Diễn biến phiên xử bầu Kiên: VietinBank không chịu trách nhiệm về thiệt hại 718 tỷ đồng của ACB

Quang Huy| 29/05/2014 23:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm đang diễn ra với phần tranh luận, trong đó có việc làm rõ việc số tiền 718 tỷ 908 triệu đồng của ACB bị Huyền Như chiếm đoạt. VietinBank tham gia phiên tòa này với tư cách có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Tại phần tranh luận, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của VietinBank đã đưa ra các lập luận, chứng cứ và khẳng định Ngân hàng VietinBank không có liên quan gì đến số tiền 718 tỷ 908 triệu đồng mà Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt của ACB.

Diễn biến phiên xử bầu Kiên: VietinBank không chịu trách nhiệm về thiệt hại 718 tỷ đồng của ACB

Huỳnh Thị Huyền Như trả lời HĐXX tại phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên

VietinBank không có lỗi đối với thiệt hại của Ngân hàng ACB

Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng VietinBank, Luật sư Nguyễn Như Thái Dũng nêu quan điểm: Xuất phát từ việc thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ngày 22/3/2010 đã họp và ra chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, trong đó có VietinBank, Ngân hàng ACB biết việc thỏa thuận lãi suất vượt trần từ 3,7-13%/năm mà vẫn ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền là trái với quy định tại Thông tư 02 của NHNN. Tại thời điểm ACB ủy thác cho cá nhân không có bất cứ quy định nào của pháp luật cho phép các tổ chức tín dụng được ủy thác cho cá nhân đi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác.

Xuất phát từ chủ trương ACB ủy thác cho nhân viên đi gửi theo hợp đồng ủy thác, các nhân viên ACB nhận ủy thác nhưng đã không làm đúng nghĩa vụ theo hợp đồng ủy thác là gửi tiền và thực hiện các nghĩa vụ khác, trong đó có trách nhiệm mang thẻ tiết kiệm về cho ACB. Từ đó dẫn tới việc Huyền Như có cơ hội để thực hiện hành vi lừa đảo và chiếm đoạt. Huyền Như đã có ý thức chiếm đoạt tiền ngay từ đầu khi ACB có chủ trương ủy thác cho nhân viên đi gửi ở các ngân hàng khác để vừa nhận lãi suất tiền gửi, vừa nhận lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng. Trong tình trạng nợ nần chồng chất do kinh doanh bất động sản và chứng khoán gặp khó khăn, Như đã mong muốn chiếm đoạt tiền của ACB và sau đó dùng các thủ đoạn gian dối để dẫn dụ tạo niềm tin cho phía ACB đến gửi tiền tại  VietinBank bằng cách lấy 10,302 tỷ từ nguồn tiền cá nhân để trả lãi ngoài hợp đồng cho ACB. Do đó khoản tiền của ACB chính là đối tượng Như hướng tới để lừa đảo chiếm đoạt. Như đã chủ động thực hiện công việc không thuộc chức năng nhiệm vụ được giao để gian dối, thực hiện hành vi lừa đảo tiền của ACB như tự ký giả các chữ ký, sử dụng con dấu giả, lệnh chi giả… để lừa đảo, chiếm đoạt.

VietinBank với tư cách có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vụ án, VietinBank không hề biết việc Như có các hành vi gian dối trên, vì vậy VietinBank không bị thiệt hại, thực tế không được hưởng lợi gì từ các hành vi của các bị cáo cũng như của Huyền Như. Hậu quả thiệt hại đối với ACB là do lỗi của chính ACB khi thực hiện chủ trương ủy thác vì lãi suất tiền gửi và lãi suất ngoài hợp đồng trong khi NHNN chưa có hướng dẫn về hoạt động này theo quy định tại Điều 106 Luật các tỏ chức tín dụng năm 2010, chính vì vậy Như mới có cơ hội lừa đảo và chiếm đoạt.

Việc Ngân hàng ACB đưa ra yêu cầu xem xét trách nhiệm VietinBank đối với khoản tiền 718 tỷ 908 triệu đồng là không có căn cứ. Ngân hàng VietinBank không gây ra và không có lỗi đối với thiệt hại của Ngân hàng ACB nên không có trách nhiệm với khoản tiền này.

VietinBank không có nghĩa vụ phải trả 718 tỷ 908 triệu đồng cho ACB

Luật sư Lê Hồng Nguyên bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng ViettinBank nêu rõ: Ngân hàng ACB phải hoạt động theo các quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản về mặt quản lý nhà nước của NHNN. Trong giai đoạn xảy ra vụ án này, tất cả những hành vi ủy thác cho vay đều diễn ra vào thời điểm do Luật các tổ chức tín dụng 2010 điều chỉnh. Việc ACB thông qua các cá nhân là nhân viên của mình để gửi tiền vào VietinBank là sai nên đã bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt số tiền của ACB thông qua việc ủy thác của 19 nhân viên.

Căn cứ các lời nhận tội của Như trong vụ án trước đây và các lời khai chi tiết cho thấy rằng: Huyền Như trong lúc áp lực về tài chính đã dùng hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của ACB thông qua việc ủy thác cho 19 nhân viên. Hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này hoàn toàn không liên quan gì đến VietinBank, Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ án này dưới màu sắc, lợi dụng màu áo VietinBank để huy động vốn và chiếm đoạt cho mình. VietinBank không hề chiếm đoạt mà là Như chiếm đoạt, do đó VietinBank không có nghĩa vụ phải trả 718 tỷ 908 triệu đồng cho Ngân hàng ACB.

VietinBank không chịu trách nhiệm về những giao dịch bất hợp pháp

Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Thị Bắc, việc Như lừa đảo chiếm đoạt trót lọt là do sự sai phạm, tắc trách của lãnh đạo và nhân viên ACB. Việc ACB ủy thác cho 19 nhân viên gửi tiền vào ViettinBank là vi phạm pháp luật, vì tại thời điểm thực hiện ủy thác, giấy phép hoạt động, giấy đăng ký kinh doanh của ACB mới chỉ có nội dung về hợp đồng nhận ủy thác: tiếp nhận vốn ủy thác đầu tư và phát triển.

Hiện tại, ACB cũng chưa được NHNN cấp phép hoạt động ủy thác tiền gửi. Vì vậy, việc ACB thực hiện ủy thác tiền gửi vào VietinBank là sai với khoản 2 Điều 90 Luật các tổ chức tín dung, đồng thời cũng vi phạm khoản 1 Điều 9 Luật doanh nghiệp về nghĩa vụ của doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh theo đúng ngành nghề trong giấy đăng ký kinh doanh. Do việc ủy thác gửi tiền trái pháp luật và việc tắc trách của Ngân hàng ACB và nhân viên ACB nên bị Như lừa đảo chiếm đoạt. VietinBank hoàn toàn không chịu trách nhiệm về những giao dịch bất hợp pháp giữa Như và ACB và các nhân viên ACB.

ACB tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt tiền

Luật sư Đỗ Ngọc Quang cho rằng sai lầm của Ngân hàng ACB là đưa ra chủ trương ủy thác gửi tiền lãi suất cao ở ngân hàng khác. ACB đã hiểu lẫn lộn giữa tiền của ngân hàng với tư cách tổ chức kinh tế với tiền của cá nhân mang đi gửi tiền, hay nói cách khác lẫn lộn hợp đồng gửi tiền của tổ chức kinh tế với sổ tiết kiệm của cá nhân gửi tiền.

Trong khi ACB ủy quyền cho nhân viên ACB lấy tiền của ngân hàng để cá nhân đi gửi tiền, biến tiền ngân hàng thành tiền cá nhân nhưng khi tất toán lại cho rằng đó là của tiền ngân hàng với tư cách tổ chức kinh tế nên đã không yêu cầu cá nhân ủy thác thực hiện nghĩa vụ của người gửi tiền là nhận thẻ tiết kiệm. Nếu tổ chức kinh tế đi gửi tiền thì chỉ cần hợp đồng gửi tiền kèm theo giấy tờ liên quan khác như giấy báo nợ, giấy báo nợ là đã chứng minh được quyền của tổ chức về khoản tiền đó. Nếu cá nhân đi gửi thì phải có sổ tiết kiệm hoặc thẻ tiết kiệm mang về. Chính sự lẫn lộn này của ACB đã tạo điều kiện cho Huyền Như lừa đảo. Những sai phạm của cán bộ, nhân viên Ngân hàng ACB đã tạo điều kiện thuận lợi cho Như chiếm đoạt 718 tỷ 908 triệu đồng của ACB. Do vậy, việc Như chiếm đoạt tiền bằng hình thức lừa đảo rất rõ ràng, chính là do những sai phạm của ACB gây nên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn biến phiên xử bầu Kiên: VietinBank không chịu trách nhiệm về thiệt hại 718 tỷ đồng của ACB