Đề nghị được dừng thực hiện chỉ tiêu xét xử lưu động

Quốc Huy| 05/12/2017 10:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, xét xử lưu động cũng đã bộc lộ bất cập, hạn chế, nhiều hệ lụy nên TANDTC đã mạnh dạn đề nghị Quốc hội cho dừng thực hiện chỉ tiêu xét xử lưu động.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội (ĐB) về vấn đề này trong Kỳ họp thứ Tư vừa qua.

Nên thay đổi trong xét xử lưu động

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn)  đề cập đến việc, năm 2012, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Công tác của VKSND, TAND và công tác Thi hành án năm 2013. Trong đó, có yêu cầu TANDTC chỉ đạo các Tòa án tăng số vụ án hình sự xét xử lưu động và theo báo cáo hàng năm các Tòa án đã thực hiện tốt nhiệm vụ này. Riêng năm 2017 đã có đến 9.029 phiên tòa xét xử lưu động.

Theo ĐB Ngân, việc các Tòa án tổ chức xét xử lưu động là hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rất hiệu quả. Thông qua phiên tòa giúp cho nhân dân hiểu những quy định pháp luật mà họ được nghe trực tiếp, hiểu được hành vi của bị cáo là vi phạm và phải chịu hình phạt tương xứng với tính chất mức độ vi phạm. Hình thức xét xử lưu động công khai còn thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và bảo đảm tính công khai minh bạch…

Tuy nhiên, tại Báo cáo tóm tắt của Chánh án TANDTC trình Quốc hội kỳ họp vừa qua có đề nghị Quốc hội xem xét bỏ chỉ tiêu về tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động được quy định tại Nghị quyết này nên đại ĐB Ngân rất muốn biết lý do.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho hay, phiên tòa lưu động trong một thời gian dài, đặc biệt là trong điều kiện chiến tranh thì có tác dụng tuyên truyền, giáo dục pháp luật rất lớn, nhất là những nơi xảy ra vụ án. Nhưng trong điều kiện của công nghệ thông tin hiện nay, không cần thiết phải có mặt tại phiên tòa, người dân vẫn có thể tiếp cận với phiên tòa thông qua hệ thống truyền thông. Đặc biệt, khi Tòa án đã công khai bản án trên mạng thì bất kể lúc nào, không phải chỉ có thời điểm diễn ra phiên tòa, người dân đều có thể tiếp cận. Cho nên tác dụng tuyên truyền của các phiên tòa lưu động đã không còn được nguyên vẹn như khi ban đầu chúng ta triển khai, dù một thời gian dài có tác dụng rất tốt.

Đề nghị được dừng thực hiện chỉ tiêu xét xử lưu động

ĐB Hồ Thị Kim Ngân - tỉnh Bắc Kạn

Hiện nay, phiên tòa lưu động cũng phát sinh những mặt trái khác. Đó là, việc tổ chức phiên tòa ở ngoài công đường sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh, khó bảo vệ, đặc biệt những phiên tòa có đối tượng nguy hiểm và hết sức tốn kém kinh phí. Một năm chúng ta tổ chức gần 10.000 phiên tòa lưu động thì Tòa án phải chi khoảng 70 tỷ đồng, chưa kể kinh phí mà các địa phương hỗ trợ thêm nên khoản chi rất lớn.

Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay những nguyên tắc tiến bộ của tố tụng đã được Hiến pháp 2013 ghi nhận và đã được thể chế trong các Luật về tố tụng về vấn đề một người chỉ được xem là có tội khi có bản án có hiệu lực của Tòa án. Và việc đưa những bị cáo này ra xét xử công khai ở nơi cư trú có thể làm ảnh hưởng đến cả những người thân của họ. Không ít những vụ án, con cháu những người phạm tội vì bức xúc, xấu hổ đã bỏ học đi bụi đời, thậm chí có hành động đáng tiếc khác… Đây là hậu quả xã hội rất lớn từ hệ lụy do việc tổ chức phiên tòa lưu động gây ra. Vì vậy, TANDTC đã  mạnh dạn đề nghị Quốc hội dừng việc tổ chức các phiên tòa lưu động, vì tác dụng của nó bị hạn chế, nhưng hậu quả lại rất lớn và mong UBTVQH xem xét quyết định.

Không có lạm dụng án treo

 ĐB Nguyễn Thị Thảo (Nghệ An) đã rất băn khoăn khi đặt câu hỏi với Chánh án Nguyễn Hòa Bình là: cử tri phản ánh hiện nay án đánh bạc xử lý rất nhẹ, có thể là án treo, vậy có phải là có tiêu cực hay không?

Trả lời câu hỏi này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, chế định án treo bản thân nó là một chế định rất tích cực, đủ điều kiện để răn đe, phòng ngừa, nhất là đối với những tội phạm do lỗi vô ý và những loại tội phạm lấy đồng tiền làm mục tiêu và phương tiện phạm tội như tội đánh bạc, tội cho vay nặng lãi, tội lạm dụng tín nhiệm, tội vi phạm an toàn giao thông…

Trên thế giới tỷ lệ án treo khoảng 60%, chúng ta đang ở tỷ lệ là 20%, thấp hơn nhiều so với thế giới. Tỷ lệ án treo tập trung ở 3 loại án là án giao thông, trong 3.700 bị cáo có 1.700 là án treo, chiếm tỷ lệ 46%; án đánh bạc 19.000 thì có 7.000 là án treo, chiếm tỷ lệ 37%; tổ chức đánh bạc là 2.500 thì có 900 là án treo, chiếm tỷ lệ 35%. Tổng tỷ lệ án treo cũng chiếm 61% trên tổng số các đối tượng được hưởng án treo. Nguyên tắc án treo trong Nghị quyết 49 của Đảng cũng tăng cường các hình phạt cải tạo không giam giữ và án treo, phạt tiền là một trong những giải pháp để nâng cao hình phạt không giam giữ. Với tỷ lệ án treo 46% trong số vụ đánh bạc và 20% trên tổng số án thì đây chưa phải là cao. Vì nguyên tắc chính sách hình sự đối với những vụ án lấy đồng tiền làm mục đích và phương tiện phạm tội thì hình phạt không phải hình phạt tù là chính, phải là hình phạt tiền và những hình phạt không giam giữ, như thế mới có tác dụng tích cực, Chánh án khẳng định.

Còn có hiện tượng tiêu cực trong việc cho hưởng án treo hay không, Chánh án cho biết, TANDTC vừa có tổng kết Nghị quyết 01 về xử lý án treo thấy rằng, tâm lý của các Thẩm phán chủ tọa phiên tòa rất ngại xử án treo. Cho nên thông thường xử án giam nhiều hơn làm cho tỷ lệ cải tạo không giam giữ của chúng ta thấp hơn nhiều so với bình quân của thế giới. Vì khi xử án treo, dư luận luôn đặt câu hỏi như ĐB vừa nêu, cho nên việc đầu tiên của kiểm tra là xem xét về án treo cho nên các Thẩm phán thường né việc xử án treo. Còn trong những vụ án  cụ thể, có vụ nào Thẩm phán tiêu cực, đề nghị các đại biểu cung cấp thông tin và lãnh đạo TANDTC sẵn sàng nghe và có kiểm tra để xử lý, Chánh án khẳng định.

Về băn khoăn của các ĐB khi cho rằng, án dân sự xét xử có vi phạm pháp luật nên có kháng nghị cao, Chánh án TANDTC giải thích,  kháng nghị là việc bình thường và đặc biệt là cao đối với án dân sự. Vì án dân sự là án mà tài liệu do hai bên cung cấp chứ không phải là tài liệu do cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp. Khác với án hình sự là tài liệu do Cơ quan điều tra tra và Viện Kiểm sát xây dựng, còn án dân sự là hồ sơ, tài liệu do các bên cung cấp, nên nhiều khi không đầy đủ. Trên cơ sở những bộ hồ sơ không đầy đủ như vậy, đương sự lại thường xuyên bổ sung cho nên tỷ lệ hủy sửa cao. Đây đều là những nguyên nhân khách quan.

Do đó, TANDTC đã ban hành 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử. Trong thời gian tới, TANDTC sẽ kiên trì, quyết liệt thực hiện 14 giải pháp này và tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt khi phát hiện được vi phạm của cán bộ sẽ xử lý nghiêm túc, không bao che, né tránh. Khi phát hiện được các vụ án có sai sót trong quá trình xét xử, TANDTC sẽ chỉ đạo phải hủy, sửa để đảm bảo quyền lợi của người dân, Chánh án TANDTC cho biết. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị được dừng thực hiện chỉ tiêu xét xử lưu động