Đối thoại với DN FDI về chính sách bảo hiểm

PV| 17/12/2016 10:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực trạng thực hiện chính sách bảo hiểm trong các DN FDI cũng như phản hồi của các DN đã được trao đổi thẳng thắn tại Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giữa BHXH Việt Nam với DN FDI tại VN.

Đối thoại với DN FDI về chính sách bảo hiểm

Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giữa BHXH Việt Nam với các DN FDI. Ảnh: Baohiemxahoi

Ngày 16/12/2016, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp giữa BHXH Việt Nam với các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, sau gần 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư, đến nay cộng đồng DN có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam với những đóng góp to lớn.

Để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như DN, đồng thời thực hiện công cuộc cải cách thủ tục hành chính, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho DN, trong những năm qua chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Việt Nam đã có những bước hoàn thiện căn bản được thể hiện trong những nội dung mới của Luật BHXH sửa đổi năm 2014, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật Vệ sinh an toàn lao động. Trong đó, công cuộc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành.

Về thực trạng thực hiện chính sách bảo hiểm trong các DN FDI, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến 30/9/2016 có 15.679 DN FDI tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tăng 776 DN (5,2%) so với năm 2015, chiếm 7,6% tổng số DN tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; Tổng số lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khối DN FDI là 3.631.705 người, tăng 153.043 người (4,4%) so với năm 2015.

Dự kiến đến 31/12/2016 là 3.732.235 người, tăng 253.273 người (7,3%) so với năm 2015; Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khối DN FDI là 51.770 tỷ đồng chiếm 49,4% tổng số thu của khối DN. Dự kiến đến 31/12/2016 tổng số là 69.027 tỷ đồng, tăng 11.713 tỷ đồng (20,4%) so với năm 2015. Riêng tổng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp khối DN FDI là 2.098 tỷ đồng, chiếm 3,9% tổng số phải thu của khối DN FDI.

Theo đánh giá chung, các DN FDI cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật và của BHXH Việt Nam về lập thủ tục hồ sơ hưởng BHXH. Do đặc thù, lực lượng lao động của các doanh nghiệp chủ yếu là lao động trẻ nên các chế độ BHXH hưởng chủ yếu là chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

Phản hồi về các chính sách của Luật BHXH mới bổ sung sửa đổi (chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2016), đại diện một số DN FDI cho rằng, hiện nay chính sách, thủ tục thu nộp và chi trả, giải quyết chế độ cho người lao động của ngành BHXH đã có bước thay đổi rõ rệt, tạo sự hài lòng hơn cho doanh nghiệp và người lao động so với trước đây. Một kết quả khảo sát của VCCI cho biết, 70,8% doanh nghiệp FDI khẳng định không còn gặp vướng mắc, khó khăn khi thực hiện các trình tự, thủ tục về BHXH. Tuy nhiên vẫn có khoảng 28,8% doanh nghiệp cho rằng chưa hài lòng khi thực hiện các thủ tục liên quan BHXH, tương tự là 35,1% đối với bảo hiểm y tế và 43,8% đối với bảo hiểm thất nghiệp.

Trước phản ánh của DN FDI, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hoá các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; niêm yết công khai, thông tin, hướng dẫn cho doanh nghiệp những thay đổi về thủ tục hành chính rõ ràng, cụ thể, kịp thời và thường xuyên; thiết lập hệ thống tư vấn, giải đáp, chăm sóc khách hàng nhằm tiếp nhận, xử lý thông tin, tư vấn, giải đáp, hỗ trợ các yêu cầu của cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam sẽ triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; ban hành Quy trình nghiệp vụ về giao dịch điện tử của tất cả các lĩnh vực thu, sổ thẻ, giải quyết và chi trả  các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng mềm về giao tiếp ứng xử cũng như nâng cao chuyên môn nghiệp vụ đối với viên chức trực tiếp làm việc tại bộ phận "một cửa"...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối thoại với DN FDI về chính sách bảo hiểm