Tiếp tục phiên họp thứ 3, ngày 5-10, UBTVQH cho ý kiến về Dự án Luật Lao động (sửa đổi) và Luật Công đoàn. Theo đó, nhiều vấn đề như tuổi nghỉ hưu của người lao động, chế độ nghỉ thai sản, tiền lương tiền công và vấn đề đình công được đưa ra thảo luận tại buổi họp này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu chỉ đạo
Đình công vì sao không đúng luật?
Về vấn đề giải quyết tranh chấp lao động và đình công, Dự thảo Bộ luật sửa đổi theo hướng: Bỏ hòa giải cơ sở; không cho phép đình công phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về quyền; cho phép tập thể lao động tiến hành đình công khi hòa giải tại Hội đồng trọng tài lao động không thành hoặc khi người sử dụng lao động không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ quy định trong biên bản hòa giải thành…
Thẩm tra vấn đề này, Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, việc xây dựng cơ chế giải quyết khác nhau đối với tranh chấp về quyền và lợi ích và chỉ cho phép đình công về lợi ích là hợp lý. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các cuộc đình công thường mang tính chất đan xen giữa quyền và lợi ích, vì vậy cần bổ sung các quy định về việc xử lý các tranh chấp này. Bên cạnh đó cũng cần phải cân nhắc việc bỏ quy định hội đồng hòa giải cơ sở, vì đây là vấn đề cần thiết để thúc đẩy quan hệ lao động, giảm thiểu tranh chấp và bảo vệ người lao động.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý, một trong những vấn đề quan trọng và bức xúc hiện nay là sửa về vấn đề đình công, vì theo thống kê cả nước thời gian qua số cuộc đình công là hơn 5.000 cuộc. Nhưng vì sao không có cuộc nào trong hơn 5.000 cuộc đình công đó đúng pháp luật là vấn đề mà chúng ta cần đặt ra? Như vậy có nghĩa là pháp luật của chúng ta không phù hợp để xử lý vấn đề của người lao động, nên cần phải sửa cơ bản - đó mới là cái mà người lao động cần, cuộc sống chúng ta rất cần chứ như hiện nay mới sửa những cái vụn vặt không cơ bản, có nhiều điều không sửa.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn: Chính phủ tổng kết và cho rằng việc tổ chức đình công phải thông qua Ban chấp hành Công đoàn, như vậy có hợp lý hay không. Quan điểm này phải nghiên cứu xem xét có phù hợp với điều lệ Đảng hay không (trong 19 điều cấm của đảng viên). Đây là điểm mâu thuẫn, vì những chủ thể mà chúng ta đưa ra không đình công được, và nên sửa theo hướng tổ chức chính trị - xã hội tham gia tổ chức đình công có được hay không. Vì nếu quy định như vậy không thể đình công được trong khi người lao động không chờ, bức xúc là họ đình công ngay.
Cần “bít” lỗ hổng tiền lương
Để giải quyết được vấn đề đình công, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, những bức xúc, đình công của người lao động xuất phát chủ yếu từ tiền lương, tiền công. Nếu giải quyết được vấn đề này sẽ giải quyết được điều đó. Hiện nay, chủ yếu DN áp dụng tiền lương, nhân công quá rẻ mạt, nếu quy định lương theo vùng như hiện nay thì chưa đáp ứng được yêu cầu.
Cũng theo ông Khoa, quy định như hiện nay chính là “kẽ hở” của pháp luật và như vậy các DN nước ngoài được lợi “kép” là khai thác được lợi thế nhân công giá rẻ tại thị trường Việt Nam, vừa có cơ hội để họ trả cho người lao động chỉ bằng mức lương tối thiểu mà không vi phạm pháp luật. Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã chỉ ra, mức lương hiện nay tại các DN chỉ đáp ứng được 60-70% nhu cầu sống tối thiểu.
Về vấn đề quy định tiền lương tối thiểu, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng: Lao động phổ thông đang chiếm tỷ trọng lớn, do đó, rất cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu theo vùng. Nhưng tương lai, khi nhóm lao động tay nghề cao tăng lên, luật phải điều chỉnh theo hướng chỉ công bố mức lương tối thiểu với nhóm ngành, nghề mà người lao động có khả năng rơi vào tình trạng yếu thế. Quy định này nhằm hạn chế việc không ít DN lợi dụng mức lương tối thiểu để rồi trả tiền ở mức tối thiểu hoặc hơn một chút.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, bản chất của các ông chủ là lợi nhuận. Do đó, luật sửa đổi phải giải quyết được tận gốc vấn đề tiền lương, từ đó sẽ giải quyết được chuyện đình công.
M.Thoa