Cục Hàng hải Việt Nam sẽ đề xuất thành lập Ban xử lý các loại phụ phí vô lý, từ đó, chúng tôi sẽ đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ để triển khai thực hiện ngay, tránh kéo dài, gây bức xúc, thua thiệt cho doanh nghiệp".
Phụ phí của các hãng tàu nước ngoài đang đè nặng lên doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Ảnh T.Hòa.
Với mục đích bàn các giải pháp để loại bỏ các phụ phí vô lý đang đè trên vai các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, chiều 10/9, tại Hà Nội, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức Hội nghị với chủ đề “Hãng tàu nước ngoài thu phụ phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam” với sự tham gia của Cục quản lý cạnh tranh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và đại diện một số hiệp hội, ngành hàng liên quan.
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật cho biết hiện tại, trách nhiệm xử lý phụ phí chưa rõ ràng. Vì thế, Cục trưởng Nguyễn Nhật đề xuất: "Cục Hàng hải Việt Nam sẽ đề xuất thành lập Ban xử lý các loại phụ phí vô lý, từ đó, chúng tôi sẽ đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ để triển khai thực hiện ngay, tránh kéo dài, gây bức xúc, thua thiệt cho doanh nghiệp".
Đại diện nhiều bộ như: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đặc biệt là các DN, chủ hàng Việt Nam hoàn toàn nhất trí với đề xuất thành lập Ban xử lý các loại phí vô lý do Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất với thành phần gồm: Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Công Thương (gồm Cục Xuất nhập khẩu và Cục Quản lý cạnh tranh), VCCI, Tổng cục Thuế Việt Nam, Tổng cục Hải Quan, Cục quản lý giá (Bộ Tài Chính), Hiệp hội chủ hàng, Hiệp hội ngành hàng… Dự kiến, Ban sẽ thành lập ngay trong tháng 9/2014.
Ông Nguyễn Nhật cho biết, hiện nay có khoảng 10 loại phụ phí đang được các chủ tàu nước ngoài áp dụng thu đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam, như phí dịch vụ công-ten-nơ THC, phí mất cân đối công-ten-nơ (CIC hoặc CIS), phí tắc nghẽn cảng (PCS), phí vệ sinh công-ten-nơ, phí sửa chữa vỏ công-ten-nơ, phí thủ tục, phí lưu kho bãi… Việc thu quá nhiều các loại phụ phí gây khó khăn rất lớn đối với chủ hàng xuất nhập khẩu nhất là trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái như hiện nay.
Theo ông Trần Anh Sơn, Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), chúng ta đang có những khoản phụ phí hết sức vô lý. Ví dụ như phí cảng, có những trường hợp do vắng khách, các cảng hạ giá vô tội vạ, từ đó nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh. Các hãng tàu không thay đổi mức tiền thu của chủ hàng, sau đó, họ thay mặt trả cho các cảng, cảng nào rẻ họ vào, từ đó, các loại phụ phí chêch lệch khác nhau, xảy ra câu chuyện rối loạn phụ phí.
Ông Phan Thông, Tổng Thư ký hiệp hội chủ hàng thừa nhận, chúng ta chưa đánh giá đúng phí, phụ phí là gì, chính vì thế trong ký kết thường có những thua thiệt. Ở đây, vai trò nhà nước nhằm giúp đỡ, tư vấn cho các doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Đại diện nhiều doanh nghiệp thừa nhận nhiều đơn vị doanh nghiệp, chủ hàng Việt Nam hàng chục năm nay rất thiếu cơ quan bảo vệ. Hiệp hội chủ hàng và VCCI gần như chưa phát huy được vai trò của mình. Rất nhiều phụ phí vô lý như phí dịch vụ công – ten - nơ là phí phải trả cho cảng xếp dỡ, nhưng hiện tại đang thu rất cao. Chủ tàu nước ngoài hiện đang vận tải tới 80% lượng hàng đi/đến Việt Nam, vì thế, họ tạo áp lực, bắt chẹt doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, có nhiều ý kiến cho rằng: Có một số tuyến cước phí còn thấp hơn phụ phí rất nhiều lần. Cần phải rà soát ngay vấn đề này với chủ tàu nước ngoài. Cần phải đăng ký tuyến vận tải, phí theo tuyến công khai, rõ ràng, không nhập nhèm như hiện nay, điều này vi phạm Luật cạnh tranh, chúng ta hoàn toàn có thể cấm được.