Sáng nay (23/6), tại Hà Nội, chương trình “Doanh nghiệp Việt: Kết nối và hội nhập trong kỷ nguyên FTA thế hệ mới” đã chính thức khai mạc.
Chương trình do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tổ chức nhằm mục tiêu thực hiện đúng lộ trình chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo quyết định số 40/QĐ-TTg ký ngày 01/01/2016.
Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt: Kết nối và hội nhập trong kỷ nguyên FTA thế hệ mới” diễn ra sáng 23/6
Điểm nhấn quan trọng của Chương trình là diễn đàn: “Doanh nghiệp Việt: Kết nối và hội nhập trong kỷ nguyên FTA thế hệ mới”. Tại đây, các diễn giả đến từ Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã tập trung giới thiệu tổng quan chung về các hiệp định kinh tế FTA, TTP và AEC ở Việt Nam; Phương hướng, chiến lược hơp tác kinh tế, thương mại, thuận lợi, khó khăn của Việt Nam khi tham gia các hiệp định FTA, TTP và AEC.
Xu thế nổi bật của nền kinh tế thế giới hiện nay là toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại. Việt Nam cũng đang hòa nhập vào xu thế này với phương châm “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại”.
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 170 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đã ký kết trên 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần...
Trong tiến trình hội nhập, điểm nhấn quan trọng của Việt Nam chính là việc trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào ngày 11/01/2007.
Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do đã đưa Việt Nam hội nhâp sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Cùng với 8 FTA truyền thống, Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc (VKFTA); với Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) cũng như tham gia vào AEC. Đặc biệt là Việt Nam kết thúc đàm phán FTA thế hệ mới với Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP).
Theo VCCI, các FTA thế hệ mới có phạm vi rộng hơn, nội dung đều vượt ra ngoài cam kết về thương mại, dịch vụ và một phần đầu tư, đề cập đến nhiều thể chế pháp lý... Tham gia FTA, DN Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường thông qua các biện pháp cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ rào cản thương mại, có cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn. Các DN Việt có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng của khu vực toàn cầu. Theo đó, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các đối tác sẽ tăng cao khi tham gia FTA.