Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 của CTCP Nhựa Tân Tiến (HOSE: TTP) diễn ra sáng ngày 28/05, cổ đông đã thông qua kế hoạch đầy bất ngờ của công ty, đó là xin hủy niêm yết.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 của CTCP Nhựa Tân Tiến |
Điều đáng chú ý là tất cả các cổ đông tham dự Đại hội đều không có bất kỳ ý kiến nào về việc xin hủy niêm yết mặc dù ông Lê Minh Cường, Chủ tịch HĐQT TTP khá thiết tha mong cổ đông nêu ý kiến trước những vấn đề quan trọng như trên.
Theo TTP, lý do hủy niêm yết tự nguyện là để tập trung việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh; tập trung phát triển doanh nghiệp.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông nhỏ lẻ sau hủy niêm yết, Công ty sẽ thực hiện mua lại cổ phiếu quỹ với giá tối đa 30,000 đồng/cp. Hiện tại Công ty đang nắm giữ lượng cổ phiếu quỹ là 1,449,998 cp, ứng với 9.66% tổng số lượng cổ phần đã phát hành. Do đó, TTP sẽ đăng ký mua lại 3,000,000 cp, tương đương 20% vốn điều lệ để số lượng cổ phiếu quỹ không vượt quá 30% vốn theo luật định.
Thời gian thực hiện mua lại dự kiến là trong tháng 11 – 12/2014 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ mua cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ.
Theo hay bỏ dự án văn phòng công ty?
Được biết trong năm 2013, TTP đã vay ngân hàng 200 tỷ đồng để thực hiện hợp tác đầu tư dự án văn phòng công ty và kinh doanh mặt bằng cho thuê trong tương lai. Từ đó, chi phí tài chính mỗi quý của Công ty đội lên đến gần 9 tỷ đồng, đây là một khoản không nhỏ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của TTP.
Trao đổi riêng với chúng tôi, ông Lê Minh Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TTP cho biết HĐQT và Ban Giám đốc đang rất cân nhắc về vấn đề này. Dự án đầu tư văn phòng công ty và kinh doanh mặt bằng thực sự rất tiềm năng nếu nền kinh tế khả quan hơn, nhưng với tình hình chung vẫn còn hết sức khó khăn như hiện nay ông lo ngại rằng đây sẽ là gánh nặng và Công ty rất có thể sẽ rút vốn góp để thực hiện dự án khác.
Trên quan điểm cá nhân, ông Cường ủng hộ việc rút vốn góp bởi nhiều khi dừng lại sớm thì Công ty sẽ hạn chế được tối đa tổn thất. Tuy nhiên, mọi việc vẫn còn đang trong quá trình bàn bạc, ông khẳng định thêm Công ty hoàn toàn có thể rút được toàn bộ vốn góp bởi đã có cam kết ban đầu.
Năm 2014, kế hoạch lợi nhuận 60 tỷ đồng và cổ tức 10%
HĐQT TTP nhận định năm 2014 là một năm khó khăn do thị trường cung cấp bao bì mềm có thêm một số đối thủ có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể là Dai Nippon (Nhật), Fuji Seal (Nhật) đã chính thức đưa nhà máy vào hoạt động trong năm 2013 và các khách hàng đã có chia sẽ thị phần của công ty với các đối thủ. Bởi vậy, công ty phải có chiến lược khách hàng, những chính sách phù hợp về giá để duy trì thị trường và điều này sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận trên doanh số bán hàng trong năm 2014.
Theo đó, Công ty đặt mục tiêu kinh doanh gồm doanh thu thuần 1,800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 60 tỷ đồng; cùng tăng trưởng 20% so với thực hiện năm 2013. Cổ tức dự kiến thanh toán ở mức 10%. Kế hoạch này cũng đã được cổ đông thông qua.
Về kế hoạch đầu tư, TTP định hướng khai thác tối đa nguồn lực hiện có và chỉ đầu tư chủ yếu một số máy móc cho các dự án liên quan như sản xuất sản phẩm mới cho thị trường chiến lược. Do đó, năm 2014 Công ty chỉ đầu tư cơ bản với tổng giá trị 2.42 triệu USD.
Nhìn lại năm 2013, TTP đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế nhưng không hoàn thành kế hoạch doanh thu với lần lượt 50 tỷ đồng và 1,503 tỷ đồng. Do đó, Đại hội thống nhất sẽ chia cổ tức tỷ lệ 5% thay vì mức 15% theo kế hoạch đặt ra, ứng với tổng thanh toán 7.5 tỷ đồng.
Mỹ Hà