Ủy ban Pháp luật đề nghị không quy định thẩm quyền của Chính phủ đề nghị TANDTC xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án, nếu thấy bản án, quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật như tại khoản 2 Điều 40 Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Ngày 30/9, UBTVQH đã họp và cho ý kiến về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu đề nghị Dự án Luật cần cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, nhất là quy định mới về quyền hành pháp của Chính phủ.
Các ý kiến cũng tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ nhằm kịp thời thể chế hóa quy định và tinh thần của Hiến pháp mới, bảo đảm tính đồng bộ của việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế trong bộ máy Nhà nước nói chung và Chính phủ nói riêng; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ hiện nay.
Về đề nghị giao việc quản lý Tòa án cho Chính phủ quản lý như trong Tờ trình của Chính phủ đã không được các đại biểu đồng tình. Ủy ban Pháp luật cho rằng, từ trước năm 2002, TAND địa phương do Chính phủ quản lý. Sau đó, từ năm 2002, chức năng quản lý TAND địa phương được chuyển giao cho TANDTC quản lý (theo Luật Tổ chức TAND năm 2002).
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật chung quan điểm, đây là vấn đề phức tạp liên quan đến việc phân công phối hợp kiểm soát giữa cơ quan thực hiện quyền hành pháp với cơ quan thực hiện quyền tư pháp, do còn có ý kiến khác nhau, vì vậy, cần phải tiến hành tổng kết thực tiễn, đánh giá kỹ ưu điểm, hạn chế. Trên cơ sở đó, Quốc hội mới xem xét, quyết định. Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị, trước mắt không quy định về vấn đề này như trong Luật hiện hành, nhưng cần tổng kết, nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý TAND địa phương theo yêu cầu cải cách tư pháp và phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Ngoài ra, Dự thảo Luật xây dựng một chương mới quy định về mối quan hệ giữa Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác (Chương VI) để thực hiện quy định của Hiến pháp về phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ủy ban Pháp luật tán thành việc đưa nội dung này vào Dự thảo Luật; đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo trong việc cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp mới trong các quy định của chương này.
Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, Dự thảo Luật cần tập trung quy định về cơ chế phối hợp, cách thức thực hiện thẩm quyền trong mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan ở Trung ương, không quy định thẩm quyền mới vì đã được quy định trong các đạo luật khác. Đồng thời, nhiều quy định trong chương này trùng lặp với quy định của các đạo luật khác về chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội (Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật), của Chủ tịch nước (Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế), của TAND và của VKSND (Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND, các luật về tố tụng). Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu để quy định cho thống nhất, tránh chồng chéo giữa các đạo luật.
Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị không quy định 6 nội dung, trong đó có việc không quy định thẩm quyền của Chính phủ đề nghị TANDTC xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án, nếu thấy bản án, quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật như tại khoản 2 Điều 40 Dự thảo Luật, vì vấn đề này thuộc phạm vi của các đạo luật về tố tụng.