ĐHĐCĐ SPP: Bài toán vốn và khách hàng

30/06/2014 09:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng ngày 29/06, CTCP Bao bì Sài Gòn (HOSE: SPP) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2014.

Do đang trong giai đoạn cơ cấu vốn, năng lực tài chính yếu nên dù nhu cầu và tiềm năng các đơn hàng lớn nhưng doanh thu năm 2014 chỉ ở mức 600 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% năm trước; lãi ròng sẽ là 12 tỷ đồng, tăng 13%. Cổ tức tương đương năm rồi với 6% bằng tiền mặt.

  

ĐHĐCĐ SPP: Bài toán vốn và khách hàng

ĐHĐCĐ SPP với sự tham dự của 89.33% cổ phần có quyền biểu quyết

Thiếu tiền, hợp đồng lớn “không dám” ký

Vấn đề lớn hiện nay là thiếu vốn, ông Dương Quốc Thái – Tổng giám đốc SPP chia sẻ, vốn lưu động của công ty hiện nay hoàn toàn phụ thuộc từ vay tín chấp, lãi cao và luôn phải đối mặt với động thái thắt chặt tín dụng từ các ngân hàng. Trong khi nhu cầu thị trường còn khá lớn, có các đơn hàng trị giá 300-400 tỷ nhưng không thể ký. Nhà cung cấp cần tiền, việc shipping tiêu tốn 6-9 tháng tồn kho, ngân hàng yêu cầu vốn đối ứng cho khoản tín dụng cấp theo hạn mức khiến năng lực vốn của SPP không đáp ứng đủ.

Trước những chính sách ưu đãi từ Chính phủ, nhiều ngân hàng thống nhất tái tài trợ các khoản vay cho SPP, khi đó lãi ròng của SPP sẽ tăng tối thiểu 2% trong ngắn hạn.

Những…hệ lụy

Để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động mở rộng sản xuất, cổ tức 8% tiền mặt của năm 2012, ứng với khoảng 9.5 tỷ đồng sẽ không chia. Ngoài ra cổ tức 6% tiền mặt năm 2013, vào tháng 9 tới mới xác định chắc chắn được thời điểm chi trả. Nếu chi trả số tiền lớn vào cổ tức hiện giờ sẽ gây thiếu hụt vốn.

Trong dài hạn, ông Thái nhìn nhận việc tăng vốn là điều bắt buộc theo như ý kiến một số cổ đông. Tuy nhiên tình hình hiện nay không thuận lợi cho việc huy động vốn, tìm đối tác phù hợp không dễ, nguy cơ bị các nhà đầu tư ép giá, nên để đảm bảo quyền lợi cho cả cổ đông cũ và mới, SPP sẽ đưa ra câu trả lời cho bài toán tăng vốn trong năm nay hoặc năm sau.

Được biết, đến cuối quý 1/2014, nợ phải trả của SPP là 516 tỷ đồng, chiếm đến 70% tổng nguồn vốn; trong đó nợ vay ngắn hạn là 373 tỷ đồng, nợ vay dài hạn là 72 tỷ đồng; trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 221 tỷ đồng.

Các khoản nợ Ngân hàng của SPP tính đến cuối quý 1/2014

ĐHĐCĐ SPP: Bài toán vốn và khách hàng

Bài toán lợi nhuận biên

Năm 2013, biên lợi nhuận gộp của SPP là 16%, trong khi đó biên lợi nhuận ròng chỉ có 2%, tỷ lệ được đại diện quỹ VietNam Holding đánh giá là rất thấp. Trước điều này, ông Thái giải thích nếu như lãi suất ngân hàng, các chi phí nguyên vật liệu, quản lý, bán hàng trên tổng thể cùng giảm thì biên lợi nhuận ròng có thể đạt được 7%.

KQKD của SPP giai đoạn 2010-2013

ĐHĐCĐ SPP: Bài toán vốn và khách hàng

Nguồn: VietstockFinance

Bài toán khách hàng

Hiện tại công suất nhà máy của SPP chỉ mới đạt 70%, nếu tăng lên tối đa, SPP có thể đạt doanh thu tầm 1,000 tỷ đồng. Trong năm nay, SPP sẽ tăng cường khai thác nhóm khách hàng tiềm năng chưa cung ứng hết sản lượng như Vinacafe hợp đồng 120 tỷ đồng, Acecook 145 tỷ đồng, Nestlé 8.1 tỷ đồng, Pepsico trên 10 tỷ đồng, ngoài ra còn có Vinamilk (VNM), Fes.

Bên cạnh đó là củng cố lại mối quan hệ với các khách hàng đã giảm sản lượng trong thời gian qua như Bánh kẹo Hải Hà (HHC), Bánh kẹo Hữu Nghị, Sữa Mộc Châu, SXKT Huế, SXKT Bình Định, Công ty Hải Việt, Công ty New Toyo. Các khách hàng mới sẽ bao gồm bột giặt của Uniliver, Bột giặt Net; nông nghiệp của Công ty Giống Miền Nam, Giống Nghệ An; Thuốc bảo vệ thực vật của Bayer, Sygenta; thực phẩm của Saigon Vewong, Unipresident, Thực phẩm Nhà Bè, Thực phẩm Bốn Mùa, Miliket. Với tình hình tài chính khó khăn như hiện nay, SPP sẽ ưu tiên giảm giá 1-2% nếu khách hàng thanh toán ngay khi nhận hàng.

Đến năm 2017, sẽ tăng thị phần tại khu vực miền Trung với Đà Nẵng làm trọng điểm, miền Đông Nam Bộ lấy Biên Hòa-Vũng Tàu làm trọng tâm, Tây Nam Bộ là Long Xuyên-Cần Thơ.

Quý 1/2014 vừa qua lợi nhuận sau thuế chỉ thực hiện chưa đến 10% kế hoạch, tương đương 1.1 tỷ đồng, giảm gần 30% cùng kỳ. Lý giải điều này trước cổ đông, Tổng giám đốc Thái cho biết quý 1 lợi nhuận công ty luôn thấp do rơi vào thời gian nghỉ Tết nhiều, công ty bị mất một tháng về doanh số và lỗ trong tháng đó, có thể rơi vào tháng 1 hoặc 2. Tính hết quý 2/2014, SPP đạt được lợi nhuận 4.3 tỷ đồng, thực hiện được 36% kế hoạch năm, ông Thái cho biết thêm.

Năm 2013, SPP đạt 571.8 tỷ đồng doanh thu, tăng 27% năm 2012 và vượt 19% kế hoạch. Tuy nhiện, kể từ năm 2013, SPP không còn được hưởng thuế suất ưu đãi (12.5% năm 2012) mà phải chịu mức 25% nên ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận sau thuế, đạt 10.6 tỷ đồng, giảm 6.5% cùng kỳ và thực hiện được 94% kế hoạch.

Trần Hạnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐHĐCĐ SPP: Bài toán vốn và khách hàng