Độc đáo trò Chèo chải ở xứ Thanh

Thanh Phương| 22/03/2017 18:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chèo chải là một diễn xướng dân gian của xứ Thanh có xuất xứ từ tín ngưỡng thờ thần - những người có công bảo vệ quê hương đất nước phù hộ cho dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Độc đáo trò Chèo chải ở xứ Thanh

Trò Chèo chải ở Hoằng Qùy

Chèo chải phổ biến ở xã Hoằng Quỳ, được diễn xướng trong lễ hội đền Thánh Tến của xã. Để phục vụ cho đại lễ (tổ chức vào tháng hai âm lịch) bốn làng: Ích Hạ Trọng Hậu Phúc Tiên (xã Hoằng Quỳ) và Đức Giáo (xã Hoằng Hợp) cùng đưa Chèo chải đến thi hát tại lễ hội đền Thánh Tến để xưng tụng Lê Phụng Hiểu - một nhân vật lịch sử đã có công bảo vệ và xây dựng triều Lý mở đầu cho một thời đại hưng thịnh của đất nước.

Đội Chèo chải gồm mười hai thanh nữ (có nơi 24, 16 hoặc 8 người...) gọi là "nữ nhạc" (có nơi gọi là "nữ quan" hoặc "con chải") được tuyển lựa rất chặt chẽ: Xinh đẹp, có giọng hát hay, tuổi từ mười ba đến mười lăm, chưa chồng, khỏe mạnh, gia đình trong năm không có tang cớ. Ngoài ra, còn có một quản giáp (chỉ huy), hai nam nhạc cầm sênh trống (có nơi là nữ). Dàn nhạc gồm trống sênh (sau này còn có thêm nhị sáo và một số nhạc cụ gẩy khác).

Nữ nhạc áo lụa không đồng màu, quần trắng, thắt lưng xanh đỏ bỏ múi ra đằng sau. Trên đầu đội mũ "hột bột" (giống mũ công chúa trong tuồng) có cài trâm thoa. Chân đi giày hạt cườm có thêu chim phụng. Nam nhạc quần áo đen thắt lưng đỏ bỏ múi bên hông.

Đạo cụ là một con "thuyền rồng" sơn son thiếp vàng, trên thuyền có mui hồng, thân thuyền có vẽ (hoặc dán bằng giấy ngũ sắc, giấy trang kim) hình long ly quy phượng rực rỡ. Thuyền làm bằng gỗ không đáy có bánh xe để di chuyển thuận tiện hai bên mạn thuyền có 12 mái chèo sơn đỏ (tuỳ thuộc vào số lượng người diễn mà số mái chèo có thể hơn hoặc kém) và quạt giấy màu có dán hoa ngũ sắc.

Người quản giáp đứng ở đầu thuyền điều hành diễn xướng. Một nhạc công cầm trống đứng ở đầu hàng và một người cầm sênh đứng ở cuối hàng để "cầm chịch" cho hát (nếu có nhạc công khác thì ngồi ở bên ngoài "đệm tòng" phụ họa theo).

Theo lời các cụ cao niên, vào dịp Lễ hội đầu năm, người dân 4 làng Phúc Tiên, Trọng Hậu, Ích Hạ, Đức Giáo thường tập trung trước đền Tến nơi thờ Đại tướng quân Lê Phụng Hiểu để đua thuyền cạn. Về sau, ông Hoàng Giáp Trịnh Thuần là người làng Ích Hạ đã viết lời hát trong các cuộc đua, nâng cuộc đua thuyền thành trò diễn dân gian có tên là Chèo chải.

Thông qua Chèo chải, người nông dân thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn với những người có công trong lịch sử, cầu mong mưa thuận gió hòa, khát vọng về một cuộc sống thanh bình, no ấm. Những năm chiến tranh, trò diễn xướng dân gian này cũng phải chịu số phận long đong, chìm nổi, có lúc tưởng chừng như không giữ được nữa. Mãi cho đến năm 1997-1998, mới được khôi phục và phát triển. Giờ đây, Phúc Tiên, Trọng Hậu, Ích Hạ, Đức Giáo- làng nào cũng có đội hát, sắm sửa đầy đủ trang phục, dụng cụ để biểu diễn trong các dịp hội làng.

Việc truyền dạy Chèo chải cho thế hệ sau đa phần là các cụ cao niên. Họ đến với nghệ thuật truyền thống bằng  tình yêu đối với  những giá trị văn hóa dân gian mà cha ông để lại. Cống hiến của họ đã và đang nhen lên ngọn lửa đam mê cho thế hệ trẻ là những nhân tố có ý nghĩa then chốt trong việc bảo tồn trò diễn xướng độc nhất, vô nhị này. Vượt qua mọi biến cố của thời gian, trò diễn xướng dân gian đến nay gần như đã được khôi phục hoàn toàn. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo trò Chèo chải ở xứ Thanh