Doanh nghiệp ngành nông nghiệp và sự chuyển mình trong đại dịch, sẵn sàng tăng trưởng hậu Covid

Trang Nhi - Kim Truyền| 10/09/2021 20:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho ngành nông nghiệp, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất – cung ứng – tiêu thụ, nhưng chính những khó khăn này lại là tiền đề cho các doanh nghiêp (DN) trong ngành nông nghiệp có những thích ứng và đang hồi sinh một cách ngoạn mục, sẵn sàng tăng trưởng hậu Covid.

“Chuyển đổi số” - chuyến tàu siêu tốc đang vận hành

Ngành nông nghiệp hàng năm, thường chịu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, rồi dịch, rồi bệnh… tác động đến cả trồng trọt lẫn chăn nuôi. Dịch Covid-19 tràn đến đã khiến khó khăn bủa vây thêm với ngành nông nghiệp, nhiều DN trong ngành chịu tác động lớn (đơn hàng giảm, khó khăn trong nguồn lực lao động không đủ đáp ứng yêu cầu, nguyên liệu sản xuất thiếu, nông sản đầu ra gặp khó do giãn cách xã hội, lưu thông hàng hóa gặp khó…vv).

Chính từ những khó khăn thực tế đó, buộc người nông dân, các HTX, các DN phải thay đổi hoàn toàn nhận thức về cách sản xuất thủ công, cách tiêu thụ truyền thống. Thay vào đó là mục tiêu tích hợp đa giá trị trong sản phẩm và phát triển thị trường, phát triển sản xuất bằng công nghệ 4.0. Để ổn định và sẵn sàng tăng trưởng hậu covid của ngành nông nghiệp thì chuyển đổi số chính là chiếc chìa khóa vàng, không chỉ là biện pháp trong thời dịch mà còn là chiến lược quan trọng để phát triển kinh doanh hiệu quả phù hợp với thời đại.

1(1).jpg
Đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp

Và trước yêu cầu lớn là việc kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố gặp khó khăn và bị đứt gãy. Nhiệm vụ kết nối cung cầu nông sản, vật tư nông nghiệp và sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn lại là tiền đề để các DN ngành nông nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Từ đó đưa ra những thông tin thống kê, tổng hợp, dự báo, phục vụ quản lý sản xuất, xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu nông sản.

Ngành nông nghiêp đề cao việc thường xuyên tổ chức các "Chợ online kết nối nông sản”, xây dựng triển lãm nông sản ảo. Trên chợ này sẽ hiển thị thông tin bên mua bên bán, các gian hàng trưng bày được hiển thị trên màn hình máy tính với không gian 3D, 4D để người mua có thể nhìn thấy sản phẩm chân thật nhất. Xây dựng bản đồ, thông tin quảng bá và tư vấn dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, Bộ NN & PTNT còn tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn sản xuất, kinh doanh tiêu thụ nông sản; Hoàn thiện hệ thống truyền thông đa phương tiện về cung – cầu nông sản; Tổ chức định kỳ các diễn đàn thông tin kết nối; Tập hợp thông tin dữ liệu khách hàng cung-cầu; Hoàn thiện vận hành chợ online; Hoàn thiện, vận hành triển lãm ảo. Thông tin chuyển đổi số, đẩy mạnh áp dụng mã số vùng trồng, tổ chức liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn chất lượng nông sản.

2(1).jpg
Doanh nghiệp ngành nông nghiệp đang có sự chuyển mình, sẵn sàng tăng trưởng hậu Covid

Nhưng không vì vậy mà tại các địa phương đang phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15, 16 lơ là việc rà soát hoạt động cung ứng hàng hóa của các thương nhân kinh doanh mặt hàng chủ lực; Thiết lập điểm tập kết hàng hóa tạm thời; Nâng cao năng lực cung ứng của hệ thống phân phối; Tăng cường thực hiện chương trình bán hàng lưu động, bán hàng trực tuyến; xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm của người dân tại các địa phương. Đồng thời nhiều DN trong ngành không chỉ còn đồng hành cùng bà con vùng dịch vượt qua khó khăn, mà còn thực hiện nghiêm các biện pháp trong phòng, chống dịch bệnh.

Chuyển mình trong đại dịch, sẵn sàng tăng trưởng hậu Covid

Bộ NN & PTNT đang thực hiện nhiều chính sách để giúp các DN trong ngành, hỗ trợ đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Thông tin kịp thời về cung cầu trong điều kiện giãn cách, dịch kéo dài rất quan trọng; Tăng cường nâng cấp hệ thống đăng ký mua sắm online; Đẩy mạnh triển khai việc kết hợp với các ứng dụng giao hàng trực tuyến; Tăng cường nguồn nhân lực để cung ứng cho người dân…

“Trong 8 tháng năm 2021, xuất khẩu nông sản đã đạt được kết quả khả quan với tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 32,1 tỉ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 13,9 tỉ USD, tăng 13,6%; lâm sản chính đạt khoảng 11,2 tỉ USD, tăng 42,7%; thủy sản đạt trên 5,6 tỉ USD, tăng 7,1%; chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD, tăng 15,9%” - ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN & PTNT), cho biết.

Vượt qua những khó khăn của dịch bệnh Covid-19, ngành nông nghiệp đang cho thấy sự chuyển mình để sẵn sàng tăng trưởng khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Ví như niên vụ cam 2021 - 2022, tổng diện tích cam toàn huyện Bắc Quang (Hà Giang) là 5.675 héc-ta, năng suất ước đạt 106,2 tạ/héc-ta, sản lượng ước đạt 39.250 tấn. Hiện nay, cam sành và một phần cam vàng sớm vụ đã được đưa vào các siêu thị, các hội chợ thương mại và gian hàng trưng bày tại các tỉnh phía Bắc, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức. Tăng cường kết nối với các chợ đầu mối và các khu trung cư lớn để đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm cam sành. Trong đó, hình thức là tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cam trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các ứng dụng điện tử. Tiếp tục hợp đồng kết nối với các siêu thị Vinmart và Vinmart+, Big C, Saigon Coop, Coop.mart, hệ thống cửa hàng hoa quả sạch, các chợ đầu mối và các thương lái...

3(1).jpg
Bà con nông dân chăm chút chất lượng nông sản

Hay nông dân trồng khoai mỡ tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An lại phấn khởi vì “trúng mùa, được giá”. Thời gian qua, huyện tạo đã mọi điều kiện để phát triển và giữ vững ổn định diện tích khoai mỡ. Huyện cũng đã xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý khoai mỡ Bến Kè, góp phần tạo thương hiệu và đầu ra ổn định cho khoai.

Những ngày qua, bà con diêm dân trên địa bàn huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đều vui mừng bởi giá muối tăng cao. Nhiều hộ dân sau khi xuất bán đã thu lãi trên 10 triệu đồng/héc-ta. Năm nay giá muối khá cao hơn so với mọi năm và trung bình người dân thu hoạch từ 3 - 4 đợt muối/tháng. Hiện muối nền đất có giá từ 600.000 - 650.000 đồng/tấn, muối trải bạt giá từ 700.000 - 750.000 đồng/tấn. Với giá muối trên, sau khi trừ các loại chi phí, bà con diêm dân có lãi khoảng 10 - 12 triệu đồng/héc-ta/tháng.

Các DN, HTX, người nông dân tự hào mang những đặc sản địa phương đến tận tay người dân trên mọi miền đất nước, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến thông minh, cung cấp hệ thống sản phẩm đặc sản chính gốc, chất lượng cao, hương vị đích thực tới khách hàng.

Với những tín hiệu khả quan trên, các DN ngành nông nghiệp, các HTX, người nông dân đang cho thấy sự chuyển mình rõ rệt để thích ứng với những khó khăn của dịch bệnh, và đang hồi sinh một cách ngoạn mục sẵn sàng tăng trưởng hậu Covid.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp ngành nông nghiệp và sự chuyển mình trong đại dịch, sẵn sàng tăng trưởng hậu Covid