Đề án về số hóa sách giáo khoa cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP HCM với kinh phí khoảng 4.000 tỷ đồng đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Theo đề án, nội dung trong SGK các môn học từ lớp 1-3 được số hóa theo công nghệ 3D, mỗi học sinh sử dụng một máy tính bảng riêng. Đề án thí điểm trong năm học này với 60% số lượng giáo viên, học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Tổng số máy tính bảng cần trang bị là 337.516 chiếc. Giáo viên sẽ sử dụng phần mềm để soạn giáo án, quản lý lớp học và có thể kiểm soát học sinh.
Đề xuất này của TP HCM đang chờ Bộ GD-ĐT phê duyệt. Tuy nhiên, đề án đang gặp phải đa số phản ứng về tính khả thi của nó về nhiều vấn đề: thay đổi nội dung, phương pháp dạy và học; gánh nặng kinh phí sẽ đổ vào đầu gia đình các học sinh, đặc biệt là gia đình nghèo... Cùng với đó, việc sử dụng máy tính quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ, tâm lý cũng như sức khỏe của trẻ.
Trao đổi với phóng viên, Thạc sỹ, bác sỹ Quách Thúy Minh, nguyên Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viên Nhi Trung ương cho biết, trong những ngày qua bà cũng rất quan tâm theo dõi vấn đề này trên các phương tiện truyền thông. Đây là vấn đề tác động trực tiếp đến từng gia đình và đến sức khỏe của trẻ nhỏ.
Trẻ tiếp xúc nhiều với máy tính sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe
Là một người có nhiều năm nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần của trẻ, bác sỹ Quách Thúy Minh cho rằng, bà khá lo ngại với đề xuất này. Nếu đề án được triển khai, thì trẻ em trong độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 3 sẽ phải tiếp xúc với máy tính bảng trong khoảng thời gian khá nhiều trong ngày.
“Với lứa tuổi của các em, chỉ nên xem ti vi, máy tính khoảng 45 phút đến 1 tiếng là phù hợp. Nếu kéo dài thời gian sử dụng các thiết bị này, sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tinh thần của các em”- Bác sỹ Minh cho biết.
Theo bác sỹ Quách Thúy Minh, ở lứa tuổi các em, việc xem tivi, làm việc với máy tính nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mắt. Mắt sẽ bị mỏi nhanh hơn khi đọc sách. Khi xem tivi, máy tính, mắt bị căng thẳng vì tập trung cao độ, dẫn đến trẻ dễ bị cận thị.
Nếu trẻ xem nhiều sẽ dẫn đến thần kinh căng thẳng, rối loạn hành vi, trẻ sẽ bị tăng động. Khi xem tivi, trẻ thường tập trung cao độ nên cũng có thể ảnh hưởng đến thần kinh, gây mệt mỏi, nhức đầu và suy nhược cơ thể.
Bác sỹ Quách Thúy Minh cũng cho rằng, khi trẻ tập trung vào vi tính nhiều, trẻ sẽ không quan tâm đến mọi việc xung quanh, không quan tâm đến mọi người, đến bạn bè. Theo khảo sát, những trẻ xem tivi, máy tính quá nhiều thì công việc tay chân thực tế cũng lúng túng, vụng về hơn những trẻ khác.
Việc tiếp xúc với máy tính nhiều cũng ảnh hưởng tới cảm xúc của trẻ, làm cho trẻ dễ cáu giận và có những hành động bột phát hoặc gây ức chế cho mọi người hoặc cho chính bản thân. Trẻ xem nhiều vi tính cũng ít giao tiếp với xã hội, nên cũng khá khó khăn trong cuộc sống.
Bác sỹ Minh cho rằng, trẻ đang ở độ tuổi khá bé từ lớp 1-3, cần phải có phương pháp học tập và vui chơi hợp lý. Trẻ cần được khám phá thực tế bằng các hoạt động liên quan đến xúc giác, nghe nói và chân tay chứ không phải lúc nào cũng khám phá qua màn hình tivi hoặc máy tính. Có như vậy các em mới có một cơ thể và tinh thần khỏe mạnh.
“Theo kinh nghiệm của tôi thì không nên dùng máy tính bảng để thay thế cho sách giáo khoa và các hoạt động khác. Nếu có thì cũng chỉ để cho các em làm quen, thêm phương pháp học tập chứ không thể dùng máy tính bảng hoàn toàn thay thế phương pháp truyền thống”- Bác sỹ Minh cho biết.
Theo bác sỹ Quách Thúy Minh, dù các nhà nghiên cứu có thiết kế loại máy tính bảng ưu việt hơn các loại máy tính khác và ti vi, thì cũng không nên quá lạm dụng về thời gian cho trẻ sử dụng loại máy tính này. Có thể khi xem tivi, máy tính khoảng thời gian thích hợp là 45 phút đến 1 tiếng thì khi sử dụng máy tính bảng cũng không nên dùng quá nhiều so với khoảng thời gian này.