Doanh nghiệp vẫn gặp khó khi lưu thông hàng hóa

Tuấn Phong| 11/08/2021 22:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi Hà Nội và nhiều địa phương khác siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, dù đã được tạo “luồng xanh” nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong lưu thông hàng hóa, nhất là các doanh nghiệp cung ứng, xuất khẩu thực phẩm thịt.

Vì vậy, nhiều ngành hàng, doanh nghiệp kiến nghị cần sớm tháo gỡ khó khăn trong lưu thông tại buổi làm việc trực tuyến giữa Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn với các doanh nghiệp cung ứng, xuất khẩu thực phẩm thịt, chiều 10-8.

Theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quảng trị Tập đoàn Dabaco, trong giai đoạn hiện nay cần phải tháo gỡ việc lưu thông hàng hóa giữa nhà sản xuất đến các điểm tiêu thụ, đặc biệt là đến thành phố Hà Nội. Cơ quan chức năng cần căn cứ vào quy mô sản xuất của từng đơn vị để cấp thẻ “luồng xanh” phù hợp. Các quy định cần được thống nhất trên toàn quốc để các doanh nghiệp dễ thực hiện. Doanh nghiệp chúng tôi làm theo chuỗi, phòng dịch rất nghiêm ngặt nên không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, chỉ lo vấn đề vận chuyển.

Đề cập đến việc lưu thông hàng hóa, bà Phạm Hồng Mai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Thiên Vương cho biết, một số chốt kiểm soát dịch hoạt động quá cứng nhắc, chưa tạo điều kiện hỗ trợ cho các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng đông lạnh lưu thông nhanh chóng.

Theo bà Mai do chưa có sự nhất quán quan điểm thực thi giữa các ban, ngành với các điểm chốt kiểm soát dịch dẫn đến nhiều điểm chốt gây khó dễ cho doanh nghiệp khi đi làm và giao hàng cho các điểm phân phối.

1(3).jpg
Việc đưa thực phẩm từ nơi sản xuất tới tay người tiêu dùng vẫn đang gặp khó khăn trong lưu thông. Ảnh: Bích Nguyên

Nhiều doanh nghiệp cho biết, địa phương quy định phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 có hiệu lực trong vòng 3 ngày, không kể chi phí ăn uống nghỉ ngơi, riêng chi phí test, sát khuẩn, quần áo bảo hộ… doanh nghiệp đã tốn 10 triệu đồng/ngày. Điều đó khiến cho chi phí sản xuất tăng lên nhưng doanh nghiệp không được tăng giá bán, tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp.

Để ổn định sản xuất, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp kiến nghị: Cho phép kéo dài thời hạn giá trị của kết quả xét nghiệm âm tính đối với Covid-19; áp dụng test nhanh, test gộp (không áp dụng phương pháp RT-PCR) để tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Thống nhất lưu thông “luồng xanh” giữa các địa phương; đẩy nhanh và mở rộng năng lực cấp phép luồng xanh; bổ sung sản phẩm, vật tư đầu vào nông nghiệp vào danh mục “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” để tạo điều kiện ổn định lưu thông hàng hóa; mở lại cung cấp dịch vụ vận chuyển với các đối tác vận chuyển như (Grab, beemin, Ahamove….).

Các doanh nghiệp cũng đề xuất miễn 100% lệ phí cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giảm 50% phí thẩm định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cho Doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản.

Trước mắt, miễn phí kiểm dịch đối với vật nuôi tại các cơ sở sản xuất đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh. Lùi thời gian kiểm tra, đánh giá lại các cơ sở sản xuất thức ăn, thuốc thú y từ nay cho đến lúc cả nước khống chế được dịch Covid-19.

Miễn 100% lệ phí cấp chứng thư xuất khẩu, giảm 50% chi phí kiểm tra lô hàng xuất khẩu liên quan đến việc cấp Chứng thư xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này.

Thúc đẩy mạnh mẽ mô hình "3 tại chỗ" và ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp chủ động các phương án đảm bảo duy trì sản xuất an toàn cho đến khi có vaccine để tiêm cho doanh nghiệp.

Các ngành hàng, doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ có các chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp như giảm tiền điện; miễn, giảm, gia hạn thuế; khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, tái cấp vốn, hạ lãi suất cho vay; đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021 và 2022.

Đồng thời, hỗ trợ hoặc tạo điều kiện ưu tiên tiêm phòng vaccine cho lực lượng tham gia thu mua, vận chuyển và chế biến nông sản tại doanh nghiệp, nhà máy chế biến, giết mổ, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, trang trại chăn nuôi và nông dân trực tiếp lao động sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp vẫn gặp khó khi lưu thông hàng hóa