Doanh nghiệp nâng cao mức phòng dịch COVID-19, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”

Trang Nhi| 12/08/2021 08:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước diễn biến phức tạp của làn sóng COVID-19 lần thứ tư, nhiều công ty, doanh nghiệp đã lên các kịch bản phòng chống dịch ở mức cao nhất, thực hiện nghiêm các biện pháp mà ngành y tế khuyến cáo để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch.

Chủ động ứng phó với dịch bệnh, nâng cao mức phòng dịch

Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách được các các cấp, các ngành quan tâm chú trọng. Lo ngại dịch bệnh xâm nhập, các doanh nghiệp đã siết chặt các biện pháp phòng dịch, nâng cao nhất mức cảnh báo nhằm ổn định sản xuất và đảm bảo an toàn cho người lao động.

Một số doanh nghiệp, công ty đã tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hàng tuần cho người lao động. Test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 là công cụ hiệu quả giúp chủ lao động ngăn ngừa lây lan COVID-19 tại nơi làm việc. Xét nghiệm kháng nguyên dùng để sàng lọc nhân viên tại các nơi làm, có thể phát hiện tình trạng nhiễm bệnh hiện tại trước khi một nhân viên vào nơi làm việc hoặc quay lại làm việc.

Mặc dù kinh phí test nhanh SARS-CoV-2 khá tốn kém, nhưng nhiều đơn vị đã dành nguồn kinh phí để hợp đồng với Trạm Y tế xã, phường tiến hành xét nghiệm sàng lọc cho người lao động, tất cả vì mục tiêu chống dịch như chống giặc và thúc đẩy sản xuất.

Ngoài ra, tất cả các đơn vị đều yêu cầu người lao động đeo khẩu trang tất cả thời gian tại nơi làm việc, khử khuẩn tay thường xuyên, quét mã QR khi đến công ty và khi tan ca. Các công ty cũng dừng việc tổ chức các hoạt động thường niên phải tập trung đông người, trang bị nước rửa tay sát khuẩn tại cửa ra vào, xà phòng tại các nhà vệ sinh... ở các khu vực làm việc. Người lao động được tuyên truyền hạn chế tiếp xúc với nhau và không đi ra ngoài tỉnh khi không có việc thực sự cần thiết...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đều bố trí nơi làm việc thông thoáng khí, hạn chế máy lạnh, điều hòa khi làm việc trong không gian kín, bố trí khoảng cách làm việc giãn cách giữa người lao động; giãn cách bàn ăn, giảm số lượng người ngồi tại các bàn ăn trong nhà ăn tập thể; bố trí thời gian nghỉ ăn trưa luân phiên, tránh tụ tập đông người…

2.png

Công nhân Công ty 3D Hub Global trên đường Phan Anh, quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh) thực hiện giãn cách trong giờ làm. Ảnh: Biên Phòng

Việc chủ động, sẵn sàng các phương án phòng dịch ngay từ ban đầu sẽ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại khi chẳng may có ca mắc bệnh. Cùng với việc nâng cấp các biện pháp phòng dịch lên mức cao nhất, hiện các doanh nghiệp đã đăng ký mua vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động. Hiện tại, tiêm vắc xin phòng COVID-19 là phương thức bảo vệ người lao động hữu hiệu nhất hiện nay, là cách phòng dịch, duy trì, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất đối với mỗi doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Doanh nghiệp chấp nhận giảm năng suất để đảm bảo “mục tiêu kép”

Ngoài việc tuân thủ nghiêm chỉnh khuyến cáo 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhiều doanh nghiệp còn áp dụng biện pháp “3 tại chỗ” cho người lao động. Song điều các doanh nghiệp lo bây giờ không chỉ là sự đứt gãy chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp với các đối tác, mà còn là sự đứt gãy ngay trong chính từng đơn vị khi phải giảm công suất, giảm lượng người ăn, ở tại công ty để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, có những doanh nghiệp vẫn chấp nhận chọn giải pháp giảm công suất xuống còn 30-50% để tổ chức phương án “3 tại chỗ” và duy trì sản xuất trong hoàn cảnh ngặt nghèo của đại dịch. Các doanh nghiệp đã thực hiện ngay việc bố trí, sắp xếp các khu ăn uống, nghỉ ngơi cho người lao động, sản xuất hoặc chấp nhận tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch trong giai đoạn cao điểm. Tính đến nay, đã có hơn 500 doanh nghiệp tự tổ chức hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ” với gần 80.000 lao động. Sở Công thương cũng đã hỗ trợ thông tin, kết nối các đầu mối cung cấp cơ sở vật chất (như giường, nệm...) phục vụ yêu cầu vừa cách ly, vừa sản xuất của doanh nghiệp.

Điển hình như Công ty 3D Hub Global tại quận Bình Tân (TP.HCM) đang thực hiện phương án “3 tại chỗ” khá tốt. Để đáp ứng tiêu chí tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng và đảm bảo được tiến độ sản xuất hàng hóa cho khách hàng, công ty đã đầu tư chi phí đảm bảo cho công nhân ăn, ngủ tại công ty. Trung bình mỗi ngày, công ty phải chi thêm 150.000 đồng/người.

Do đã trải qua vài lần chống dịch nên công ty cũng có nhiều kinh nghiệm hơn trong các khâu chuẩn bị. Chẳng hạn như công nhân phải tuân thủ khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế, khi vào làm việc được đo nhiệt độ hằng ngày, nếu ai có nhiệt độ tăng cao sẽ được cho về nhà nghỉ ngơi, theo dõi... Đối với nhân viên văn phòng, công ty chia ca làm việc 50% tại công ty và 50% tại nhà. Công nhân trong bộ phận nào ít việc cũng có thể chia nhau nghỉ làm thay ca...

1(4).jpg

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho người lao động. Ảnh: Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai

Hay như Công ty TNHH Sơn Ocean Việt Nam (đóng tại khu công nghiệp Long Thành, H.Long Thành), nhằm duy trì sản xuất, công ty đã thuê các container có diện tích 30m2, bên trong gắn máy lạnh, thông gió, có cửa sổ, cửa chính, đèn chiếu sáng. Mỗi container chứa được 10 người, gồm 5 người ca ngày, 5 người ca đêm. Trước khi áp dụng phương án này, công ty đã tiến hành lấy ý kiến của hơn 100 lao động. Nhóm đồng ý ở lại sẽ sống trong các container từ 2 đến 3 tuần. Một số lao động khác có thể làm việc tại nhà hoặc tạm nghỉ, được công ty trả lương mức tối thiểu. Ngoài ra, NLĐ được lấy mẫu xét nghiệm định kỳ để đảm bảo không đưa mầm bệnh vào nơi sản xuất.

Với tinh thần “sống an toàn với dịch bệnh” cùng những giải pháp phù hợp, thì mọi ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được giảm thiểu. Khi dịch được khống chế, sự chủ động này sẽ là một lợi thế giúp các doanh nghiệp bật dậy mạnh mẽ và phát triển bền vững.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp nâng cao mức phòng dịch COVID-19, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”