộp chứng cứ, do vậy không có căn cứ để Tòa án buộc đương sự phải thực hiện nghĩa vụ của họ, điều này dẫn đến thời gian giải quyết vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín của Tòa án, tốn kém tiền bạc của Nhà nước và gây bức xúc trong xã hội.
Bổ sung nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa
Về tranh tụng tại phiên tòa, Thẩm phán Lại Văn Trình, Chánh án TAND quận 10, TP. Hồ Chí Minh cho biết: BLTTDS hiện nay chưa chính thức quy định tranh tụng là nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự. Tuy nhiên, phần nội dung của nguyên tắc này đã được thể hiện trong BLTTDS khi được sửa đổi, bổ sung năm 2011 qua việc quy định bổ sung Điều 23a về nguyên tắc “bảo đảm quyền tranh luận trong tố tụng dân sự”. Để đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng thực sự bình đẳng với nhau, các bên phải có địa vị pháp lý bình đẳng: bình đẳng về các quyền tố tụng và bình đẳng về các nghĩa vụ tố tụng. Vì vậy cần thay thế Điều 23a, bổ sung vào Chương II BLTTDS điều luật quy định nguyên tắc tranh tụng thể hiện các nội dung cơ bản như: Xác định rõ chủ thể tranh tụng trong tố tụng dân sự gồm đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; bảo đảm cho tất cả các bên tranh tụng các quyền, nghĩa vụ bình đẳng và quy định thủ tục tố tụng, thủ tục phiên toà hợp lý để các bên chứng minh, thực hiện quyền tranh tụng trong quá trình tố tụng, nhất là trong xét xử; bản án, quyết định của Toà án được đưa ra trên cơ sở xem xét các tài liệu, chứng cứ được xác định và ý kiến của các bên tranh luận tại phiên toà…
Bà Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương: Đảm bảo nguyên tắc việc chứng minh là của các đương sự, nhưng tạo điều kiện tối đa để người dân chứng minh sự thật; thể chế hóa việc công nhận kết quả hòa giải thành. BLTTDS sửa đổi nên có quy định cơ quan hòa giải ở cơ sở (xã, phường, mặt trận, đoàn thể) song chuyển cho Tòa án ra quyết định công nhận để tránh tình trạng kéo dài vụ việc, thẩm chí hết thời hiệu khởi kiện. |