Đơn giản hóa 2.862 thủ tục hành chính: Cải cách thiết thực và mạnh mẽ

congly.com.vn| 13/04/2012 10:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 15-3-2012, trong số 4.751 thủ tục hành chính (TTHC) đã được Chính phủ thông qua phương án đơn giản hóa, các Bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa 2.862 TTHC và đang trình cấp có thẩm quyền văn bản để đơn giản hóa 623 TTHC.

Cùng với việc khẩn trương thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC đã được Chính phủ thông qua, tổng hợp tình hình thực hiện công tác cải cách TTHC tại các Bộ, ngành, địa phương quý I-2012 cho thấy, các Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng các quy định TTHC được ban hành mới.


Trong quý I-2012, các Bộ, ngành, địa phương đã tiến hành đánh giá tác động và hệ thống các đơn vị kiểm soát TTHC trực thuộc đã tham gia ý kiến đối với 351 TTHC được quy định trong 110 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật…

Nơi tiếp nhận thủ tục hành chính một cửa ở Sở Ngoại vụ Hải Phòng Ảnh: TL


Các ý kiến tham gia đã hỗ trợ các cơ quan chủ trì soạn thảo kịp thời phát hiện, chỉnh sửa nhiều bất cập về TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; góp phần từng bước nâng cao chất lượng các quy định về TTHC; đảm bảo chỉ duy trì và ban hành những TTHC thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp.


Đưa 7.459 TTHC lên internet


Cũng chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2012, các Bộ, ngành đã công bố 168 TTHC, các địa phương công bố 3.692 TTHC thuộc phạm vi giải quyết, bao gồm các TTHC mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ.


Văn phòng Chính phủ đã kiểm soát chất lượng và cập nhật 7.459 TTHC vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và công khai trên mạng internet (địa chỉ: csdl.thutuchanhchinh.vn).


Việc công bố, công khai và cập nhật kịp thời các TTHC Bộ, ngành, địa phương mới ban hành hoặc được sửa đổi đã tạo thuận lợi cho cán bộ, công chức và cá nhân, tổ chức tiếp nhận và giải quyết TTHC được nhanh chóng, kịp thời và đúng quy định. Qua đó phục vụ người dân, doanh nghiệp tìm hiểu quy định về TTHC, tải mẫu đơn, mẫu tờ khai để sử dụng cũng như giám sát việc tuân thủ quy định của các cán bộ, công chức, cơ quan hành chính nhà nước.


Thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực triển khai áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, hệ thống quản lý chất lượng ISO và ứng dụng công nghệ thông tin..., đồng thời tiến hành niêm yết công khai các TTHC thuộc phạm vi giải quyết và tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức.


Nhiều địa phương đã triển khai thí điểm việc đánh giá chất lượng phục vụ ngay tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC, hẹn lịch tiếp nhận, giải quyết TTHC qua tin nhắn điện thoại... Những việc làm trên của các cơ quan hành chính nhà nước đã nhận được sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức đến thực hiện TTHC.


Rà soát 24 nhóm thủ tục


TS. Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) trước đây ít ngày, trả lời báo chí cho biết, năm nay Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện rà soát 24 nhóm TTHC trọng tâm, lựa chọn trên cơ sở tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người dân về những vướng mắc trong quá trình thực hiện, cũng như qua tham vấn các thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC. Đây đều là những thủ tục liên quan mật thiết đến các vấn đề kinh tế - xã hội, đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp.


Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ các quy định và TTHC của 24 nhóm nói trên. Điểm mới của năm nay là, sẽ xem xét một cách hệ thống, tổng thể để rà soát cắt giảm.


Với 24 nhóm TTHC đã được lựa chọn trong năm nay, sẽ sắp xếp toàn bộ các nhóm thủ tục có liên quan để rà soát, tiếp cận trên cơ sở sơ đồ hóa các thủ tục theo chuỗi tổng thể, từ đó xem xét tính logic, tính hợp lý của các quy định. Kế đó, xem xét tính hợp lý, sự cần thiết, hiệu quả của từng thủ tục đơn lẻ. Nhờ đó, việc cải cách sẽ thiết thực và mạnh mẽ hơn.


Về tình trạng thủ tục sau cắt giảm lại tiếp tục nảy sinh, TS. Ngô Hải Phan cho biết, thời gian tới sẽ giám sát chặt chẽ hơn, giảm tối đa việc nảy sinh các TTHC mới gây khó cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 63/2010/NĐ-CP, trong đó đề cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các ban soạn thảo phải đánh giá tác động theo các nhóm tiêu chí hợp pháp, hợp lý và hiệu quả đối với các TTHC mới được ban hành, để kịp thời loại bỏ ngay từ khâu dự thảo các thủ tục không phù hợp, gây khó doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát các quy định, mà sẽ đẩy mạnh kiểm soát cả ở khâu tổ chức thực hiện.


Mới đây, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Văn phòng Chính phủ cùng với 24 Bộ, ngành trong năm 2012 phải đảm bảo công khai, minh bạch đầy đủ các quy định về TTHC tại 4 cấp chính quyền, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện và giám sát thực hiện. Đồng thời hàng quý, các Bộ, ngành, địa phương phải báo cáo Thủ tướng về kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức ở 4 cấp chính quyền. Trong đó, phải nêu rõ tổng số hồ sơ đã được tiếp nhận, đã cắt giảm được bao nhiêu, còn tồn đọng bao nhiêu thủ tục, lý do tồn đọng, cũng như hướng khắc phục. Đây chính là việc chúng ta đề cao kỷ cương, kỷ luật hành chính trong tổ chức công quyền.


Một điểm mới nữa trong năm nay là, các cơ quan chủ trì việc cắt giảm TTHC (Bộ, ngành, địa phương), cũng như các cơ quan phối hợp có trách nhiệm ngang nhau. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để có biện pháp xử lý những đơn vị không thực hiện tốt chỉ tiêu cắt giảm. Đặc biệt, Văn phòng Chính phủ sẽ trả lại những kết quả rà soát mà các Bộ, ngành, địa phương làm theo kiểu hình thức, chất lượng kém và không đạt chỉ tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ các TTHC.

Văn Bảo

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đơn giản hóa 2.862 thủ tục hành chính: Cải cách thiết thực và mạnh mẽ