Tính từ khi bùng phát dịch Covid-19 đến 15h ngày 24/8/2020 Việt Nam đã thực hiện được hơn 1 triệu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR.
Realtime RT-PCR (rRT-PCR) là phương pháp xác định sự hiện diện của virus trong mẫu bệnh phẩm thông qua vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2. Kết quả rRT-PCR xác định người đang nhiễm bệnh, đáp ứng được yêu cầu phát hiện sớm, nhằm cách ly và điều trị cũng như kịp thời có các biện pháp phòng dịch thích hợp.
Trong vòng một tháng qua, công suất xét nghiệm đã tăng gấp 5-6 lần so với giai đoạn cao điểm tháng 3-4. Số lượng xét nghiệm trong gần một tháng qua bằng tổng số xét nghiệm trong 6 tháng của giai đoạn đầu.
Xét nghiệm Covid-19 tại tâm dịch Đà Nẵng.
Giai đoạn thứ nhất từ 22/1 đến 5/3, xét nghiệm 3.094 mẫu (44 ngày, tương đương 70 mẫu/ngày).
Giai đoạn thứ hai từ 6/3 đến 22/4, xét nghiệm 182.109 (47 ngày, tương đương 3.874 mẫu/ngày).
Giai đoạn thứ ba từ 23/4 đến 23/7, xét nghiệm 237.815 (91 ngày, tương đương 2.613 mẫu/ngày).
Giai đoạn thứ tư từ 24/7 đến nay xét nghiệm 485.215 xét nghiệm (30 ngày, tương đương 16.173 mẫu/ngày)
Hiện toàn quốc có 71 đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19 với công suất khoảng 34.000 mẫu/ngày.
Trước đó, ngày 20/8, Bộ Y tế có công văn số 4433/BYT-KCB về việc tăng cường năng lực xét nghiệm RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 tại các bệnh viện.
Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố, bệnh viện chuyên khoa Sản, Nhi, Lao, bệnh phổi, ung thư, tim mạch, Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành tiếp tục khẩn trương thực hiện các công việc sau:
Đối với bệnh viện đã được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định, bệnh viện đang làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, tiếp tục củng cố năng lực xét nghiệm phục vụ nhu cầu tại bệnh viện và tiếp nhận mẫu bệnh phẩm từ các đơn vị khác khi được yêu cầu.
Các bệnh viện hiện có trang thiết bị, năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR phải sớm triển khai thực hiện xét nghiệm, tham gia phòng chống dịch Covid-19.
Các bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố chưa đủ năng lực xét nghiệm RT-PCR chủ động liên hệ với các đơn vị có năng lực để gửi mẫu xét nghiệm; đồng thời phải có kế hoạch, thực hiện đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, sinh phẩm xét nghiệm phù hợp, bảo đảm hiệu quả, báo cáo cơ có thẩm quyền để nâng cao năng lực, đủ khả năng xét nghiệm sàng lọc, khẳng định virus SARS-CoV-2 trước ngày 31/12/2020.
Bộ Y tế chỉ đạo thường xuyên theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm cho nhân viên y tế có các triệu chứng bệnh cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, đặc biệt lưu ý người đã tiếp xúc với người bệnh có nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi nặng, khoa hồi sức, cấp cứu, thận nhân tạo, lão khoa, ung thư, tim mạch.
Đồng thời tăng cường chỉ định xét nghiệm sàng lọc và khẳng định phát hiện sớm người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 đối với người bệnh đến khám và người bệnh nội trú có biểu hiện nghi ngờ; đặc biệt lưu ý người cao tuổi, người mắc các bệnh lý mạn tính, kể cả trường hợp người bệnh có tiền sử dịch tễ không rõ ràng để phát hiện và cách ly kịp thời theo quy định tại hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo, điều phối hợp lý các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn trong tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR để đạt hiệu quả cao nhất, tiết kiệm, tránh chồng chéo, lãng phí.