Không cần phải đi đâu xa, ngay trong lòng đất xứ Thanh, du khách cũng được thưởng thức hoa tam giác mạch trắng hồng đang bung nở, khoe sắc giữa núi rừng.
Ngày nay, trước sự phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ, các phương tiện giải trí cầm tay, sự đô thị hóa khiến con người luôn căng thẳng, mệt mỏi. Mỗi khi có cơ hội được xả hơi, họ muốn tìm về với thiên nhiên, hoa cỏ… đó là thời điểm vàng cho du lịch cộng đồng lên ngôi.
Muốn tạo được dấu ấn thì phải có gì đó đặc biệt và hoa tam giác mạch, đặc trưng của vùng đất Hà Giang khoe sắc tại vùng núi xứ Thanh là trải nghiệm không bao giờ quên.
Hoa tam giác mạch có vòng đời khá ngắn, khoảng tầm một tháng. Khi chớm nở, hoa có màu trắng tinh khôi, dần sẽ chuyển hồng phớt rồi nở rực với sắc tím, cuối cùng, khi hoa chuyển màu đỏ sẫm là báo hiệu sắp tàn.
Hoa tam giác mạch được trồng, phát triển tốt tại Thanh Hóa
Nằm cách trung tâm thị trấn huyện Như Xuân khoảng 38 km, xã Thanh Quân được cấp phép cùng nhà đầu tư triển khai xây dựng thí điểm khu du lịch văn hóa cộng đồng và trồng hoa tam giác mạch thành công với quy mô gần 4 héc ta. Đến nay chỉ sau gần 1 năm, các bản làng đơn sơ của đồng bào người Thái nằm gọn trong không gian văn hóa thung lũng và trở thành điểm đến hấp dẫn với những ai ưa cái lạ, cái tươi mới.
Tam giác mạch thường nở rộ vào khoảng tháng 10 đến tháng 11 hằng năm nên vào thời điểm này, mỗi ngày có hàng trăm du khách đổ về ngắm sắc hồng của loài hoa tam giác mạch nhỏ bé, loài hoa mà khi nhắc đến hầu hết du khách đều nghĩ phải đặt chân lên vùng đất cao nguyên đá Hà Giang mới được chiêm ngưỡng.
Những bông hoa nhỏ xinh làm say lòng nhiều người
Với vị trí được bao quanh giữa các dãy núi, du khách sẽ có cảm giác như đang đứng giữa những cách đồng hoa tam giác mạch của vùng Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng.... Tham quan du lịch cộng đồng tại xã Thanh Quân, du khách còn có cơ hội khám phá rừng nguyên sinh, các thác nước, phong tục tập quán của đồng bào người Thái. Cùng với nhiều trải nghiệm thú vị như nhảy sạp, khua luống, đốt lửa trại, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thưởng thức các món ăn, đặc sản ở địa phương.
Đặc biệt, tại khu vực này còn có Đền Chín gian, công trình tâm linh này được UBND huyện khánh thành và đưa vào hoạt động từ tháng 9/2017, góp phần tạo nên không gian văn hóa đặc sắc mà du khách không thể bỏ qua khi tới đây.
Cũng mê mẩn trước vẻ đẹp kiêu sa của hoa tam giác mạch, chị Đặng Thị Thanh Huệ đã quyết tâm đưa về trồng tại trang trại Thanh Ninh Farm, thị xã Bỉm Sơn. Đường đến trang trại nằm trên Quốc lộ 45 hướng đi đến Vườn Quốc gia Cúc Phương, du khách chỉ cần tới hầm chui Bỉm Sơn nối Tam Điệp sẽ có biển chỉ dẫn tới trang trại Thanh Ninh.
Với diện tích trang trại gần 2ha, chị Huệ đã dành phần lớn diện tích để tạo nên một thung lũng hoa tam giác mạch đủ khiến du khách mê mẩn, chìm đắm loài hoa nhỏ bé đủ màu sắc.
Cách làm du lịch độc đáo, gần gũi với thiên nhiên
Cầm trên tay tấm bằng thạc sỹ, bôn ba khắp nơi, sau nhiều năm ấp ủ ý tưởng mở một khu sinh thái, kết hợp trang trại trên quê hương mình, năm 2017 chị bắt tay xây dựng trang trại giữa núi rừng bao la, không khí trong lành. Khởi đầu là các loài hoa cúc, ly, hướng dương, đồng thời chị đã đem giống hoa tam giác mạch về quê hương trồng thử nghiệm. Một phần để thỏa mãn niềm đam mê, yêu thích loài hoa nhỏ bé, mong manh và một phần để du khách xứ Thanh không phải lặn lội lên tận Hà Giang mới được ngắm hoa.
Nghĩ là làm, chị mạnh dạn nhờ những người bạn, đồng nghiệp quê hương Hà Giang (có thời gian chị công tác tại đây) đem giống hoa tam giác mạch về Thanh Hóa. Sau 45 ngày được gieo hạt, chăm sóc cẩn thận, vườn hoa tam giác mạch đã bung nở với đủ màu sắc trắng, hồng, tím, trở thành điểm nhấn cho trang trại. Với vị trí được bao quanh giữa các dãy núi, Thanh Ninh Farm còn khiến du khách có cảm giác như đang đứng giữa những cách đồng hoa tam giác mạch của vùng địa đầu tổ quốc khiến khung cảnh nơi đây trở nên thi vị hơn bao giờ hết.
Để trong khuôn viên luôn ngập tràn sắc hoa, đáp ứng nhu cầu cho khách tham quan, hiện nay, chị Huệ tiếp tục gieo trồng và nhân rộng gối vụ để khi lứa hoa đầu tàn, sẽ có lứa mới chớm nở… Mặc dù mới là những lứa hoa đầu tiên, nhưng gần đây, du khách trong và ngoài tỉnh đã biết và tìm đến trang trại ngắm hoa tam giác mạch, chụp ảnh và nghỉ ngơi sau những ngày làm việc căng thẳng.
Thời gian tới, chị Huệ sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trồng hoa tam giác mạch, tham khảo thêm các kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc để gieo trồng được những lứa hoa đẹp hơn. Ngoài ra, chị sẽ tiếp tục lên kế hoạch để mở thêm một số dịch vụ mới, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách, qua đó góp phần quảng bá và phát triển du lịch tại địa phương. Những nụ hoa bé nhỏ, yểu điệu mong manh giữa thung lũng bỗng trở thành thứ màu sắc tô điểm cho núi rừng thêm hương sắc, lãng mạn.
Không chỉ có hoa tam giác mạch, Thanh Ninh Farm còn trồng nhiều loại hoa khác như hướng dương, cúc, cát tường... Giá vé vào cửa chỉ 20.000 đồng/ người/ lượt và giá thuê trang phục cũng đồng giá 20.000 đồng/ người/ lượt. Du khách cũng có thể đặt đồ ăn dã ngoại từ gà đồi, lợn cỏ, nấm được nuôi, trồng ngay tại trang trại để chuyến đi thêm trọn vẹn. Chị Huệ đang tính thử nghiệm nuôi ong lấy mật, nấu rượu từ hạt tam giác mạch.
Với cách làm hay, độc đáo vừa thỏa mãn đam mê vừa có thu nhập cao, gần gũi với thiên nhiên, những mô hình du lịch này ngày càng được nhân rộng.